Quyết định 17/2006/QĐ-UBND-TG về qui trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên điạ bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 17/2006/QĐ-UBND-TG
Ngày ban hành 17/04/2006
Ngày có hiệu lực 27/04/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Phòng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

********

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số:17/2006/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày  17  tháng 4  năm  2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUI TRÌNH TIẾP NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐIẠ BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỂN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thanh tra năm 2004;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02/12/1998 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Nghị định 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về qui trình tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:                                                                     

- Như điều 3;
- VPCP; TTCP;                                                                                                
- Cục kiểm tra văn bản (BTP);
- TT TU; TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;                                                                    
- P.VX-NC, Công báo tỉnh;                                      
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Trung

QUY ĐỊNH

VỀ QUY TRÌNH TIẾP NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
 (Ban hành kèm theo Quyết định số:17/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức của cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với việc tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan hành chính thuộc Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh; các cơ quan, tổ chức, công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Điều 3. Nguyên tắc giải quyết

1. Đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

2. Vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn cấp nào thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân và thủ trưởng cấp đó trực tiếp thụ lý, giải quyết. Nếu từ chối, đùn đẩy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.

3. Người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, tố cáo phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo đều phải được xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Không thụ lý giải quyết các khiếu nại được quy định tại Điều 32 Chương II Luật Khiếu nại, tố cáo và không xem xét giải quyết những tố cáo được quy định tại điểm c, d, khỏan 1 Điều 42, Nghị định 53/2005/NĐ-CP ngày 19/04/2005 của Chính phủ.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc gặp gỡ, đối thọai phải tiến hành công khai, dân chủ; nếu thấy cần thiết có thể mời đại diện tổ chức chính trị - xã hội tham dự.

Điều 4. Trách nhiệm thụ lý và tham mưu đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cán bộ thụ lý phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền giao nhiệm vụ về các chứng cứ do mình xác minh, thu thập và các tình tiết nêu trong báo cáo kết luận của mình.

2. Thủ trưởng cơ quan được giao trách nhiệm tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất giải quyết vụ việc phù hợp pháp luật.

[...]