Kế hoạch 2739/KH-UBND năm 2017 phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020

Số hiệu 2739/KH-UBND
Ngày ban hành 20/07/2017
Ngày có hiệu lực 20/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2739/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 20 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 23 tháng 7 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát động sâu rộng phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xây dựng kế hoạch Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, với nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Bên cạnh việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tập trung phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đồng bộ, nhằm khai thác, tận dụng tốt nhất nguồn nước hiện có để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng thêm diện tích tưới chủ động, thúc đẩy quá trình thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước; tạo sự chuyển biến nhanh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đầu tư xây dựng mới khoảng 164,5km kênh nội đồng.

- Phấn đấu đến năm 2020, tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới 5.270 ha.

2. Quan điểm

- Huy động sức dân để thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; công trình do dân quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng; người dân hiến đất xây dựng công trình; Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện.

- Khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả từ các công trình thủy lợi đã được Nhà nước đầu tư, tập trung ưu tiên làm các kênh mương nội đồng, đập dâng nước, … ở những vùng có nguồn nước bổ sung ổn định; nhằm từng bước làm thay đổi tình hình sản xuất, từ sản xuất không ổn định, bấp bênh sang sản xuất ổn định thâm canh, tăng vụ; nâng cao giá trị sử dụng đất; tăng thu nhập cho người dân.

3. Phạm vi thực hiện

Thực hiện cho toàn bộ các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên những vùng đã được đầu tư công trình đầu mối, kênh chính, kênh cấp 2, cấp 3, các xã đang hạn chế về cơ sở hạ tầng các công trình thủy lợi.

4. Giải thích từ ngữ

Trong Kế hoạch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Công trình thủy lợi nhỏ là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm hồ chứa nước, đập, cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn, kè, bờ bao có quy mô công trình hoặc diện tích tưới, tiêu nằm trong phạm vi một xã, trong đó:

+ Hồ chứa có dung tích chứa từ 1.000.000m3  nước trở xuống, hoặc từ 500.000m3 trở xuống (đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa); hoặc có chiều cao đập từ 12m trở xuống;

+ Đập dâng có chiều cao đập từ 10m trở xuống;

+ Trạm bơm điện có diện tích tưới, tiêu không vượt quá 200 ha.

- Thủy lợi nội đồng là các công trình, kênh mương trực tiếp dẫn nước từ cống đầu kênh đến mặt ruộng, thuộc hệ thống công trình thủy lợi đầu mối do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi quản lý.

- Cống đầu kênh là công trình tưới hoặc tiêu nước cho một diện tích ≤ 200 ha thuộc trách nhiệm quản lý của cộng đồng hưởng lợi. Chi phí quản lý, vận hành, tu sửa và bảo vệ các công trình từ cống đầu kênh đến mặt ruộng do cộng đồng hưởng lợi đóng góp.

- Tổ chức dùng nước, viết tắt TCDN (tên gọi khác “Tổ chức hợp tác dùng nước”) là hình thức hợp tác của những người cùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh theo mô hình “hợp tác xã” hay “tổ hợp tác”.

- Phát triển thủy lợi nhỏ là đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng, bao gồm cả công trình đấu nối với hệ thống dẫn nước chính, công trình giao cắt đường bộ, công trình vượt sông, suối, v.v. để đưa nước từ nguồn hiện có vào đồng ruộng.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung thực hiện

- Tập trung đầu tư phát triển công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng ở những vùng có điều kiện về nguồn nước, vùng có nguồn nước thủy lợi nhưng chưa có kênh mương nội đồng; gắn với thành lập các tổ chức dùng nước của cộng đồng hưởng lợi để quản lý, vận hành khai thác hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hiệu quả và bền vững.

[...]