Quyết định 903/1997/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 903/1997/QĐ-TTg
Ngày ban hành 23/10/1997
Ngày có hiệu lực 07/11/1997
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 903/1997/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 1074/TT-UB ngày 23 tháng 8 năm 1997 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 5827 BKH/VPTĐ ngày 17 tháng 9 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2010 với nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHUNG:

1. Mục tiêu chung:

Thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước. Từng bước phát triển thành phố trở thành hiện đại; liên kết chặt chẽ về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội với các tỉnh miền Trung để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ môi trường, góp sức cùng cả nước mở rộng hợp tác, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế nước ta trên thị trường khu vực và quốc tế.

2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng:

- Gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây nguyên để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Bảo đảm mối quan hệ hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Ưu tiên cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị một cách đồng bộ và hiện đại, tạo mối liên kết phát triển bền vững có hiệu quả giữa nội và ngoại thành; giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Huế và đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam); giữa thành phố Đà nẵng với các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh kinh tế công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời chú trọng phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, thực hiện từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.

- Phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt các vấn đề xã hội, tạo việc làm, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân.

- Giữ vững kỷ cương, trật tự công cộng, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

II. CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:

1. Dân số và nguồn lao động:

Hạn chế mức tăng dân số tự nhiên đến năm 2000 xuống khoảng 1,5% và thời kỳ 2001 - 2010 khoảng 1,2%.

Quy mô dân số thành phố đến năm 2000 khoảng 73,6 vạn người và đến năm 2010 khoảng 1 triệu người.

Hướng phát triển nguồn nhân lực: nâng cao thể lực, nâng cao dân trí của dân cư thành phố, đưa tỷ lệ lao động kỹ thuật đạt khoảng 25% (năm 2000) và trên 40% (năm 2010).

2. Phát tiển các ngành kinh tế:

a) Về công nghiệp:

- Nhanh chóng hình thành các nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn trên cơ sở phát triển những ngành có lợi thế về thị trường, lao động, nguyên liệu, với quy mô vừa và lớn, thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ưu tiên đầu tư phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn hướng vào xuất khẩu và sản xuất hàng tiêu dùng thay thế nhập khẩu.

- Cải tạo mở rộng đầu tư chiều sâu những xí nghiệp tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp tập trung đã được phê duyệt như Liên Chiểu, Hoà Khánh, An Đồn. Chuẩn bị điều kiện để phát triển một số khu cụm công nghiệp khác. Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp tập trung để tạo điều kiện thu hút đầu tư.

b) Về thương mại:

- Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đầu mối giao lưu hàng hoá xuất nhập khẩu.

[...]