ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1671/2009/QĐ-UBND
|
Hạ Long, ngày 28 tháng 05 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số
77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông tại Tờ trình số 307/TTr-STTTT ngày 21/4/2009 về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ
ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Vũ Đức Đam
|
QUY CHẾ
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1671/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm
vi, đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định chế độ phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở,
ban, ngành; Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi chung là cơ quan
hành chính nhà nước) theo các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành.
Điều 2. Người
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (sau
đây gọi là người phát ngôn) là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà
nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Họ tên, chức vụ
người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước phải được công bố bằng văn bản cho
Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin
và Truyền thông và các cơ quan báo chí của tỉnh.
2. Trong trường
hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy
quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn hoặc cung cấp thông
tin cho báo chí về những vấn đề cụ
thể được giao.
3. Người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
a) Là cán bộ,
công chức thuộc biên chế chính thức
và đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước;
b) Có lập trường
chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan;
c) Am hiểu
sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà mình
đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định
pháp luật về báo chí;
d) Có năng lực
phân tích, tổng hợp, xử lý thông
tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí.
4. Các cá nhân của cơ quan hành chính
nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì
không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông
tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin
sai sự thật.
Chương 2.
PHÁT NGÔN VÀ
CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
Điều 3. Phát
ngôn và cung cấp thông tin định kỳ
1. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh tổ chức cung cấp thông tin định
kỳ cho báo chí về các hoạt động và
công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh bằng hình thức họp báo hoặc
đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh;
Cổng thông tin điện tử của tỉnh có
trách nhiệm cập nhật thông tin theo các quy định hiện hành để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin chính thống cho các cơ
quan báo chí trên địa bàn.
2. Các Sở,
Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cung cấp thông
tin định kỳ cho báo chí về hoạt động
của cơ quan, địa phương mình về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý thông
qua các hình thức sau:
a) Hàng tháng
hoặc ít nhất 03 tháng một lần cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trên Cổng
thông tin điện tử thành phần của cơ quan mình;
b) Khi thấy cần
thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo
chí bằng văn bản, hoặc tổ chức họp
báo (việc tổ chức họp báo thực hiện
theo quy định hiện hành), hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo
chí do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức định kỳ hàng tháng
(thông tin trước nội dung cho Sở Thông tin và Truyền thông qua địa chỉ Email:
sttvtt@quangninh.gov.vn).
c) Cung cấp kịp
thời, chính xác cho Cổng thông tin
điện tử của tỉnh theo quy định hiện hành.
Điều 4. Phát ngôn
và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường
Người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:
1. Khi thấy cần
thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, gây tác động
lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình nhằm ổn định, định hướng
và cảnh báo kịp thời trong xã hội;
về quan điểm và cách xử lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan hành chính nhà
nước có liên quan đến các sự kiện, vấn đề đó;
2. Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của
cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho
báo chí trong thời gian chậm nhất
là 02 (hai) ngày kể từ khi vụ việc xảy ra;
3. Khi cơ
quan báo chí hoặc cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp
thông tin về các sự kiện, vấn đề,
lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, địa phương được nêu trên báo chí;
4. Khi có đủ
căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin không đúng sự thật về lĩnh vực địa
bàn do cơ quan, địa phương mình quản lý và yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng
tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật;
Điều 5. Nội dung
thông tin cung cấp cho báo chí:
Các thông tin được phép cung cấp cho
cơ quan báo chí bao gồm:
1. Thông tin
liên quan đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà
nước theo quy định của pháp luật;
2. Chương
trình công tác và kế hoạch của các cơ quan hành chính nhà nước đã được công bố;
3. Quan điểm
và ý kiến của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước đối với các vấn đề quan trọng, đột xuất của cơ quan cơ quan hành chính nhà nước được dư luận
xã hội quan tâm;
4. Các lĩnh vực
công tác khác của cơ quan hành chính nhà nước mà người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước xét thấy cần và cho phép công bố đối
với cơ quan báo chí.
Điều 6. Quyền và
trách nhiệm của người phát ngôn
1. Quyền của
người phát ngôn:
a) Được nhân
danh đại diện cơ quan hành chính nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin cho
báo chí. Chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới được coi là thông tin chính thống của cơ
quan hành chính nhà nước;
Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm
đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do người phát
ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi
rõ họ tên người phát ngôn, cơ quan
hành chính nhà nước của người phát ngôn.
b) Có quyền
yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ quan mình cung cấp thông tin
để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại
Điều 3, Điều 4 của Quy chế này; để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức,
công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí theo quy định
của pháp luật;
c) Có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau:
- Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước, những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng,
những vấn đề không thuộc quyền hạn
phát ngôn;
- Các vụ án
đang được điều tra hoặc chưa xét xử,
trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần
thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều
tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
- Những văn bản
chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật
chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội;
- Những thông
tin, tài liệu về nội dung, kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả giải quyết đơn
thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền kết luận chính thức và cho phép công bố.
2. Trách nhiệm
của người phát ngôn:
a) Chịu trách
nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí;
Trong trường hợp người phát ngôn không phải là người đứng đầu
cơ quan hành chính nhà nước thì còn phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu
cơ quan hành chính nhà nước về tính chính xác, tính trung thực của nội dung
phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí;
b) Khi xảy ra
các trường hợp thiên tai, đột xuất,
biến động nhạy cảm phải báo cáo thông tin kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh bằng các phương tiện nhanh nhất trong bất kỳ hoàn cảnh và thời gian nào, báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh về nội dung phát
ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí đối với những vấn đề phức tạp,
nhạy cảm trước khi công bố;
c) Định kỳ hằng
tháng cung cấp thông tin cho Cổng thông tin điện tử của tỉnh về các hoạt động, công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan;
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm
của các cơ quan hành chính Nhà nước
1. Thủ trưởng
các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực,
phải công bố họ, tên, chức vụ, địa chỉ liên lạc, số điện thoại của người phát ngôn của cơ quan, địa phương bằng văn bản
cho UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí
trên địa bàn;
b) Thực hiện
việc phát ngôn và cung cấp thông tin được qui định tại Khoản 2, Điều 3 và Điều
4 Quy chế này.
c) Chủ động
theo dõi, nắm bắt thông tin báo chí phản ánh và thực hiện việc trả lời theo quy định tại Quy chế này; trường hợp không đồng ý với thông tin do báo chí đăng, phát phải có văn bản trả lời đối với cơ quan báo chí đã đăng, phát, nêu rõ không đồng ý với thông tin nào và lý do không đồng ý;
d) Cung cấp
các tư liệu, tài liệu và các nội dung liên quan theo quy định của Nhà nước cho
Đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành khi có yêu cầu.
2. Căn cứ nhiệm
vụ được giao thực hiện công tác quản lý Nhà nước về phát ngôn và cung cấp thông
tin cho báo chí thông qua các hình thức sau:
a) Định kỳ
hàng tháng: Chậm nhất vào ngày 15 của tháng, các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố báo
cáo tình hình thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (nếu có)
theo những nội dung nêu trên đến Sở Thông tin và Truyền thông để Sở tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và
Văn phòng Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng;
b) Báo cáo
năm: Chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hằng năm, các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo tình hình thực hiện phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí theo những nội dung nêu trên về Sở Thông tin và
Truyền thông để sở tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn
phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 hằng năm;
Điều 8. Trách nhiệm
của Sở Thông tin và Truyền thông
- Giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí trên địa bàn; đôn đốc
các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc cung cấp thông tin đồng thời kiểm
tra việc đăng, phát thông tin của các cơ quan báo chí.
- Đánh giá
tình hình cung cấp, đăng, phát, tiếp thu và xử lý thông tin hàng quý, 6 tháng
và hằng năm, tổng hợp kết quả báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp để nâng cao
hiệu quả cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin do báo chí phản ánh;
- Tổ chức
thanh tra kiểm tra và thực hiện các quyền khác liên quan đến việc cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin quy định
của Luật Báo chí;
- Hướng dẫn
các cơ quan tổ chức họp báo theo quy định của Luật Báo chí.
- Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, hằng năm có đánh
giá việc thực hiện Quy chế này.
Điều 9. Trách nhiệm
của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
- Chỉ đạo
Trung tâm Công báo, Tin học và Lưu trữ thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động, công tác chỉ đạo điều hành của Chủ
tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và cung cấp thông tin trên Cổng
thông tin điện tử của tỉnh và trên Trang tin điện tử của Chính phủ;
- Tổ chức cho báo chí phỏng vấn và tiếp xúc với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh khi cần thiết
và được sự đồng ý của lãnh đạo Ủy
ban nhân dân tỉnh.
Chương 4.
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ
LUẬT
Điều 10. Khen
thưởng
Cơ quan báo chí, các Sở, Ban, Ngành
và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và cá nhân có nhiều thành tích
trong việc cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin trên báo chí góp phần ổn định
tư tưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được xét khen thưởng
theo quy định của Nhà nước.
Điều 11. Xử lý
vi phạm
Cơ quan báo chí, cơ quan quản lý Nhà
nước về báo chí, cơ quan hành
chính Nhà nước, tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này và Luật báo chí, tùy theo
tính chất mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 12. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện Quy chế này.
Điều 13. Trong quá trình triển khai
thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về
Sở Thông tin và Truyền thông để xem xét tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.