Quyết định 173/2002/QĐ-UB Ban hành chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 của tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 173/2002/QĐ-UB
Ngày ban hành 11/12/2002
Ngày có hiệu lực 11/12/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Định
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 173/2002/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 11 tháng 12 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH "CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2001 - 2010" CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010;

- Theo đề nghị của ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em tỉnh,

Điều 1: Ban hành theo quyết định này bản "Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010" của tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em tỉnh là cơ quan thường trực của chương trình có trách nhiệm chủ trì phối hợp với sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chương trình; Tổ chức kiểm tra, theo dõi đánh giá tình hình thực hiện chương trình báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3: Các ông, bà : Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./-

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Định

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VÌ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2001 - 2010 CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành theo quyết định số : 173/2002/QĐ-UB ngày 11/12/2002 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH 

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH :

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi vùng cao thuộc khu vực Tây nguyên, diện tích tự nhiên gần 10.000 km2. Có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với 138 xã, phường, thị trấn, trong đó có 47 xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; 86 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Theo số liệu điều tra về dân số và nhà ở tại thời điểm 01/4/1999, toàn tỉnh có 210.905 hộ với 996.219 người, nữ 493.704 người chiếm 49,56%; Có trên 170.000 người là dân tộc thiểu số, trong đó gốc Tây nguyên là 144.530 người và trên 30.000 người là dân tộc thiểu số phía Bắc di cư đến; Trẻ em dưới 16 tuổi là 399.048 người chiếm hơn 40% dân số, trong đó trẻ em là dân tộc ít người chiếm 26,66% số trẻ em trong độ tuổi (cao hơn tỷ lệ người dân tộc ít người so với dân số toàn tỉnh).

Những năm gần đây (thời kỳ 1996 - 2000), nền kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm là 14,8%; GDP bình quân đầu người tại thời điểm năm 2000 đạt 3.097.000đồng, tăng bình quân hàng năm 9,5%. Tuy nhiên, thu ngân sách địa phương chỉ đảm bảo được 40 - 50% tổng chi, hàng năm phải nhận kinh phí hỗ trợ từ Trung ương.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 19,5%o vào năm 2000, bình quân hàng năm giảm 0,88%. Đời sống dân cư ngày càng được cải thiện tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm 7,6%. Cuộc sống của đại bộ phận các hộ nghèo được trợ cấp khó khăn và giải quyết vốn sản xuất, nên đời sống ngày càng được cải thiện, năm 2000, tỷ lệ hộ đói nghèo toàn tỉnh còn 8,16%, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc có chuyển biến đáng kể.

Sự nghiệp y tế, giáo dục vào đào tạo, văn hóa thông tin thu được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế của tỉnh còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ, các cân đối lớn vẫn chưa vững chắc và dễ bị phá vỡ; trình độ dân trí phát triển không đồng đều, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, xa vẫn còn thấp; Mức ăn bình quân của nhân dân mới chỉ bằng 85% nhu cầu; Tốc độ tăng dân số còn cao so với mặt bằng chung của cả nước, tình trạng di dân tự do vào tỉnh rất lớn và chưa kiểm soát được; các loại hình văn hóa không lành mạnh, các tệ nạn xã hội liên quan đến trẻ em ngày càng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của trẻ em.

II. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH BẢO VỆ CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM :

Thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 1991 - 2000, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động vì trẻ em 1994 - 2000 của tỉnh. Qua 7 năm thực hiện, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Lâm Đồng đã thu được nhiều kết quả rất đáng phấn khởi. Bảy mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 1994 - 2000 đều đạt chỉ tiêu đề ra.

Giảm tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi từ 51%o năm 1993 xuống còn 23,8%o; giảm tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi từ 86%o xuống còn 29,6%o năm 2000.

Giảm tỷ lệ bà mẹ chết liên quan đến thai sản từ 130/100.000 năm 1993 xuống còn 50/100.000 năm 2000.

Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 57,7% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2000. Đây là một thành công rất lớn. Vào năm 1993, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước, nhưng đến năm 2000, tỷ lệ sinh dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh thấp hơn mức bình quân của cả nước là 3%.

[...]