Quyết định 1435/QĐ-TTg năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1435/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/08/2014
Ngày có hiệu lực 18/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1435/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu Vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, KGVX (3b). KN79

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1435/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Kế hoạch) xác định các nhiệm vụ, dự án, làm cơ sở cho các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trên lưu vực sông triển khai nhằm đạt được các chỉ tiêu của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Đề án).

II. PHÂN VÙNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY

1. Phân vùng bảo vệ môi trường

Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được phân thành hai vùng chính là vùng đồi núi và đồng bằng gồm: Vùng đồi núi nằm ở phía Tây lưu vực và vùng đồng bằng nằm phía hữu ngạn sông Hồng.

Từ hai vùng này được chia ra thành 14 tiểu vùng gồm: Núi đất thấp; vườn quốc gia Ba Vì, vườn quốc gia Cúc Phương, núi đá vôi liền khối, gò đồi, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, đô thị và công nghiệp Tam Điệp, đồng bằng tích tụ, đồng bằng ven biển, đô thị và công nghiệp Sơn Tây, đô thị và công nghiệp Hà Nội, đô thị và công nghiệp Phủ Lý, đô thị và công nghiệp Nam Định, đô thị và công nghiệp Ninh Bình.

2. Định hướng, phát triển không gian chung và riêng lẻ cho các tiểu vùng

- Tiểu vùng núi thấp (gồm khu vực Trung Hà, Hòa Lạc thành phố Hà Nội; huyện: Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn tỉnh Hòa Bình), định hướng: Khoanh nuôi, bảo vệ vốn rừng hiện có, cấm khai thác gỗ để rừng tự phục hồi trong thời gian tới.

- Tiểu vùng núi đá vôi (gồm khu vực huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội, huyện Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình), định hướng: Quản lý chặt chẽ việc các doanh nghiệp khai thác đá vôi xâm lấn sang các khu vực không được phép khai thác, đặc biệt là những nơi có hang động có giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, bảo tồn, du lịch.

- Tiểu vùng gò đồi (gồm khu vực huyện Ba Vì thành phố Hà Nội, huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thủy tỉnh Hòa Bình, huyện Nho Quan, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình), định hướng: Duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng, đặc biệt quan tâm vốn rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại; phủ xanh bề mặt đất đồi bằng các loại thảm thực vật thích hợp tùy theo địa hình và nguồn nước.

- Tiểu vùng đồng bằng tích tụ (gồm khu vực huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên thành phố Hà Nội, huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục tỉnh Hà Nam, huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh tỉnh Nam Định), định hướng: Tập trung xử lý nước thải từ các đô thị; thu gom, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; nghiên cứu cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất.

- Tiểu vùng đồng bằng ven biển (gồm khu vực huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình và huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định), định hướng: Duy trì, phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn và trồng bổ sung rừng ngập mặn; thực hiện các dự án bảo vệ đê biển và những vùng đất đã thau chua rửa mặn để canh tác nông nghiệp; xây dựng những dự án nghiên cứu cho tương lai theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

[...]