Quyết định 1671/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030

Số hiệu 1671/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/04/2024
Ngày có hiệu lực 24/04/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Lê Đức Giang
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1671/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 4 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG RA KHỎI ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn Chi tiết Luật chăn nuôi; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền đất, thuê mặt nước; Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Nghị định số 218/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 25/5/2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kết luận số 2351-KL/TU ngày 18/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2999/QĐ-UBND ngày 09/08/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của UBND tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 4060/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định 5510/QĐ-UBND ngày 30 /12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương chi tiết Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 154/TTr-STNMT ngày 30/01/2024 về việc phê duyệt Đề án “Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; Điện lực Thanh Hóa; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ;
- Bộ TNMT (để báo cáo);  
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thanh Hóa;
- Cổng TTĐT tỉnh, Công báo tỉnh;
- Báo Thanh Hóa, Đài PT-TH tỉnh;
- Lưu: VT, PgNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Giang

 

ĐỀ ÁN

DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG RA KHỎI ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 24/4/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ VÀ PHẠM VI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi tắt là cơ sở) đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm (342 cơ sở); chế biến đá xẻ, đá ốp lát (190 cở sở); chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng (109 cơ sở); thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì (75 cơ sở); sản xuất bún (26 cơ sở); giết mổ gia súc, gia cầm (30 cơ sở); gia công cơ khí (19 cơ sở); sản xuất gạch không nung (14 cơ sở); các loại hình khác: ươm tơ, dệt nhiễu, chế biến thức ăn chăn nuôi, sửa chữa ô tô, sản xuất bia, kinh doanh than…): 21 cơ sở. Các cơ sở này tập trung ở 18/27 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn, các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn , Đ ôn g S ơn , Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương).

Hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát trên đất ở của hộ gia đình, trên đất thuộc quy hoạch khu dân cư, đô thị.., mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động thủ công; chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường; không đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải hoặc công trình còn sơ sài, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân xung quanh.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nhận được nhiều đơn thư, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường do các cơ sở trên gây ra. Qua kiểm tra, xác minh cho thấy, hầu hết các cơ sở chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án BVMT, cam kết BVMT, kế hoạch BVMT); chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước thải trước khi thải ra môi trường còn nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần; việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại chỗ của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất gặp nhiều khó khăn, do quỹ đất hạn hẹp, kinh phí hạn chế không đáp ứng được yêu cầu xây dựng công trình xử lý chất thải, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT còn hạn chế,... Qua việc phản ánh qua đơn thư, đường dây nóng thường xuyên của các hộ dân cho thấy những bức xúc trong việc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này cần phải được giải quyết dứt điểm.

Trước thực trạng trên, ngày 25/5/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, giao Ban Cán sự UBND tỉnh chuẩn bị Đề án “Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh” (nay đã được đổi tên thành Đề án “Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” theo Kết luận số 2351-KL/TU ngày 18/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

[...]