Quyết định 1776/QĐ-UBND về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 1776/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/07/2022
Ngày có hiệu lực 04/07/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1776/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 04 tháng 7 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022 TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

Theo Công văn số 6479/BKHĐT-ĐTNN ngày 24/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 164/SKHĐT-TT ngày 21/01/2022, Tờ trình số 104/TTr-SKHĐT ngày 08/6/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2022, với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu

- Tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp sáng tạo theo Quyết định số 2960/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

- Hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục đổi mới theo hướng Chuyên nghiệp - Thiết thực - Hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. Hoạt động xúc tiến đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước; phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Trung ương, trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế thế giới và khu vực để có kế hoạch xúc tiến đầu tư phù hợp; khai thác có hiệu quả các cơ hội từ xu hướng tái cấu trúc và định hình các chuỗi cung ứng trong giai đoạn phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các xu hướng lớn như: (i) tái cấu trúc chuỗi cung ứng và xu hướng “Trung Quốc +1”; (ii) Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy việc tổ chức lại các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; (iii) Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần nhường chỗ cho chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là ở Châu Á.

- Tập trung thu hút, xúc tiến các ngành, lĩnh vực Quảng Nam có ưu thế, gắn kết với các địa phương lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đạt được lợi ích lớn từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tận dụng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ, ngành, Trung ương để thu hút hiệu quả các dự án, đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của Hành lang Kinh tế Đông Tây. Kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại nhằm tận dụng hiệu quả các nguồn lực, thời cơ để quảng bá, xúc tiến đầu tư. Coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi; trực tiếp làm việc với nhà đầu tư để xác định các danh mục dự án mở rộng sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chú trọng các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư. Tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển.

- Công nghiệp phải quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, công nghiệp xanh ít sử dụng lao động; phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp hàng không để sớm hình thành trung tâm cơ khí đa dụng quy mô lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, bên cạnh đó là các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phải là những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường; kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu.

- Trong dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logisctics; hình thành các khu phi thuế quan, các sàn giao dịch mang tầm cỡ quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung. Định hướng phát triển du lịch xanh; xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế; chú trọng phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh; phát triển đa dạng hóa thị trường khách du lịch, trong đó phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, hợp tác liên kết vùng, đảm bảo thích ứng với những tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc dịch bệnh toàn cầu; từng bước chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đặc biệt, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Nam có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh dịch vụ vận tải cả về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường không. Với đặc điểm hội tụ riêng có của mình, Chu Lai hoàn toàn có thể hình thành một trung tâm vận tải đa phương thức trọng điểm của quốc gia.

- Nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; có chính sách thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp để làm nòng cốt tổ chức lại sản xuất trên cơ sở tạo mối liên kết bền chặt, hiệu quả với các hợp tác xã và hộ nông dân, hình thành các vùng chuyên canh lớn, các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp; chuyển đổi mạnh rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, cây ăn trái và một số loại cây dược liệu chủ lực, gắn với chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng lớn; giảm tỉ trọng nuôi trồng thủy sản, tăng tỉ trọng đánh bắt xa bờ gắn với chế biến sâu và hạ tầng nghề cá đồng bộ. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển vượt bậc về hoạt động khởi nghiệp gắn với đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao và qui mô lớn để cung cấp cho các thị trường trọng điểm trong nước.

2. Nội dung chương trình xúc tiến đầu tư

a) Hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:

- Hợp tác với các đơn vị, Viện nghiên cứu, các Công ty tư vấn, môi giới đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng đầu tư của đối tác đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore..., các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại các Trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư theo các chuyên đề, ngành nghề làm cơ sở để xúc tiến các nhóm dự án động lực.

- Làm việc với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế như Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, JETRO, JICA, KOTRA, EUROCHAM, SMF, SBF... để thu thập thông tin, số liệu, xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam; nghiên cứu, chọn lọc tham gia các hội nghị, hội thảo do các tổ chức nêu trên tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế duyên hải miền Trung nhằm tạo sự liên kết phát triển vùng trong quá trình hợp tác đầu tư đồng thời tăng cường hoạt động hợp tác, trao đổi chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực, phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

b) Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư

- Hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư; các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh,... thông qua triển khai hiệu quả hệ thống thông tin GIS phục vụ xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, triển khai lập dự án đầu tư.

- Rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực…

- Tổ chức khảo sát, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu của một số ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư để cung cấp kịp thời cho nhà đầu tư.

c) Hoạt động xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư

[...]