Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 194/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 194/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/08/2005
Ngày có hiệu lực 26/08/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 194/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) từ nay đến 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chủ yếu:

a) Mục tiêu chung:

- Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về du lịch biển, du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đưa du lịch trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

- Phấn đấu từ năm 2010 trở đi, du lịch giữ vai trò là một trong những ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và là động lực đẩy mạnh phát triển du lịch cả nước.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2010 khu vực miền Trung - Tây Nguyên đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 10 triệu lượt khách du lịch nội địa.

- Thu nhập từ hoạt động du lịch tăng gấp 6,2 lần so với năm 2000.

- Mức tăng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt bình quân thời kỳ 2006 - 2010 từ: 20 - 22%/năm.

- Việc làm tạo ra từ hoạt động du lịch tăng từ 5 - 6 lần so với năm 2000.

2. Phương hướng phát triển du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên:

a) Các địa bàn hoạt động du lịch:

- Các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh: tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh về các loại hình du lịch lịch sử, du lịch văn hoá, du lịch biển với trung tâm du lịch là thành phố Vinh và vùng phụ cận.

- Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi: tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh về di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được xếp hạng di sản thế giới trên địa bàn, di tích lịch sử, cách mạng, các giá trị thiên nhiên của núi và biển để phát triển du lịch. Đầu tư xây dựng các khu du lịch biển, khu vui chơi giải trí thể thao biển đạt trình độ quốc tế. Chú trọng cả phát triển du lịch theo tuyến hành lang Đông - Tây. Trung tâm du lịch là tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn.

- Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận: phát triển du lịch dựa trên việc phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch biển là chủ yếu. Đầu tư xây dựng các khu du lịch biển quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch có thu nhập cao. Phát triển các loại hình du lịch có khả năng đáp ứng được nhu cầu đa dạng với thời gian dài cho khách du lịch thông qua việc xây dựng các chương trình du lịch tạo được sự gắn kết giữa sinh thái biển của các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ với sinh thái rừng núi, cao nguyên và bản sắc văn hoá của các dân tộc Chăm và Tây Nguyên. Trung tâm du lịch là thành phố Nha Trang, Phan Thiết.

­- Các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng): đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái rừng núi, hang động, thác, hồ nước... và văn hoá truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên gắn với văn hoá của các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Trung tâm du lịch là thành phố Đà Lạt.

b) Tuyến du lịch:

- Tuyến du lịch ven biển dọc quốc lộ 1: tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch của các khu, điểm du lịch dọc theo quốc lộ 1 từ Thanh Hoá đến Bình Thuận về văn hoá, lịch sử cách mạng, sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao biển, các di sản đã được xếp hạng di sản thế giới và các đô thị du lịch (Sầm Sơn, Cửa Lò, Huế, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết) để hình thành và phát triển các khu du lịch có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch có thu nhập cao như: Khu du lịch Cảnh Dương - Hải Vân - Non Nước (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), Khu du lịch Vịnh Nha Trang (Khánh Hoà); Khu du lịch Kim Liên (Nghệ An), Khu du lịch Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu du lịch Hội An gắn với di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Khu du lịch Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận), Khu du lịch Phương Mai - Núi Bà (Bình Định)...

- Xây dựng các tuyến du lịch dựa vào việc khai thác giá trị du lịch của các di tích lịch sử - văn hoá, di tích chiến tranh và di sản đã được thế giới công nhận (di tích văn hoá - lịch sử Kim Liên, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, di tích chiến tranh, khu giới tuyến quân sự (Quảng Trị), cố đô Huế, khu di tích Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An) để tạo tính độc đáo, hấp dẫn thúc đẩy phát triển du lịch.

- Phát triển các tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hoá ở các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Lâm Đồng) trên cơ sở phát huy giá trị du lịch của thành phố Đà Lạt, Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng), Khu du lịch Buôn Đôn (Đắk Lắk).

- Khai thác giá trị về du lịch của Khu Lịch sử cách mạng đường mòn Hồ Chí Minh để phát triển du lịch.

- Khai thác các khu du lịch, điểm du lịch sinh thái, văn hoá, nghỉ dưỡng biển và núi bằng phương tiện giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ 8, 9, 12, 40 qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Bờ Y (Kon Tum)....

c) Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch:

[...]