Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Quyết định 170-CP năm 1979 về chế độ công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 170-CP
Ngày ban hành 20/04/1979
Ngày có hiệu lực 20/04/1979
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
******

Số: 170-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1979

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa công bố ngày 10 tháng 11 năm 1962;
Căn cứ quyết định số 247-NQ/QHK6 ngày 26/05/1978 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số lượng thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ban hành kèm theo nghị định số 24-CP ngày 02/02/1976 của Hội đồng Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về chế độ công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2: Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành bản quy định này.

Đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng có trách nhiệm theo dõi việc thi hành bản quy định này và đề xuất với Hội đồng Chính phủ những điều cần sửa đổi hoặc bổ sung.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(ban hành kèm theo quyết định số 170-CP ngày 20/04/1979 của Hội đồng Chính phủ)

Để bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và chức trách của Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Ủy ban nhân dân tỉnh) trong giai đoạn cách mạnh hiện nay, Hội đồng Chính phủ quy định chế độ công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương như sau.

CHƯƠNG 1:

SỰ PHÂN CÔNG TRONG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Điều 1: Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách.

Mỗi thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm chung về công tác của Ủy ban và chịu trách nhiệm riêng về phần công tác của mình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người chịu trách nhiệm chủ yếu bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công nói trên.

Điều 2: Sự phân công giữa các thành viên trong bộ phận thường trực của Ủy ban nhân dân tỉnh:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo công tác của Ủy ban; triệu tập và chủ tọa các cuộc họp của Ủy ban; tổ chức chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, Nghị định, quyết định, thông tư và chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, các thông tư, chỉ thị và quyết định của các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các nghị quyết, quyết định, thông tư và chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh; trực tiếp phụ trách khối nội chính (gồm các công tác an ninh, quân sự, tổ chức, pháp chế, thanh tra) và các công tác then chốt, trung tâm trong từng thời gian.

Các phó chủ tịch giúp chủ tịch lãnh đạo công tác của Ủy ban, được Ủy ban phân công chỉ đạo các lĩnh vực công tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, xã hội, v.v…

- Một phó chủ tịch thường trực phụ trách khối tổng hợp và lưu thông phân phối (gồm các công tác lao động, lương thực, vật tư, vật giá, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, trọng tài kinh tế, thống kê, quy hoạch – kế hoạch) và thay chủ tịch chỉ đạo các mặt công tác khi chủ tịch vắng mặt.

- Một phó chủ tịch trực tiếp làm chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh.

- Một phó chủ tịch phụ trách khối công ngiệp (gồm các ngành công nghiệp và thủ công nghiệp, hải sản, xây dựng cơ bản, nhà đất, giao thông – vân tải, bưu điện).

- Một phó chủ tịch phụ trách khối nông nghiệp (gồm các ngành nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, hải sản, khí tượng - thuỷ văn, xây dựng kinh tế mới, định canh - định cư).

- Một phó chủ tịch phụ trách khối văn hóa, giáo dục, xã hội (gồm các ngành văn hóa – thông tin, giáo dục phổ thông và chuyên nghiệp, khoa học - kỹ thuật, thể dục - thể thao, y tế, thương binh và xã hội).

Ủy viên thư ký phụ trách Văn phòng của Ủy ban, giải quyết công việc hàng ngày của Ủy ban dưới sự chỉ đạo của chủ tịch và các phó chủ tịch.

Sự phân công giữa các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng ty ( hoặc giám đốc sở) công an;

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh (hoặc thành phố);

- Một ủy viên trực tiếp là chủ nhiệm Ủy ban thanh tra;

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng ty (hoặc giám đốc sở) thương nghiệp;

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng ty (hoặc giám đốc sở) tài chính;

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng ty (hoặc giám đốc sở) công nghiệp;

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng ty (hoặc giám đốc sở) nông nghiệp;

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng ty (hoặc giám đốc sở) văn hóa – thông tin;

- Một ủy viên trực tiếp làm trưởng ty (hoặc giám đốc sở) giáo dục.

Số ủy viên còn lại phân công trực tiếp làm thủ trưởng các ngành, các cơ quan, các công tác quan trọng khác của tỉnh.

Đối với các cơ quan như ban tổ chức chính quyền, các ty (hoặc các sở) lao động, xây dựng, giao thông vận tải, thủy lợi, lâm nghiệp, hải sản, thương binh và xã hội, các sở quản lý nhà đất ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nếu không có ủy viên trực tiếp làm thủ trưởng, thì bố trí cán bộ có năng lực tương đương phụ trách.

Điều 3: Sự phân công trong Ủy ban nhân dân tỉnh như trên áp dụng cho tất cả các tỉnh trong cả nước.

Theo sự phân công đã được quy định, mọi thành viên của Ủy ban nhân dân tỉnh phải thực hiện đầy đủ chức trách của minh.Trong công tác, thành viên nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được khen thưởng; trái lại, người nào không hoàn thành nhiệm vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc do phạm sai lầm, khuyết điểm thì sẽ bị thi hành kỷ luật. Mức độ và hình thức khen thưởng cũng như kỷ luật, do Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

CHƯƠNG 2:

QUAN HỆ LÀM VIỆC GIỮA CÁC THÀNH VIÊN ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Điều 4: Chủ tịch là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm sự bàn bạc dân chủ và nhất trí cao về các chủ trương, biện pháp công tác của Ủy ban, Chủ tịch giải quyết công việc trên cơ sở các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, và căn cứ vào các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với những công việc quan trọng, cấp bách, đột xuất mà Ủy ban chưa kịp họp thì chủ tịch bàn bạc với các phó chủ tịch và uỷ viên thư ký giải quyết cho kịp thời, rồi báo cáo với Ủy ban trong phiên họp gần nhất.

Bộ phận thường trực của Ủy ban nhân dân tỉnh là một hình thức tổ chức làm việc tập thể của Ủy ban. Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch, bộ phận thường trực của Ủy ban chịu trách nhiệm về phần việc của mình trước tập thể Ủy ban.

Điều 5: Những nghị quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh phải được hội nghị Ủy ban thông qua. Những quyết định, chỉ thị, thông tư của Ủy ban do bộ phận thường trực của Ủy ban chịu trách nhiệm; chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm sự đúng đắn về chính trị và pháp luật đối với những văn bản nói trên; ủy viên thư ký giúp chủ tịch thực hiện tốt trách nhiệm này.

Chủ tịch ký các nghị quyết, các quyết định, chỉ thị, thông tư của Ủy ban. Khi cần thiết, chủ tịch có thể ủy nhiệm phó chủ tịch thường trực ký các văn bản nói trên. Ủy viên thư ký ký những thông tư hướng dẫn và những văn bản thừa lệnh chủ tịch.

Các báo cáo và đề án công tác quan trọng của Ủy ban trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt, tuỳ theo nội dung và mức độ quan trọng, phải được hội nghị Ủy ban hoặc hội nghị bộ phận thường trực Ủy ban thông qua, do chủ tịch hoặc phó chủ tịch thường trực ký.

Điều 6: Mười ngày một lần, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thông báo tóm tắt tình hình công tác của Ủy ban cho các thành viên biết; có tình hình gì đặt biệt phải thông báo kịp thời.

Mỗi khi Ủy ban nhân dân tỉnh có nghị quyết, chỉ thị,v.v… về vấn đề gì, các thành viên trong Ủy ban tùy theo chức trách của mình đều phải tổ chức thực hiện cụ thể.

Mỗi thành viên trong Ủy ban đều phải có kế hoạch, chương trình làm việc của mình; chủ tịch tổ chức sự phối hợp, và hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các thành viên đó. Báo cáo và đề án công tác của các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc trình Uỷ ban xét duyệt đều phải thông qua ủy viên thư ký, Ủy viên thư ký giúp Ủy ban và chủ tịch tổng hợp, điều hòa công tác của Ủy ban.

Kế hoạch, chương trình làm việc của Ủy ban với các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc đều được thông báo trước để các đơn vị chuẩn bị cho chu đáo.

CHƯƠNG 3:

HỘI NGHỊ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Điều 7: Hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có hai hình thức: hội nghị thường lệ và hội nghị bất thường.

Hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh do chủ tịch triệu tập và chủ tọa; khi chủ tịch vắng mặt thì ủy nhiệm cho phó chủ tịch thường trực.

Hội nghị thường lệ của Ủy ban nhân dân tỉnh họp mỗi tháng một lần, Chủ tịch triệu tập hội nghị bất thường của Ủy ban khi thấy cần thiết, hoặc có ít nhất một nửa tổng số thành viên Ủy ban yêu cầu.

Điều 8: Hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phải bảo đảm có mặt đầy đủ số thành viên hoặc ít nhất ba phần tư số thành viên; thành viên nào vắng mặt phải có lý do chính đáng, được chủ tịch đồng ý và báo cáo với hội nghị trước khi vào chương trình làm việc.

Nội dung và chương trình làm việc của hội nghị Ủy ban được báo trước cho các thành viên ít nhất năm ngày.

Đại biểu các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc có liên quan được mời tới dự hội nghị Ủy ban, được phát biểu ý kiến khi chủ tịch yêu cầu, nhưng không có quyền biểu quyết.

Điều 9: Hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bàn bạc, quyết định lần lượt từng vấn đề; mỗi thành viên đều có trách nhiệm phát biểu rõ ràng, cụ thể ý kiến của mình về từng vấn đề. Hội nghị biểu quyết bằng cách giơ tay. Các thành viên đều phải chấp hành nghị quyết của hội nghị với ý thức tổ chức cao và kỷ luật nghiêm ngặt.

Sau khi hội nghị có nghị quyết, Ủy ban phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ủy ban chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết.

Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm báo cáo tỉnh lên Hội đồng Chính phủ về kết quả hội nghị chậm nhất là năm ngày, sau khi bế mạc hội nghị; trường hợp đặc biệt thì báo cáo ngay.

Điều 10: Mỗi quý một lần Ủy ban nhân dân tỉnh phải hợp để kiểm điểm kết quả thực hiện kế hoạch và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời bàn bạc; quyết định các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh các mặt công tác trong quý sau.

Điều 11: Hội nghị của bộ phận thường trực của Ủy ban nhân dân tỉnh họp mỗi tuần một lần nhằm điều hòa, phối hợp mọi mặt hoạt động và giải quyết những vướng mắc của các ngành, các cấp trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, v.v…

Nội dung những vấn đề đã giải quyết trong hội nghị của bộ phận thường trực của Ủy ban được báo cáo trước hội nghị Ủy ban kỳ tới để tập thể Ủy ban biết và thông qua, hoặc đề nghị bổ sung những điều cần thiết.

CHƯƠNG 4:

CHỈ ĐẠO VÀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Điều 12: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và quản lý công tác theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và theo các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm phát huy đầy đủ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động va quyền lực của Nhà nước ở điạ phương.

Dựa vào toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương

Dựa vào các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc, Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm cho kế hoạch Nhà nước của tỉnh được thực hiện nghiêm chỉnh.

Dựa vào các đoàn thể quần chúng, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, động viên nhân dân tham gia quản lý các công tác của Nhà nước ở địa phương.

Căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh bàn bạc và hướng dẫn các cơ quan nói trên quy định cụ thể mối quan hệ làm việc giữa Ủy ban với các cơ quan đó.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh với tư cách là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân tỉnh và là cơ quan quản lý Nhà nước ở tỉnh phải chịu trách nhiệm trước hết về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc bảo đảm tăng cường các mối quan hệ nói trên.

Điều 13: Trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chủ trương, chính sách của Đảng, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền đề ra các hình thức tổ chức tạm thời (như các ban, đoàn, đội công tác, các hội đồng có tính chất tư vấn), đồng thời có quyền trưng tập cán bộ các ngành thuộc tỉnh để thực hiện những công tác quan trọng.

Điều 14: Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo và phối hợp kế hoạch công tác của các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp ở địa phương, kể cả các xí nghiệp trực thuộc Trung ương có những vướng mắc với địa phương; nếu để chậm và gây trở ngại trong việc thi hành các nhiệm vụ công tác của Đảng và Nhà nước ở địa phương thì Ủy ban nhân dân tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ về những hậu quả do sự chậm trễ đó gây ra.

Điều 15: Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt coi trọng và bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị quyết số 172-CP ngày 01/11/1973 (1) và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ban hành kèm theo Nghị định số 24-CP ngày 24/02/1976 của Hội đồng Chính phủ (2)

Căn cứ vào các bản quy định nói trên và tình hình ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể quan hệ làm việc với các cơ quan, xí nghiệp của Trung ương đóng ở tỉnh; trong quan hệ làm việc này, nếu có vướng mắc nghiêm trọng và kéo dài phải báo cáo lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ xem xét và giải quyết.

Điều 16: Ủy ban nhân dân tỉnh quy định ngày và trực tiếp tiếp dân hàng tuần; nơi tiếp dân phải trang trọng, giản dị, bảo đảm mọi thuận lợi cho nhân dân nhanh chóng được gặp Ủy ban.

Hàng tháng, từng thành viên Ủy ban phải dành thời gian xuống cơ sở tiếp xúc và tìm hiểu tâm tư, nguyên vọng, khả năng cách mạng của quần chúng, nhất là những người lao động trực tiếp sản xuất.

Khi cần thiết, Ủy ban có thể trực tiếp trưng cầu ý kiến của một bộ phận nhân dân về một số công tác quan trọng thuộc địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tập thể về mối quan hệ giữa chính quyền Nhà nước cấp tỉnh với nhân dân; phải chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt trách nhiệm phục vụ nhân dân và thi hành chế độ tiếp xúc với nhân dân.

Điều 17: Căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ, đồng thời tuỳ theo tình hình đặc điểm của địa phương trong từng thời gian, Ủy ban nhân dân tỉnh cần vạch ra những công tác then chốt, trung tâm của địa phương để tập trung sức chỉ đạo thực hiện. Trong trường hợp có những nhiệm vụ công tác đột xuất, cấp bách, nhất là trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa có nguy cơ gây ra thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản xã hội chủ nghĩa thì Ủy ban phải huy động mọi lực lượng cần thiết (kể cả những lực lựơng của các cơ quan, xí nghiệp của Trung ương đóng ở địa phương) để hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác đó.

Điều 18: Ủy ban nhân dân tỉnh nhận xét, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ thuộc quyền quản lý của mình theo chính sách, chế độ hiện hành, Trong việc kiểm tra việc thi hành chính sách, chế độ này thấy có gì chưa hợp lý được quyền đề nghị lên Hội đồng Chính phủ xem xét, tuyệt đối không được tự ý ban hành chính sách, chế độ cán bộ riêng của địa phương.,

Ba tháng một lần, Ủy ban phải có kế hoạch và phân công nhau trực tiếp kiểm tra việc thi hành chính sách, chế độ cán bộ ở cán bộ ở các ngành, các cấp, các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc; và giải quyết ngay những trường hợp chưa hợp lý với điều kiện đã cho phép.

Điều 19:  Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và phát triển, tổ chức và biên chế theo phương châm ngày càng tinh giản bộ máy quản lý Nhà nước, phát triển bộ máy sản xuất – kinh doanh và sự nghiệp, khoa học - kỹ thuật trên cơ sở hạch toán kinh tế và phục vụ ngày càng tốt đời sống của nhân dân.

Điểu 20: Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm thi hành bản quy định này.

Trong quá trình thực hiện bản quy định này, Ủy ban nhân dân các tỉnh được đề xuất và kiến nghị với Hội đồng Chính phủ những điểm cần sửa đổi hoặc bổ sung, không được tuỳ tiện sửa chữa và làm sai những điều đã quy định.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị