Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp 1962

Số hiệu 51/LCT
Ngày ban hành 27/10/1962
Ngày có hiệu lực 11/11/1962
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

LUẬT

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP

Căn cứ vào chương 7 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Luật này quy định tổ chức
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Điều 1

Các đơn vị hành chính trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phân định như sau:

- Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu tự trị;

- Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã;

- Huyện chia thành xã, thị trấn.

Các khu tự trị chia thành tỉnh; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn.

Các thành phố có thể chia thành khu phố ở trong thành và huyện ở ngoài thành.

Hiện nay khu Hồng quảng và khu Vĩnh Linh coi như tỉnh.

Các đơn vị hành chính kể trên đều có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.

Điều 2

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương.

Số đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp và cách thức bầu cử Hội đồng nhân dân do Luật bầu cử quy định.

Điều 3

Uỷ ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, đồng thời là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.

Điều 4

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng nhân dân khu tự trị là ba năm.

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân các cấp khác là hai năm.

Nhiệm kỳ của Uỷ ban hành chính cấp nào theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cấp ấy. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ hoặc bị giải tán, Uỷ ban hành chính tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân mới bầu ra Uỷ ban hành chính mới.

Điều 5

Uỷ ban hành chính cHịu trách nhiệm và báo cáo công tác với Hội đồng nhân dân cấp mình và với cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên trực tiếp.

Uỷ ban hành chính ở một địa phương chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng chính phủ.

Điều 6

Hội đồng nhân dân có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp mình; có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp dưới trực tiếp.

Điều 7

Hội đồng nhân dân có quyền giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Hội đồng nhân dân này gây thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng.

[...]