ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
176/2014/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
03 tháng 04 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ
NƯỚC CẤP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày
23/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách
nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày
31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai
thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng
xử phạt vi phạm hành chính; Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 07/10/2013 của Bộ
Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí
bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp;
Căn cứ Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND ngày
10/12/2010 của HĐND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành quy định phân cấp ngân sách
các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010-2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình
số 16/TTr-STC ngày 06/3/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, sử dụng
và thanh toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp bảo đảm trật tự an
toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở
Giao thông vận tải, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện,
Chủ tịch UBND cấp xã/và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Tài chính (b/c);
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể nhân dân;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Tòa án nhân dân, Viện KSND tỉnh;
- VP UBND tỉnh:
+ LĐVP, TKCT, KT, TH, GT, NC, TTTCB;
+ Lưu: VT, KT4.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Văn Hạnh
|
QUY ĐỊNH
QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP BẢO ĐẢM
TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TÌNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 176/2014/QĐ-UBND ngày 03/4/2014 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Giang)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định quản lý, sử dụng và thanh
toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp bảo đảm trật tự an toàn giao
thông (sau đây viết tắt là TTATGT) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước cấp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, bao gồm:
Ban An toàn giao thông cấp tỉnh; Ban ATGT cấp huyện, Ban ATGT cấp xã; lực lượng
trực tiếp tham gia đảm bảo TTATGT trực thuộc Sở Giao thông vận tải; UBND cấp
huyện và UBND cấp xã.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử
dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp bảo đảm TTATGT trên địa bàn
1. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên
địa bàn do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế: ngân sách cấp
tỉnh cấp kinh phí bảo đảm TTATGT do các cơ quan cấp tỉnh thực hiện. Ngân sách cấp
huyện, ngân sách cấp xã cấp kinh phí bảo đảm TTATGT do các cơ quan cấp huyện, cấp
xã thực hiện.
2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí tại quy định này
thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong dự toán chi ngân sách
nhà nước đã được giao; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm
quyền; thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí hàng năm theo quy định hiện
hành.
Điều 4. Phân cấp nguồn thu phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT
Tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và được điều tiết 70% cho
ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương (nguồn thu của ngân sách cấp
nào thì điều tiết cho ngân sách cấp đó) để chi cho các hoạt động đảm bảo trật tự
an toàn giao thông trên địa bàn.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Nội dung chi bảo đảm trật
tự an toàn giao thông trên địa bàn
1. Chi hoạt động của Ban
An toàn giao thông cấp tỉnh
a) Chi xây dựng kế hoạch, xây dựng các chương trình,
đề án về công tác đảm bảo TTATGT và biện pháp phối hợp các Sở, ban, ngành và
chính quyền các cấp trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT và khắc
phục ùn tắc giao thông;
b) Chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến các quy
định của pháp luật về TTATGT; nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm TTATGT;
c) Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phối
hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức và các đoàn thể trong lĩnh vực bảo đảm
TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông;
d) Chi phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo Ban
ATGT cấp tỉnh;
đ) Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ của Thường
trực Ban ATGT cấp tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT theo quy định hiện hành;
e) Chi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm
TTATGT;
f) Chi công tác khen thưởng đối với tập thể, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của
pháp luật;
g) Chi khác cho công tác bảo đảm TTATGT.
2. Chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông cấp tỉnh
a) Chi khắc phục điểm đen ATGT (điểm, đoạn đường mất
ATGT) do tỉnh quản lý và hỗ trợ phục vụ công tác giải tỏa hành lang giao thông;
b) Hỗ trợ chi trả tiền điện thắp sáng phục vụ công
tác bảo đảm TTATGT trên Quốc lộ 1A trên địa bàn;
c) Chi hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác
bảo đảm TTATGT;
d) Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết hoặc nạn
nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn trong các vụ
tai nạn giao thông nghiêm trọng;
đ) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn
hoặc gia đình cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT;
e) Chi tập huấn nghiệp vụ an toàn giao thông;
f) Chi khác phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm
TTATGT.
3. Chi hoạt động của Thanh tra giao thông tỉnh
a) Chi hoạt động kiểm tra về công tác bảo đảm
TTATGT;
b) Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho lực lượng
trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT theo quy định hiện hành;
c) Chi nhiên liệu phục vụ công tác bảo đảm TTATGT;
d) Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ
cho công tác bảo đảm TTATGT. Việc mua sắm tài sản, trang thiết bị thực hiện
theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành và được cấp có thẩm quyền quyết định;
đ) Chi sửa chữa trang thiết bị, phương tiện phục vụ
cho công tác bảo đảm TTATGT;
e) Chi thông tin liên lạc; chi mua ấn chỉ phục vụ
công tác bảo đảm TTATGT;
f) Chi khác phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm
TTATGT (nếu có).
4. Nội dung chi bảo đảm trật tự an toàn giao
thông của cấp huyện, cấp xã
a) Chi hoạt động của Ban An
toàn giao thông cấp huyện, cấp xã
Chi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật
về TTATGT; nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm TTATGT
Chi xây dựng các chương trình, đề án về bảo đảm
TTATGT;
Chi phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo Ban ATGT
cấp huyện, cấp xã;
Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ của Thường trực
Ban ATGT cấp huyện, cấp xã kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT theo quy định hiện
hành;
Chi hoạt động kiểm tra về công tác bảo đảm TTATGT;
Chi công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật.
b) Chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông cấp huyện,
cấp xã
Chi khắc phục điểm đen ATGT (điểm, đoạn đường mất
ATGT) do cấp huyện, cấp xã quản lý và chi hỗ trợ phục vụ công tác giải tỏa hành
lang an toàn giao thông;
Chi thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính bảo đảm TTATGT;
Chi hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bảo
đảm TTATGT;
Chi tập huấn nghiệp vụ an toàn giao thông;
Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho
công tác bảo đảm TTATGT. Việc mua sắm tài sản, trang thiết bị thực hiện theo định
mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành và được cấp có thẩm quyền quyết định;
Chi sửa chữa trang thiết bị, phương tiện phục vụ
cho công tác bảo đảm TTATGT;
Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc
gia đình cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT;
Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết hoặc nạn
nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn trong các vụ
tai nạn giao thông nghiêm trọng;
Chi khác phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm TTATGT.
Điều 6. Mức chi
1. Mức chi cho công tác bảo đảm TTATGT thực hiện
theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do nhà nước có thẩm quyền
quy định.
2. Mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ, làm việc vào ban
đêm theo quy định tại Điều 97 Bộ Luật Lao động năm 2012.
3. Mức chi phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo
trưởng ban ATGT tỉnh, trưởng ban ATGT huyện, xã được thực hiện theo Thông tư số
78/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện chế độ
phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh
lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác.
4. Chi công tác phí, hội nghị, tập huấn thực hiện
theo quy định tại Nghị quyết số 35/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của Hội đồng
nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức
hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bắc
Giang.
5. Mức chi khen thưởng theo quy định tại Nghị định
số 42/2010/NĐ-CP ngày 25/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Thi đua khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi đua
khen thưởng; Quyết định số 309/2011/QĐ-UBND ngày 31/8/2011 của UBND tỉnh về việc
ban hành quy định công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
6. Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT theo quy định tại Thông tư số
73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc
lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật.
7. Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ
cho công tác bảo đảm TTATGT theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định và thực hiện
đấu thầu mua sắm theo quy định tại Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của
Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động
thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội,
tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
8. Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ trực tiếp làm công
tác bảo đảm TTATGT bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ hy sinh trong
khi làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Tùy theo tính chất, mức độ thương tật, tai nạn
của cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT, thủ trưởng đơn vị quyết định
mức chi không quá 3 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cơ quan hành chính sự
nghiệp/người. Riêng đối với trường hợp hy sinh khi làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT,
mức chi không quá 6 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cơ quan hành chính sự
nghiệp/người.
9. Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân trong các vụ tai
nạn giao thông nghiêm trọng bị chết, mức chi không quá: 1.000.000 đồng/người;
hoặc nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn, mức
chi không quá: 500.000 đồng/người.
Điều 7. Lập, phân bổ, chấp
hành, quyết toán và kiểm tra kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông
1. Lập dự toán
Hàng năm các đơn vị thụ hưởng kinh phí bảo đảm
TTATGT do ngân sách nhà nước cấp có trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng kinh phí bảo
đảm TTATGT gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp chung vào dự toán
chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân để trình Hội đồng nhân dân cùng
cấp theo quy định. Cụ thể:
a) Kinh phí bảo đảm TTATGT tỉnh
Sở Giao thông vận tải lập dự toán kinh phí đảm bảo
TTATGT cấp tỉnh (bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Ban
ATGT tỉnh), gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào dự toán chi
ngân sách hàng năm báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
b) Kinh phí bảo đảm TTATGT của cấp huyện, cấp xã
Đối với cấp huyện: Thường trực Ban ATGT cấp huyện
hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT do
cấp mình quản lý gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp chung vào dự
toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân huyện để trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp theo quy định.
Đối với cấp xã: Ban Tài chính xã lập dự toán kinh
phí đảm bảo TTATGT do cấp mình quản lý vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo
cáo Ủy ban nhân dân xã để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định.
2. Quản lý, cấp phát và thanh toán
Việc quản lý, cấp phát, thanh toán kinh phí đảm bảo
TTATGT do ngân sách nhà nước cấp trong sự nghiệp kinh tế thực hiện theo văn bản
hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản
chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
3. Công tác quyết toán
a) Các đơn vị được giao dự toán kinh phí sự nghiệp
kinh tế bảo đảm TTATGT phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và có
trách nhiệm quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của
pháp luật.
b) Các khoản chi từ ngân sách nhà nước bảo đảm
TTATGT phải được hạch toán, quyết toán theo chương, mục và tiểu mục tương ứng
theo quy định Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.
c) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán
theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết
toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân
sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.
4. Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải,
Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra định
kỳ, đột xuất các đơn vị về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kinh phí bảo đảm
TTATGT.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các
ngành, địa phương, cơ quan liên quan
1. Sở Tài chính chủ trì theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn
việc quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí đảm bảo TTATGT được
quy định tại Quy định này, đồng thời là cơ quan thường trực tổng hợp và giải
quyết các vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện của các ngành, các cấp.
2. Các ngành địa phương, cơ quan trong phạm vi chức
năng và nhiệm vụ có trách nhiệm bố trí lãnh đạo và cán bộ tổ chức, triển khai,
thực hiện việc quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí đảm bảo
TTATGT theo quy định này; triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi
phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc
thực hiện Quy định này sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
2. Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này, tùy
theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Đối với kinh phí thu xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực TTATGT năm 2013 của các đơn vị chưa sử dụng hết được chuyển nguồn
sang năm 2014 thực hiện để chi cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2014 theo Quy định
của Quyết định này.
2. Nhiệm vụ chi bảo đảm TTATGT năm 2014 của các đơn
vị, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp bảo đảm TTATGT trên địa bàn
chưa lập kế hoạch của năm 2014 báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp xem xét trình
cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
3. Nội dung quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định
này, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc có những kiến nghị đề xuất, các ngành, địa
phương, cơ quan kịp thời phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.