ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
27/2013/QĐ-UBND
|
Lào Cai, ngày 26
tháng 07 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
ĐƯỢC TRÍCH TỪ CÁC KHOẢN THU HỒI PHÁT HIỆN QUA CÔNG TÁC THANH TRA ĐÃ THỰC NỘP
VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày
15/11/2010;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số
60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số
86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Thanh tra;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
90/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 30 tháng 5 năm 2012 của liên bộ Bộ Tài chính và
Thanh tra Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán
kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực
nộp vào ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số
06/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về mức tiền
được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp
vào ngân sách nhà nước;
Theo đề nghị của Thanh tra tỉnh
Lào Cai tại Tờ trình số 18/TTr-TT ngày 24 tháng 7 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quyết định này Quy định về việc lập dự toán,
quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện
qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào
Cai đối với các cơ quan, đơn vị sau:
1. Thanh tra tỉnh;
2. Thanh tra các sở, ban, ngành
thuộc UBND tỉnh;
3. Thanh tra các huyện, thành phố.
Điều 2. Các
khoản được trích
Các cơ quan thanh tra nhà nước được
trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp
vào ngân sách nhà nước, gồm:
1. Các khoản tiền thuộc ngân sách
nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do các hành vi
trái pháp luật gây ra.
2. Các khoản thu ngân sách nhà nước
về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác do các cơ quan, đơn vị có nghĩa vụ
kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước nhưng không kê khai, kê khai thiếu, kê khai
không đúng pháp luật, làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước được cơ quan
thanh tra phát hiện và kiến nghị, đơn vị đã thực nộp ngân sách nhà nước.
Những khoản thu các cơ quan, đơn vị
đã thu của các đối tượng liên quan nhưng theo quy định của pháp luật thì không
được phép thu hoặc thu vượt mức theo quy định của pháp luật được cơ quan thanh
tra phát hiện và kiến nghị, đơn vị đã thực nộp vào ngân sách nhà nước.
3. Các khoản lãi phát sinh, tiền
phạt chậm nộp ngân sách nhà nước do chiếm dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã
được thu hồi và đã thực nộp vào ngân sách nhà nước.
4. Các khoản chi sai chế độ, vượt
định mức, tiêu chuẩn; trích lập quỹ sai quy định; chi vượt quy chế chi tiêu nội
bộ của cơ quan, đơn vị đã được cơ quan thanh tra phát hiện, đơn vị được thanh
tra đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước, bao gồm:
a) Sai đơn giá, khối lượng đối với
các công trình đầu tư xây dựng cơ bản và đồ án quy hoạch xây dựng;
b) Sử dụng kinh phí ngân sách nhà
nước để chi cho những nội dung không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước,
không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến thất thoát;
c) Sử dụng kinh phí ngân sách nhà
nước giao không thực hiện tự chủ (đối với cơ quan hành chính) hoặc giao chi
không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp) để chi cho nội dung theo quy định
phải sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao tự chủ hoặc giao chi thường
xuyên;
d) Đơn vị báo cáo số liệu sai dẫn
đến ngân sách nhà nước đã bố trí dự toán và cấp phát cho đơn vị số tiền cao hơn
số tiền đơn vị được hưởng theo quy định;
đ) Sử dụng phần kinh phí ngân sách
theo quy định phải nộp trả ngân sách nhà nước nhưng đơn vị giữ lại để sử dụng;
e) Phần kinh phí ngân sách nhà nước
theo quy định phải nộp trả ngân sách nhà nước nhưng đơn vị không nộp kịp thời
theo đúng quy định;
g) Các khoản chi khác do các cơ
quan, đơn vị sử dụng không đúng quy định đã thực hiện thu hồi nộp vào ngân sách
nhà nước.
Điều 3. Mức
trích
1. Đối với Thanh tra tỉnh:
a) Được trích 30% trên tổng số tiền
đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 10 tỷ đồng/năm;
b) Được trích bổ sung thêm 20%
trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 10
tỷ đồng đến 20 tỷ đồng/năm;
c) Được trích bổ sung thêm 10%
trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 20
tỷ đồng/năm.
2. Đối với thanh tra các sở, ban,
ngành; thanh tra các huyện, thành phố:
a) Được trích 30% trên tổng số tiền
đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 1 tỷ đồng/năm;
b) Được trích bổ sung thêm 20%
trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 1 tỷ
đồng đến 2 tỷ đồng/năm;
c) Được trích bổ sung thêm 10%
trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 2 tỷ
đồng/năm.
Điều 4. Thủ tục
trích nộp
1. Đối với cơ quan thanh tra:
a) Cơ quan thanh tra các cấp, các
ngành được mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước để tạm giữ các khoản tiền
thu hồi phát hiện qua thanh tra để chờ xử lý;
b) Khi có căn cứ kết luận các khoản
kinh phí thuộc ngân sách nhà nước đã sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát phải
thu hồi, hoàn trả ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 2 Quyết định này,
thì người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi. Quyết định thu hồi phải
bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền phải thu hồi, trách nhiệm của cơ quan,
đơn vị được thanh tra phải thực hiện, thời gian thực hiện; số tài khoản tạm giữ
của cơ quan thanh tra mở tại Kho bạc Nhà nước;
Cơ quan thanh tra các cấp, các
ngành có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định thu
hồi.
c) Sau 10 ngày làm việc kể từ thời
điểm kết thúc thời gian khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật
Tố cáo, cơ quan thanh tra thực hiện trích từ tài khoản tạm giữ để nộp ngân sách
nhà nước số phải nộp đã ghi trong quyết định thu hồi;
d) Tháng 12 tháng năm, căn cứ kết
quả thu hồi đã thực nộp vào ngân sách nhà nước trong năm và căn cứ theo mức
trích quy định tại Điều 3 của Quyết định này, cơ quan thanh tra các cấp, các
ngành (trường hợp cơ quan thanh tra là đơn vị dự toán ngân sách) hoặc cơ quan
chủ quản của cơ quan thanh tra (trường hợp cơ quan thanh tra không phải là đơn
vị dự toán ngân sách) có văn bản kèm theo giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước,
gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị được trích kinh phí theo quy định tại
Quyết định này.
2. Đối với đơn vị được thanh tra:
a) Đơn vị được thanh tra có trách
nhiệm thực hiện nộp số tiền sử dụng trái pháp luật đã được ghi trong quyết định
thu hồi. Khi làm thủ tục nộp tiền, đơn vị được thanh tra ghi đúng nội dung từng
khoản nộp trên chứng từ nộp tiền.
b) Hàng năm, các đơn vị được thanh
tra lập báo cáo tình hình thực hiện kết luận thanh tra, trong đó cụ thể số tiền
đã thực hiện theo quyết định thu hồi, chi tiết đến từng chứng từ, nội dung thực
hiện; gửi về đơn vị quản lý cấp trên để tổng hợp báo cáo cơ quan thanh tra các
cấp, các ngành.
3. Trách nhiệm của cơ quan tài
chính:
Căn cứ văn bản đề nghị kèm theo giấy
nộp tiền vào ngân sách nhà nước của cơ quan thanh tra (hoặc cơ quan chủ quản của
cơ quan thanh tra); căn cứ mức trích được quy định tại Điều 3 Quyết định này,
cơ quan tài chính các cấp thẩm định trình cấp có thẩm quyền quyết định số kinh
phí được trích và tổ chức thực hiện giao kinh phí được trích cho cơ quan thanh
tra theo quy định tại Điều 6, Quyết định này.
Điều 5. Sử dụng
kinh phí được trích
1. Cơ quan thanh tra các cấp, các
ngành được sử dụng kinh phí được trích để chi cho những nội dung sau:
a) Tăng cường cơ sở vật chất, mua
sắm, sửa chữa tài sản, máy móc, trang thiết
bị, phương tiện làm việc, phương tiện
đi lại phục vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác
phòng chống tham nhũng;
b) Bổ sung chi đào tạo, bồi dưỡng,
tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong và
ngoài nước của thanh tra viên, cán bộ, công chức và người lao động tại các cơ
quan thanh tra;
c) Bổ sung chi phục vụ các hoạt động
nghiệp vụ cho công tác thanh tra; chi cho việc mua thông tin phục vụ việc xử lý
thu hồi tiền vi phạm; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng;
d) Chi hỗ trợ động viên, khuyến
khích các tập thể và cá nhân trong và ngoài cơ quan thanh tra đã tích cực phối
hợp trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và trong công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng;
đ) Chi khen thưởng, khuyến khích,
động viên cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan thanh tra (ngoài khoản
chi khen thưởng hàng năm theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng). Mức chi
khuyến khích, khen thưởng cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan
thanh tra từ nguồn kinh phí được trích theo quy định tại Quyết định này và khoản
chi bổ sung thu nhập từ nguồn kinh phí tiết kiệm được của cơ quan thực hiện chế
độ tự chủ, tổng hợp lại tối đa không vượt quá 1,0 lần tiền lương cấp bậc, chức
vụ trong một năm do nhà nước quy định;
e) Chi hỗ trợ các khoản chi khác
mang tính chất phúc lợi tập thể.
2. Cơ quan thanh tra các cấp, các
ngành chủ động sử dụng số kinh phí được trích để chi theo các nội dung quy định
tại Quyết định này. Mức chi các nội dung nêu trên do Thủ trưởng cơ quan thanh
tra xem xét, quyết định và phải được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ hoặc
Quy chế quản lý, sử dụng khoản kinh phí được trích. Đối với cơ quan thanh tra
không phải là đơn vị dự toán thì cơ quan thanh tra phải trình Thủ trưởng cơ
quan chủ quản quyết định và gửi Kho bạc nhà nước nơi mở tài khoản để Kho bạc
Nhà nước làm căn cứ kiểm soát chi ngân sách nhà nước.
Điều 6. Lập dự
toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được trích
1. Lập dự toán, giao dự toán
a) Hàng năm, vào thời điểm xây dựng
dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; cơ quan thanh tra căn cứ số tiền thực thu
nộp vào ngân sách nhà nước do cơ quan thanh tra phát hiện của năm hiện hành để
xác định kinh phí trích của năm kế hoạch; tổng hợp chung trong dự toán thu, chi
ngân sách của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp chung
vào dự toán ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền quyết định;
b) Dự toán chi kinh phí được trích
từ nguồn thu hồi phát hiện qua thanh tra được giao thành một dòng riêng trong dự
toán thu, chi ngân sách hàng năm của cơ quan thanh tra nhà nước (hoặc cơ quan
chủ quản trường hợp cơ quan thanh tra không phải là đơn vị dự toán ngân sách);
c) Kết thúc năm (là năm thực hiện
kế hoạch đã được giao), trên cơ sở số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước từ
tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra chủ động sử dụng số kinh phí được trích
chi theo những nội dung quy định tại Điều 5, Quyết định này. Cơ quan tài chính
sẽ xem xét giải quyết chênh lệch giữa số được trích trên số thực nộp vào ngân
sách nhà nước cao hơn hoặc thấp hơn số đã bố trí trong dự toán chi ngân sách của
cơ quan, đơn vị như sau:
Trường hợp số tiền được trích trên
số đã thực nộp vào ngân sách nhà nước cao hơn số đã bố trí trong dự toán năm
thì số thiếu sẽ được bố trí vào dự toán của năm sau; trong trường hợp cần thiết
cơ quan thanh tra (hoặc cơ quan chủ quản của cơ quan thanh tra) có văn bản lập
dự toán bổ sung kèm theo giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước gửi cơ quan tài
chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bổ sung số kinh phí được trích theo
quy định.
Trường hợp số thực nộp thấp hơn số
đã bố trí trong dự toán năm thì số chênh lệch thừa sẽ được hủy tại Kho bạc nhà
nước (đối với trường hợp cơ quan thanh tra chưa rút dự toán) hoặc trừ vào số phải
bố trí của năm sau nữa (đối với trường hợp cơ quan thanh tra đã rút về chi
tiêu).
2. Quyết toán kinh phí được trích
a) Khoản kinh phí được trích từ
nguồn thu hồi phát hiện qua thanh tra được phân bổ vào kinh phí giao thực hiện
chế độ tự chủ;
b) Việc sử dụng, quyết toán kinh
phí được trích trên số đã thực nộp vào ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đối với cơ quan
thanh tra không phải là đơn vị dự toán thì cơ quan chủ quản của cơ quan thanh
tra có trách nhiệm tổng hợp và quyết toán trong báo cáo chung của đơn vị;
c) Kinh phí được trích từ các khoản
thu hồi phát hiện qua thanh tra cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm
sau tiếp tục sử dụng.
Điều 7. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ
quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Vịnh
|