Quyết định 121/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn I (2003-2005) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 121/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/06/2003
Ngày có hiệu lực 16/07/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 121/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 121/2003/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2003 PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH VAI TRÒ, CHỨC NĂNG VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN I (2003 - 2005)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003 - 2005).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)


CHƯƠNG TRÌNH

NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH VAI TRÒ, CHỨC NĂNG VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 121/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

I. BỐI CẢNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cải cách hành chính nói chung và cải cách tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương để thực hiện Nghị quyết các Hội nghị Trung ương 3, Trung ương 8 Khoá VII và Trung ương 3, Trung ương 6 (lần 2), Trung ương 7 Khoá VIII của Đảng. Sau mỗi lần triển khai các Nghị quyết nói trên, bộ máy hành chính nhà nước đã từng bước tinh gọn, hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu mới về quản lý kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX là hết sức cần thiết. Vì vậy, trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 (Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001), nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước là một trong bảy chương trình hành động có ý nghĩa quan trọng. Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ năm 2003 đến năm 2010 được chia ra làm hai giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2003 đến hết năm 2005 và giai đoạn II từ năm 2006 đến hết năm 2010 với những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn. Từ nay đến hết năm 2005 phải tập trung thực hiện có kết quả những nội dung cấp thiết đặt ra trong giai đoạn I (2003 - 2005). Trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm của giai đoạn này, tiếp tục xây dựng và thực hiện nội dung chương trình cho giai đoạn tiếp theo.

1. Những kết quả cơ bản về cải cách tổ chức bộ máy:

a) Đã từng bước có sự thay đổi quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hành chính địa phương các cấp phù hợp với cơ chế mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức hành chính đã từng bước được đổi mới, điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Kết quả rõ nét nhất là bộ máy hành chính nhà nước các cấp đã chuyển dần sang thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Cả về mặt nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn đã làm rõ hơn chức năng quản lý vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, các bộ đã tập trung nhiều hơn vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của cả nước và của từng ngành, từng vùng lãnh thổ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành và tổ chức thực hiện đối với toàn xã hội. Cơ quan hành chính địa phương cũng chuyển dần sang thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tổ chức thực hiện cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường sự chỉ đạo, điều hành và thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện theo vai trò, chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.

Phân biệt và tách hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính ra khỏi hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để làm đúng vai trò, chức năng của cơ quan công quyền, giảm bớt sự can thiệp không đúng chức năng, thẩm quyền vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này được thể hiện khá rõ thông qua tổ chức hoạt động của các Tổng công ty 90, 91 và đặc biệt là việc ban hành Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự phân cấp cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong các lĩnh vực đầu tư trong và ngoài nước, quản lý đất đai, thẩm định và quyết định thành lập các doanh nghiệp nhà nước, trong việc thành lập các hội, tổ chức phi Chính phủ v.v...

b) Đã tiến hành sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Chính phủ (bộ, cơ quan ngang bộ) và cơ quan thuộc Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; từng bước sắp xếp cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân làm cho tinh giản hơn trước và hoạt động có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả tốt hơn. Cụ thể là:

- Đã có sự điều chỉnh đáng kể về mô hình tổ chức Chính phủ, cơ cấu bên trong các bộ, ngành là chuyển từ mô hình tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước theo đơn ngành và chủ yếu đối với thành phần kinh tế nhà nước sang mô hình tổ chức bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong phạm vi cả nước, bao quát các thành phần kinh tế.

- Đã xác định được một số lĩnh vực trung ương cần quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc và phân cấp, chuyển giao một số nhiệm vụ và tổ chức về địa phương quản lý.

- Số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tinh giản, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.

c) Phương thức hoạt động, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đã có những điều chỉnh theo hướng thực hiện phù hợp với vai trò, chức năng quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường, tham gia hội nhập quốc tế và khu vực.

Chính phủ đã có sự đổi mới và tập trung chỉ đạo, điều hành vĩ mô đối với toàn xã hội thông qua việc xây dựng và ban hành thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiểm tra thực hiện; hạn chế dần sự can thiệp vào vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

2. Những yếu kém tồn tại:

a) Hệ thống thể chế quy định về chức năng và nội dung hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chậm đổi mới, còn chồng chéo, trùng lắp, nhiều vấn đề chưa phù hợp với sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

[...]