Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 169/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hoá Công sở của hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003-2005) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 169/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/08/2003
Ngày có hiệu lực 04/09/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 169/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 169/2003/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 2003 PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC ĐIỀU HÀNH VÀ HIỆN ĐẠI HOÁ CÔNG SỞ CỦA HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN I (2003 - 2005)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hoá công sở của hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003 - 2005).

Điều 2. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

ĐỀ ÁN

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC ĐIỀU HÀNH VÀ HIỆN ĐẠI HOÁ CÔNG SỞ CỦA HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN I (2003 - 2005)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 169/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

I. BỐI CẢNH CỦA ĐỀ ÁN

Trước yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế, một trong những vấn đề đặt ra là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của hệ thống hành chính nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hoá công sở của hệ thống hành chính nhà nước, từng bước làm cho bộ máy hành chính phù hợp yêu cầu của cơ chế quản lý mới, như đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010: Xúc tiến nhanh và có hiệu quả việc hiện đại hóa công tác hành chính.

1. Những kết quả đạt được:

Thời gian qua, phương thức điều hành của Chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã từng bước được đổi mới. Chính phủ, các bộ đã tập trung nhiều hơn vào công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật trước hết là thể chế kinh tế; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành và tổ chức thực hiện đối với toàn xã hội.

Các bộ, ngành và địa phương đã chú trọng vào việc hiện đại hoá công sở; đặc biệt về đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp, xây dựng công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan, từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính nhà nước.

2. Những hạn chế:

Nền hành chính của chúng ta vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao. Những hạn chế này thể hiện trên các mặt sau:

- Phương thức điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp còn nhiều bất cập, vừa tập trung quan liêu lại vừa phân tán, chưa thông suốt; phân công, phân cấp thiếu rành mạch; trật tự, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình xây dựng, ban hành và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch còn nhiều yếu kém; quy chế làm việc của các bộ, ngành và chính quyền địa phương còn thiếu và chưa thống nhất; quy trình giải quyết công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước chưa được chuẩn hoá và công khai hoá; tình trạng họp và giấy tờ hành chính còn nhiều;

- Công sở của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được đầu tư, xây dựng thiếu quy hoạch, tuỳ tiện, gây tốn kém. Gần đây, một số cơ quan hành chính nhà nước có điều kiện đã tiến hành hiện đại hoá công sở, tuy nhiên chưa có bước đi cụ thể, thiếu tính đồng bộ và chuẩn hoá, có nơi chưa phù hợp với trình độ của cán bộ, công chức và trình độ tổ chức lao động trong cơ quan. Hiện đại hoá công sở đang được hiểu một cách đơn thuần chỉ là xây cất công sở, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, không tính đến khả năng sử dụng và hiệu quả kinh tế kỹ thuật.

3. Nguyên nhân:

Tình hình trên đây do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng chủ yếu và trước hết là:

- Xuất phát từ thói quen đã được hình thành trong nền hành chính tập trung quan liêu bao cấp, các cơ quan từ trung ương đến địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách; quy chế công vụ, công chức chưa rõ ràng, cơ chế trách nhiệm cá nhân chưa được cụ thể, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước;

- Chính phủ chưa có quy hoạch tổng thể về hệ thống công sở, kế hoạch đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp, xây dựng hệ thống công sở và xây dựng tiêu chuẩn chế độ về trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức hành chính nhà nước. Các tiêu chuẩn về thiết kế, chế độ bảo hành, bảo trì và quy chế quản lý, sử dụng công sở ban hành trước đây đã không còn phù hợp, gây lãng phí các nguồn lực, ngân sách của nhà nước và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

[...]