UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 174/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang,
ngày 08 tháng 3 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỦY LỢI
TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 9 năm 2006; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập,
phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; về sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31
tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định,
phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội,
quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 2238/QĐ-BNN-KH ngày 20
tháng 8 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý
quy hoạch ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 07 tháng
12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về Quy hoạch xây dựng và
phát triển thủy lợi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm
2035;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ
trình số 12/TTr-SKHĐT ngày 28/02/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển thủy
lợi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 với những nội
dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
1.1. Quy hoạch xây dựng và phát
triển thủy lợi tỉnh phải đáp ứng được mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát
triển nông nghiệp hàng hóa; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh, định hướng phát triển ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển thủy
lợi của cả nước.
1.2. Phát triển thuỷ lợi đảm
bảo bền vững, nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, thích ứng với
biến đổi khí hậu, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi.
Khai thác sử dụng phải tiết kiệm, hiệu quả, đi đôi với việc chống suy thoái, cạn
kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước bằng cả biện pháp công trình và phi công
trình.
1.3. Xây dựng công trình theo hướng
nâng cao hiệu quả sử dụng, phục vụ đa mục tiêu, hỗ trợ cho các ngành khác phát
triển, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo và
giữ vững an ninh quốc phòng trên phạm vi toàn tỉnh.
1.4. Huy động các nguồn lực xã hội,
mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển thủy lợi gắn với sản xuất
nông nghiệp hàng hóa và phát triển công nghiệp. Từng bước xã hội hóa đầu tư xây
dựng, quản lý và khai thác sử dụng công trình.
2. Mục tiêu quy hoạch
2.1. Mục tiêu chung
Đề ra phương án quy hoạch và bước
thực hiện cho các nhiệm vụ chính là: cấp nước, phòng chống lũ và tiêu thoát nước. Đảm bảo phát triển bền vững, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn nước trong tỉnh,
đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển nông nghiệp và kết hợp phục vụ các ngành
kinh tế xã hội theo các giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2016 - 2025:
- Cấp nước sản xuất nông nghiệp: Đảm
bảo tưới chắc 38.420/45.200ha tương đương 85% diện tích lúa cả năm; tưới bổ
sung 20% diện tích trồng màu; tạo nguồn cấp nước tưới cho 2.980/29.800ha tương
đương 10% diện tích cây trồng cạn chủ lực tập trung (cam, chè, mía…).
- Có 98% dân cư thành thị được sử
dụng nước sạch; 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- Cấp nước nuôi trồng thuỷ sản:
1.950ha.
- Thực hiện có
hiệu quả các biện pháp tiêu, phòng chống lũ: Xây dựng, cải
tạo các tuyến đê kết hợp đường giao thông nông thôn, các công trình kè bảo vệ chống
sạt lở bờ sông, suối, khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đất sản xuất, góp phần bảo vệ
cho trên 1.900ha diện tích đất sản xuất và bảo vệ cho trên 28.000 nhân khẩu.
b) Giai đoạn 2026 - 2035:
+ Cấp nước sản xuất nông nghiệp: Đảm
bảo tưới chắc 40.680/45.200ha tương đương 90% diện tích lúa cả năm; tưới bổ
sung 25% diện tích trồng màu; tạo nguồn cấp nước tưới cho: 3.600 -
4.000/29.800ha cây trồng cạn tập trung.
+ Có 100% dân cư thành thị được sử
dụng nước sạch; 98% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
+ Cấp nước nuôi trồng thuỷ sản:
2.000ha.
+ Thực hiện có hiệu quả các biện
pháp tiêu, phòng chống lũ: Xây dựng, cải tạo các tuyến đê kết hợp đường giao
thông nông thôn, các công trình kè bảo vệ chống sạt lở bờ sông, suối, khu dân
cư, cơ sở hạ tầng, đất sản xuất.
3. Nhiệm vụ cụ thể
3.1. Quy hoạch tưới
- Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp
218 công trình, xây dựng thay thế 176 công trình, xây dựng mới 47 công trình và
kiên cố hoá 780 km kênh mương. Đảm bảo cấp nước tưới cho 17.675,2ha lúa đông
xuân, 20.029,9ha lúa mùa, 4.947ha cây màu cả năm và tạo nguồn cấp nước cho
1.574/29.800ha cây trồng cạn chủ lực tập trung.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cấp
203 công trình, xây dựng thay thế 217 công trình, xây dựng mới 33 công trình và
kiên cố hoá 734 km kênh mương. Đảm bảo tưới cho 18.454ha lúa đông xuân,
20.756,3ha lúa mùa, 4.970ha cây màu cả năm và tạo nguồn cấp nước cho
2.969,2/29.800ha cây trồng cạn chủ lực tập trung.
- Định hướng đến năm 2035: Nâng cấp
423 công trình, xây dựng thay thế 377 công trình, xây dựng mới 30 công trình và
kiên cố hoá 403,23 km kênh mương. Đảm bảo tưới cho 19.505,4ha lúa đông xuân,
21.813,3ha lúa mùa, 5.994,5ha cây màu cả năm và tạo nguồn cấp nước cho 4.099ha
cây trồng cạn chủ lực tập trung.
3.2. Quy hoạch tiêu và phòng chống
lũ
a) Quy hoạch
tiêu:
- Giai đoạn từ
2016 - 2020: Nạo vét lòng dẫn, kè chống sạt lở và đảm bảo thoát lũ suối Chả
(Trung tâm thành phố Tuyên Quang) giai đoạn I.
- Giai đoạn từ
2021 - 2025: Nạo vét lòng dẫn, kè chống sạt lở và đảm bảo thoát lũ suối Chả
(Trung tâm thành phố Tuyên Quang) giai đoạn II; Nạo vét trục tiêu Đội Cấn địa
phận xã Thái Long thành phố Tuyên Quang; Cải tạo, khơi thông hệ thống tiêu cho
khu vực Cột Đèn phường Nông Tiến.
b) Quy hoạch
phòng chống lũ:
- Cải tạo,
nâng cấp tuyến đê:
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp,
cải tạo tuyến đê bờ tả sông Lô đoạn xã Vĩnh Lợi - Lâm Xuyên (huyện Sơn Dương)
dài 36,2 km. Cứng hóa mặt đê kết hợp làm đường giao thông phục vụ công tác
phòng chống lụt bão và dân sinh, thi công đường tràn cứu hộ cho một số vị trí.
Nâng cấp, cải tạo nối dài 42 cống dưới đê.
+ Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cấp,
cải tạo tuyến đê bờ hữu sông Lô đoạn xã An Khang - Thái Long (thành phố Tuyên
Quang) dài 6,9 km. Cứng hóa mặt đê và kè bảo vệ bảo đảm yêu cầu chống lũ cho
khu vực phía nam thành phố Tuyên Quang, kết hợp làm đường giao thông phục vụ
công tác phòng chống thiên tai và dân sinh. Nâng cấp, cải tạo nối dài 10 cống dưới đê.
+ Định hướng đến 2035: Tiếp tục tu sửa, nâng cấp duy trì năng lực bảo vệ của tuyến
đê tả và đê hữu theo đúng với quy mô, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ của từng
tuyến đê và kết hợp làm đường giao thông.
- Xây dựng hệ
thống kè bảo vệ chống sạt lở:
+ Giai đoạn
2016-2020: Xây mới 18 tuyến, tổng chiều dài 47,88 km.
+ Giai đoạn
2021-2025: Xây mới 64 tuyến, tổng chiều dài 82,56 km.
+ Định hướng đến
năm 2035: Xây mới 96 tuyến, chiều dài 88,90 km.
3.3. Định hướng
quy hoạch cấp nước sinh hoạt
a) Cấp nước đô thị: Đầu tư tăng số giếng, bể lọc, bể trữ, hệ thống cấp, thoát nước thành phố
Tuyên Quang và các huyện. Đầu tư xây
dựng trạm xử lý nước mặt công suất 5.000
m3/ngày đêm của thành phố Tuyên Quang;
xây dựng nhà máy cấp nước Long Bình An, công suất là 7.500 m3/ngày đêm; xây dựng trạm xử lý nước mặt lấy nguồn nước từ sông Lô công suất
9.500 m3/ngày đêm tại thôn Viên Châu 1, xã An Tường, thành phố Tuyên
Quang.
b) Cấp nước sinh hoạt nông thôn:
Xây dựng hồ Cao Ngỗi đa mục tiêu ngoài việc cấp nước phục vụ sản xuất còn kết
hợp cấp nước sinh hoạt cho 1.000hộ. Cải tạo, nâng cấp, mở rộng
21 cụm công trình, đầu tư xây dựng mới 09 cụm công trình, phục vụ cấp nước cho
khoảng 13.000 hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh. Huy
động nguồn lực nhân dân đầu tư xây dựng các công trình cấp
nước sinh hoạt tập trung và các công trình cấp nước nhỏ lẻ phục vụ cấp nước
sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh.
3.4. Định hướng quy hoạch nuôi trồng
thuỷ sản
Đến năm 2020 tổng
diện tích nuôi trồng thủy sản là 12.235 ha; đến 2025 là 12.060 ha và đến năm
2035 là 14.000 ha.
4. Vốn đầu tư:
4.1. Tổng nhu
cầu vốn giai đoạn 2016-2025: 7.625,3 tỷ đồng, trong đó:
a) Cấp nước
tưới cho nông nghiệp: 3.663,9 tỷ đồng.
b) Công trình
tiêu úng: 117,0 tỷ đồng.
c) Công trình phòng chống lũ: 3.844,4 tỷ đồng.
4.2. Phân kỳ đầu tư:
a) Giai đoạn ưu tiên 2016-2020: 3.900,2
tỷ đồng, trong đó:
- Cấp nước tưới cho nông nghiệp: 1.966,3 tỷ đồng (Cải
tạo, nâng cấp, xây mới công trình: 1.330,5 tỷ đồng; kiên cố hóa kênh mương:
635,8 tỷ đồng).
- Công trình tiêu úng: 50,0 tỷ đồng.
- Công trình phòng chống lũ: 1.883,9 tỷ đồng.
b) Giai đoạn
2021-2025: 3.725,1 tỷ
đồng, trong đó:
- Cấp nước tưới cho nông nghiệp: 1.697,6 tỷ đồng
(Cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình: 1.099,2 tỷ đồng; kiên cố hóa kênh
mương: 598,4 tỷ đồng).
- Công trình tiêu úng: 67,0 tỷ đồng.
- Công trình phòng chống lũ: 1.960,5 tỷ đồng.
5. Giải pháp thực hiện quy hoạch
5.1. Về chính sách: Xây dựng chính
sách khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư xây dựng các công trình
thủy lợi phục vụ nông nghiệp hàng hóa, công trình thủy lợi đa mục tiêu; tiếp tục
hoàn thiện chính sách đầu tư theo cơ chế “Nhân dân
làm, Nhà nước hỗ trợ”.
5.2. Về huy động vốn:
Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình,
dự án, như: Vốn trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư trung hạn từ ngân sách trung
ương, vốn đảm bảo an toàn hồ chứa, nguồn khắc phục hậu quả
thiên tai, xử lý công trình sạt lở cấp bách, vốn ODA, các
nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nguồn thủy lợi phí cấp bù, nguồn hỗ trợ bảo vệ
và phát triển đất lúa… với vốn xây dựng cơ bản hằng năm
ngân sách tỉnh, huyện.
Bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chính sách “Nhân dân làm,
Nhà nước hỗ trợ” theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày
13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày
22/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án kiên cố hoá kênh
mương giai đoạn 2016-2025.
Tăng cường huy động vốn tín dụng
đầu tư phát triển của nhà nước; nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, các
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và vốn trong dân…
5.3 Giải pháp khắc phục lòng hồ bị
bồi lắng, ảnh hưởng đến dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi:
a) Phòng chống chặt phá rừng phòng
hộ đầu nguồn.
b) Trồng rừng phòng hộ thượng lưu
hồ, phủ xanh phần diện tích đất trống đồi núi trọc trong phạm vi lưu vực lòng hồ
chứa.
c) Bảo vệ bờ hồ chống xói trượt, sạt
bằng biện pháp phi công trình như trồng tre hoặc biện pháp công trình như kè
lát mái bờ…
d) Định kỳ tổ chức nạo vét chống bồi
lắng lòng hồ và bùn cát lấp dòng chảy từ thượng lưu vào hồ.
đ) Nâng cao chất lượng quản lý hồ.
5.4. Về quản lý đầu tư xây dựng
công trình: Tổ chức quản lý đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo đúng quy định
về đầu tư xây dựng hiện hành của nhà nước, đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Thống nhất quản lý từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý
khai thác đối với tất cả các công trình thủy lợi được xây dựng bằng tất cả các
nguồn vốn.
5.5. Về quản lý khai thác công
trình: Củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công
tác quản lý nhà nước ở các cấp nhất là cấp huyện và cấp xã đảm bảo đủ trình độ,
năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiện toàn các đơn vị quản lý khai thác và bảo
vệ các công trình thuỷ lợi bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất của công trình
và đặc thù tại địa phương để nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.
5.6. Về ứng dụng khoa học công nghệ:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới hiện đại, vật liệu mới, kỹ thuật mới, tiên tiến trong xây
dựng công trình, như: Xây dựng kênh mương bằng bê tông
thành mỏng đúc sẵn; công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn...
Ứng dụng tiến bộ khoa học công
nghệ trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình để nâng cao hiệu quả quản
lý, đảm bảo công trình an toàn phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất.
Tăng cường mạng lưới quan trắc, đo
đạc, ứng dụng các phần mềm quản lý, điều hành hệ thống, chỉ huy phòng tránh
thiên tai phù hợp với các cấp các ngành.
5.7. Về nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực: Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã;
tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực
tiếp làm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở cơ sở. Đào
tạo nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ,
khai thác công trình thủy lợi kết hợp phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai gây
ra.
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tổ
chức công bố công khai, phổ biến quy hoạch này đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên
quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố để cùng triển khai thực hiện.
b) Chủ trì
phối hợp với các các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và
các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, đảm bảo hiệu quả,
đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đề ra.
c) Tham mưu xây dựng hoàn thiện
các hệ thống cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo hiệu quả. Theo dõi việc tổ chức thực hiện quy
hoạch trên địa bàn tỉnh; định kỳ 5 năm rà soát đánh
giá thực hiện quy hoạch từ đó đề xuất điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình
hình, điều kiện thực tế.
2. Trên cơ sở quy hoạch
đã được duyệt, theo chức năng, nhiệm vụ được giao các sở, ban ngành có liên
quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố cụ thể hoá các nội dung đưa vào kế
hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn để triển khai quy hoạch, đảm bảo tuân thủ
các nội dung đã phê duyệt, từng bước thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và
PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy; Báo cáo
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Các Phòng: TH&CB, TH;
- Chuyên viên: TL, NLN;
- Lưu: VT, (Kh.T-50)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Quang
|