THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
|
Số:
174/2006/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày
28 tháng 7 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGMÔI
TRƯỜNG SINH THÁI, CẢNH QUAN LƯU VỰC SÔNG CẦU
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 12 tháng 12 năm 2005;
Căn cứ Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm
2020 được ban hành theo Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003
của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh lưu vực sông Cầu gồm: Bắc Kạn,
Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,
QUYẾT
ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền
vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu (sau đây gọi tắt là Đề án
Tổng thể sông Cầu) với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Bảo vệ môi trường sinh thái,
cảnh quan lưu vực sông Cầu là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, cần có quyết tâm
cao, đòi hỏi tập trung các nguồn lực đầu tư của chính quyền và nhân dân địa
phương trên lưu vực, có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương.
2. Bảo vệ môi trường sinh thái cảnh
quan lưu vực sông Cầu phải được giải quyết tổng thể: theo toàn lưu vực kết hợp
với theo địa giới hành chính; giữ gìn chất lượng nước đi đôi với việc bảo đảm đủ
khối lượng nước.
3. Lấy phòng ngừa, ngăn chặn suy
thoái môi trường là chính, kết hợp từng bước xử lý, khắc phục những điểm nóng về
ô nhiễm trên toàn lưu vực. Tất cả các cơ sở sản xuất mới bắt đầu hoạt động
trong phạm vi lưu vực phải dùng công nghệ sạch hoặc phải dùng các công nghệ bảo
đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Ưu tiên thực hiện Đề án Tổng thể
sông Cầu với việc lồng ghép với các dự án, các chương trình khác có liên quan của
nhà nước, của các Bộ, ngành và của từng địa phương trên toàn lưu vực.
4. Đẩy mạnh xã hội hoá, phát huy
nội lực kết hợp với việc tăng cường quản lý nhà nước; ứng dụng khoa học công
nghệ tiên tiến và phát huy các giải pháp truyền thống để giữ sạch môi trường sống
của từng hộ gia đình và cộng đồng dân cư.
II. ĐỊNH HƯỚNG
CHUNG VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ
1. Định hướng chung đến năm
2020:
- Triển khai trên lưu vực sông Cầu
Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc
gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện,
nâng cao chất lượng môi trường dòng sông để đến năm 2020 đưa sông Cầu trở lại
trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế -
xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn,
bền vững, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
- Xây dựng, ban hành và tổ chức
thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách với các giải pháp khả thi nhằm
ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi, bảo vệ, tái tạo và phát triển tài
nguyên môi trường lưu vực sông Cầu; thiết lập mô hình quản lý môi trường lưu vực
phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, bảo đảm công bằng cho mọi đối
tượng, mọi tiểu vùng trong lưu vực, gắn quyền lợi với nghĩa vụ cuả người khai
thác đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái lâu dài lưu vực sông theo hướng
phát triển bền vững.
2. Mục tiêu đến năm 2007:
- Hoàn thành việc xử lý các cơ sở
gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn I (từ năm 2003 đến
năm 2007) theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng”, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, tạo chuyển
biến cơ bản, tích cực ban đầu về xử lý môi trường trong toàn lưu vực.
- Khắc phục tình trạng khai thác
cát sỏi trong sông không theo quy hoạch, bảo vệ mặt cắt ổn định tự nhiên của
dòng sông.
- Tăng cường bồi phụ, bảo đảm rừng
có chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước các
tháng mùa khô; gìn giữ, tái tạo và phát triển môi trường tự nhiên trong sạch, bảo
tồn đa dạng sinh học trên toàn lưu vực.
- Hình thành và từng bước hoàn
chỉnh mô hình tổ chức quản lý môi trường lưu vực; xây dựng cơ chế, chính sách cần
thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi tăng cường quản lý nhà nước, thúc đẩy xã hội
hoá bảo vệ môi trường lưu vực.
3. Mục tiêu đến năm 2012:
- Ngăn chặn hoàn toàn mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu. Tiếp
tục thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng”, bảo đảm tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng, các khu vực bị ô nhiễm nặng nhất trên lưu vực sông Cầu được xử lý
xong.
- Đảm bảo dòng chảy thông thoáng
trên toàn tuyến, bê tông hoá hợp lý hai bên bờ những đoạn sông thiết yếu chảy
qua các đô thị.
- Bảo toàn quỹ rừng hiện có,
nâng độ che phủ rừng toàn lưu vực ít nhất đạt 43% tổng diện tích tự nhiên, khôi
phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái.
- Hoàn thành cơ bản việc cải tạo
và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải ở các đô thị và khu công
nghiệp trong toàn lưu vực; 50% các cơ sở sản
xuất, kinh doanh thuộc 6 tỉnh lưu vực sông Cầu được cấp giấy chứng nhận đạt
tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001; 40% các khu đô thị, 70% các khu
công nghiệp, khu chế xuất trong lưu vực có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt
tiêu chuẩn môi trường; thu gom 90% chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn
sinh hoạt; xử lý 60% chất thải nguy hại, trong đó riêng chất thải bệnh viện đạt
100%.
III. CÁC NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ:
a) Đánh giá đầy đủ hiện trạng,
ngăn chặn cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu:
- Điều tra thực trạng ô nhiễm
các thành phần môi trường, tài nguyên (nước, đất, không khí…) do sản xuất công
nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, do sinh hoạt của con người gây ra.
- Giám sát, kiểm tra các nguồn
thải gây ô nhiễm; thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường đối với
các dự án trước khi xây dựng; quản lý bảo vệ môi trường khi các dự án được đưa
vào hoạt động.
b) Khắc phục, cải tạo môi trường
những khu vực, những cơ sở gây ô nhiễm nặng, những điểm nóng về môi trường:
- Xử lý triệt để
các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong lưu vực theo Quyết định số
64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế
hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
- Xử lý những
đoạn sông bị ô nhiễm nặng, tiến hành nạo vét, khơi dòng những đoạn sông quan trọng,
kè bờ những đoạn sông xung yếu, cần thiết.
c) Từng
bước làm sống lại dòng sông Cầu nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên môi trường
tự nhiên, đa dạng sinh học.
- Khôi phục rừng
phòng hộ, rừng đầu nguồn đã bị suy thoái, tăng cường bồi phụ nguồn nước, xây dựng
các công trình giữ nước để chống cạn kiệt; bảo đảm chất lượng, khối lượng nước
phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định, thông thoáng dòng
chảy tự nhiên, bền vững của các công trình thuỷ lợi trong lưu vực.
- Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo
vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lưu vực sông Cầu.
2. Các giải pháp chủ yếu:
a) Thực hiện xã hội hoá nhiệm vụ
bảo vệ môi trường, sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu bao gồm:
- Tăng cường hoạt động truyền
thông, nâng cao sự hiểu biết của người dân về quyền lợi và trách nhiệm liên
quan đến môi trường (liên quan giữa vệ sinh môi trường với sức khoẻ và sự phát
triển xã hội...), tổ chức sự tham gia của cộng đồng, thực hiện cơ chế phối hợp
hành động của các đoàn thể quần chúng, nhân rộng các mô hình tự quản, duy trì
phong trào quần chúng thường xuyên bảo vệ môi trường kết hợp với tập trung
trong từng khoảng thời gian cụ thể vào những công trình, nhiệm vụ trọng điểm.
- Đẩy mạnh áp dụng các công cụ
kinh tế, tạo việc làm trong quản lý khai thác bền vững, bảo vệ môi trường sinh
thái cảnh quan trên lưu vực sông Cầu; hình thành và phát triển thị trường dịch
vụ vệ sinh nông thôn theo định hướng của Nhà nước.
b) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả
quản lý nhà nước trên toàn lưu vực:
- Triển khai thực hiện nghiêm
túc các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về tài nguyên, môi trường và
các lĩnh vực liên quan trong quản lý khai thác
bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan.
- Xây dựng,
hoàn chỉnh và vận hành đồng bộ cơ chế quản lý lưu vực; hình thành hệ thống quan
trắc, giám sát, dự báo tài nguyên, môi trường, ngân hàng cơ sở dữ liệu tài nguyên
môi trường.
- Xây dựng, phê duyệt và vận hành hệ thống chính
sách như quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, kế hoạch hợp tác quốc tế, cơ chế
tài chính, cơ chế khuyến khích đầu tư, các chương trình, dự án, cơ chế phối hợp
hành động của các cơ quan quản lý, các đoàn thể quần chúng…
c) Đa dạng hóa
nguồn lực đầu tư để thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với cơ chế
khuyến khích hợp lý, nhằm khắc phục, xử lý ô nhiễm, phục vụ bảo vệ, tái tạo và
phát triển tài nguyên môi trường lưu vực sông Cầu:
- Tất cả doanh nghiệp hoạt động trên lưu vực sông
Cầu phải tự bỏ vốn để bảo vệ môi trường và khắc phục ô nhiễm môi trường do quá
trình sản xuất, kinh doanh gây ra. Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần kinh phí
khi thực hiện nhiệm vụ này theo hình thức hỗ trợ có mục tiêu cho từng nhiệm vụ,
dự án cụ thể.
- Ngân sách nhà
nước đầu tư để khắc phục ô nhiễm do nước thải các khu dân cư đổ ra lưu vực sông
và xử lý các bãi rác thải tập trung theo hình thức hỗ trợ có mục tiêu cho từng
nhiệm vụ, dự án cụ thể.
- Ưu tiên sử dụng
các loại phí bảo vệ môi trường theo cơ chế quy định tại Quyết định số
82/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập,
tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
d). Đẩy mạnh hợp
tác quốc tế dưới các hình thức hợp tác đa phương, song phương với các nước, với
các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ để tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ về
kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, khuyến khích và tạo điều kiện để các Bộ,
ngành, địa phương vận động các nguồn tài trợ quốc tế và các nguồn vốn ODA của
các nước và các tổ chức quốc tế khác nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Đề án Tổng
thể này.
đ) Xây dựng, phê duyệt và
tổ chức thực hiện các chương trình thuộc Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường sinh
thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu, cụ thể như sau:
- Chương trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng tại lưu vực sông Cầu đã được xác định trong Quyết định
số 64/2003/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng”.
- Chương trình bảo vệ môi trường lưu vực
sông Cầu trong Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và
định hướng đến năm 2020.
- Các chương trình, dự án
xử lý, bảo vệ môi trường, tổ chức, quản lý tài
nguyên, môi trường trên lưu vực sông Cầu (không nằm trong 2 Chương trình trên),
do các tỉnh quản lý.
Các đề án, chương trình trên được xây dựng, quản lý và
triển khai thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng được ban hành kèm theo các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, số 12/2000/NĐ-CP, số
07/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26
tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động
của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và các văn bản liên quan.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm
của các Bộ, ngành trung ương:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm : chỉ
đạo, theo dõi thực hiện Đề án này, định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp và báo cáo
kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo thực hiện các chương trình,
đề án được giao liên quan đến môi trường lưu vực sông Cầu; kiến nghị với Thủ tướng
Chính phủ việc thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu bao gồm Ủy ban nhân dân các tỉnh lưu vực sông Cầu gồm: Bắc Kạn, Thái Nguyên,
Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và đại diện có thẩm quyền của cỏc Bộ,
ngành liờn quan để phối hợp tổ chức thực hiện Đề án Tổng thể sông Cầu.
- Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn từ ngân sách
nhà nước và các nguồn vốn khác hàng năm và 5 năm, trình duyệt theo quy định hiện
hành, kiểm tra việc thực hiện đúng mục tiêu kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà
nước đã được phê duyệt.
- Các Bộ: Khoa
học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Xây dựng và
các Bộ, ngành liên quan theo chức năng quản lý nhà nước xây dựng các cơ chế,
chính sách liên quan đến việc triển khai Đề án Tổng thể lưu vực sông Cầu và
tham gia thực hiện Đề án theo sự phân công.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân 6 tỉnh
lưu vực sông Cầu (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải
Dương) có trách nhiệm:
- Phối hợp chặt chẽ để tổ chức
chỉ đạo thực hiện thành công Đề án.
- Chủ động phát huy nội lực, huy
động ở mức cao nhất các nguồn lực trong tỉnh tham gia thực hiện Đề án tổng thể.
- Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành,
chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án
trên địa bàn tỉnh.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 6 tỉnh
lưu vực sông Cầu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
-
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ
quan thuộc Chính phủ;
-
HĐND, UBND các tỉnh lưu vực sông Cầu;
-
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
-
Văn phòng Chủ tịch nước;
-
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
-
Văn phòng Quốc hội;
-
Toà án nhân dân tối cao;
-
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
-
Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
-
Học viện Hành chính quốc gia;
-
VPCP: BTCN, TBNC, cỏc PCN, BNC,
Website
Chớnh phủ, Ban Điều hành 112,
Người
phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các
Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
-
Lưu: Văn thư, KG (5b). Hoà (200b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|