ĐỀ ÁN
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ
TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ/UBND ngày tháng 11 năm 2015 của UBND
tỉnh Hậu Giang)
I. HIỆN TRẠNG VỀ DI SẢN VĂN
HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ Ở HẬU GIANG
Năm 2004, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở
chia tách từ tỉnh Cần Thơ cũ. Tỉnh có diện tích 1.602,44 km2, dân số
khoảng 780.000 người.
Toàn tỉnh hiện có 76 xã, phường, thị trấn; 5 huyện,
2 thị xã và 1 thành phố trực thuộc tỉnh.
Hậu Giang nằm ở vị trí tiểu vùng tây sông Hậu, phía
Bắc tiếp giáp thành phố Cần Thơ, phía Đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long,
phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Trên
địa bàn tỉnh có ba dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, người Kinh chiếm
96,48%, người Khmer chiếm 2,38% và người Hoa chiếm 1,14%. Người Khmer sống tập
trung thành những phum sóc xung quanh các chùa, kinh tế chủ yếu dựa vào nông
nghiệp. Người Hoa sinh sống bằng nghề buôn bán, thủ công nghiệp tại các thị
trấn, thị xã, thành phố. Người Kinh sống ở khắp nơi trong tỉnh, nghề nghiệp đa
dạng trên nhiều lĩnh vực. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng và trong quá trình
chung sống, ba dân tộc anh em đã giao lưu, trao đổi văn hóa tạo nên một bản sắc
văn hóa Việt Nam trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Hậu Giang có 80 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử
với 836 thành viên. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch duy trì tổ chức
Liên hoan Đờn ca tài tử giữa các Câu lạc bộ trong tỉnh và tham gia các cuộc thi
trong khu vực Tây Nam Bộ nhằm giữ gìn, tôn vinh, phát huy loại hình nghệ thuật
truyền thống, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở,
từng bước nâng cao giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với nét sinh hoạt ở
cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chú trọng đến công tác chăm bồi,
phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào, đưa Đờn ca tài tử thành
mục tiêu trọng điểm của công tác văn hóa, thể thao và du lịch hàng năm, đưa chỉ
tiêu về Đờn ca tài tử bổ sung vào chương trình phát triển nông thôn mới, chương
trình sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng khu dân cư, từng bước làm cho Nghệ thuật
Đờn ca tài tử thấm sâu vào nét sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam Bộ nói
chung và Hậu Giang nói riêng.
Tuy nhiên, Nghệ thuật Đờn ca tài tử chưa được quan
tâm và đầu tư đúng mức, một số nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi, việc
truyền dạy cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm; phần đông thanh thiếu niên ít
quan tâm, tìm hiểu về loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử, công tác hỗ trợ đầu
tư từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời, công tác vận động xã hội hóa
cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn
tỉnh chưa mang lại hiệu quả cao.
II. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung:
Việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt
là Đề án) nhằm tiếp tục khẳng định giá trị của Đờn ca tài tử, loại hình nghệ
thuật đã UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;
đồng thời, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và
phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất
nước” và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát
triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Thông qua Đề án, góp phần bảo tồn và phát huy giá
trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh; nâng cao tinh thần
trách nhiệm và nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa ở các cấp nói riêng và
toàn xã hội nói chung về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi
vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho
đội ngũ văn nghệ sĩ và nghệ nhân có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao dồi kỹ
năng, từng bước nâng cao chất lượng của phong trào Đờn ca tài tử tại các địa
phương; phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, du khách
trong và ngoài nước khi đến thăm Hậu Giang.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng và duy trì ít nhất một Câu lạc bộ Đờn
ca tài tử hoạt động có hiệu quả tại mỗi ấp, khu vực, xã, phường, thị trấn và tại
các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao
đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh.
- Biên soạn và cung cấp tài liệu về bảo tồn và phát
huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử cho 100% Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Ban Chủ nhiệm
Câu lạc Bộ tại các ấp, khu vực.
- 100% huyện, thị xã, thành phố có cụm pa nô tuyên
truyền về bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
- Hàng năm, huyện, thị xã, thành phố và xã, phường,
thị trấn tổ chức các lớp truyền dạy Đờn ca tài tử tại các thiết chế văn hóa; các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung cấp
chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học có kế hoạch thí điểm đưa nội dung Đờn ca tài
tử vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.
- Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử 01 lần/năm ở cấp
xã, cấp huyện và 02 năm/lần ở cấp tỉnh.
- Duy trì việc tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử giữa
04 tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau hàng năm và Liên hoan Đờn ca
tài tử khu vực Nam Bộ và toàn quốc.
- Tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc
gia và ngân sách địa phương để trang bị nhạc cụ, âm thanh cho các Câu lạc bộ Đờn
ca tài tử.
- Định kỳ xem xét và đề nghị khen thưởng cho tập
thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát huy Nghệ thuật
Đờn ca tài tử tại địa phương.
- Định kỳ lập danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu
Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân, nhà quản lý, nhà nghiên
cứu có nhiều thành tích đóng góp đặc biệt cho phong trào bảo vệ và phát huy di
sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của địa phương.
3. Giải pháp thực hiện:
3.1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao
nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát
huy giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ:
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và các
tầng lớp Nhân dân về giá trị của Nghệ thuật Đờn ca
tài tử Nam Bộ; nâng cao nhận thức và tinh thần
trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị
của loại hình nghệ thuật này.
- Gắn
kết các hoạt động bảo tồn và phát triển phong trào Đờn ca tài tử với Phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
- Các
cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền
về yêu cầu, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài
tử Nam Bộ trong các tầng lớp Nhân dân, trong lực lượng đoàn viên và hội viên.
3.2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền
dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong gia đình, trường học, cộng đồng và
Câu lạc bộ nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân:
- Tạo điều kiện cho học sinh từ cấp Trung học cơ
sở có dịp tiếp cận với Nghệ thuật Đờn ca tài tử thông qua các làn điệu, bài bản
nhẹ nhàng, vui tươi để các em có dịp làm quen với làn điệu cổ truyền.
- Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể
thao huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch mở lớp dạy Đờn ca tài tử và sử
dụng các nhạc cụ dân tộc cho đối tượng thanh thiếu niên.
- Thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan,
giao lưu trình diễn nhạc cụ dân tộc và Đờn ca tài tử tại địa phương.
3.3. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa
học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc bảo tồn Nghệ
thuật Đờn ca tài tử như: hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy,
trình diễn…; bước đầu thí điểm đưa Đờn ca tài tử
thành một môn học ngoại khóa trong các cơ sở đào tạo của tỉnh.
- Ưu tiên quan tâm công tác sưu tầm và nghiên cứu
về Nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm hệ thống, biên soạn thành tài liệu chính thống,
góp phần bảo tồn, lưu truyền và tiếp tục phát triển loại hình này.
- Huyện, thị xã, thành
phố xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử của địa
phương theo hướng phát huy tính xã hội hóa, tạo tiền đề cơ sở vật chất đáp ứng
nhu cầu sinh hoạt định kỳ và các hoạt động hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa;
khuyến khích tổ chức và cá nhân dạy và học Đờn ca tài tử.
3.4. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài Tổ của Đờn ca
tài tử, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội có liên quan đến Nghệ thuật
Đờn ca tài tử Nam Bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù
hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ
trong cuộc sống đương đại.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù đối
với các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy Đờn ca tài tử; thường xuyên
duy trì mối liên kết giữa các Câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh để thống nhất
phương pháp truyền dạy và có kế hoạch tập huấn cho các nghệ nhân nhằm nâng cao
chất lượng giảng dạy.
- Thành lập và phát triển các đội, nhóm, Câu lạc
bộ Đờn ca tài tử và tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn; chú trọng
đến hoạt động sáng tác lời mới, bồi dưỡng tài năng thông qua phong trào Đờn ca
tài tử tại các địa phương.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp Trường Nghiệp
vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du
lịch nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập, tạo điều kiện
nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng, ươm mầm và phát triển tài
năng trẻ trong hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và Đờn ca tài tử nói
riêng.
3.5. Định kỳ tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về Nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục ý thức tiếp cận
và mức độ cảm thụ Đờn ca tài tử Nam Bộ đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ:
Huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp,
liên kết, phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ như: giao lưu gặp mặt giữa
các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tiêu biểu, Liên hoan Đờn ca tài tử của địa phương
hàng năm; tổ chức trưng bày, giới thiệu những tài liệu hiện có của Đờn ca tài
tử; tổ chức thi sáng tác những bài bản mới về Đờn ca tài tử; khuyến khích giới
trẻ tham gia luyện tập các bài bản tài tử mới sáng tác, các bài bản tài tử có
nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và con người Hậu Giang…
3.6. Nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành chính
sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử có nhiều đóng góp
trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
- Xây dựng chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, nghệ
sĩ, người có công bảo vệ, phát huy bộ môn Nghệ thuật Đờn ca tài tử; hỗ trợ kinh
phí để duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ, nhóm, gia đình Đờn ca tài tử; hỗ
trợ kinh phí tổ chức liên hoan, giao lưu trình diễn và sáng tác Đờn ca tài tử;
khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng duy trì, phục hồi tập quán xã hội,
tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội
thảo về Đờn ca tài tử cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các nghệ nhân,
nghệ sĩ, các Câu lạc bộ và cộng tác viên, quần chúng Nhân dân nhằm nâng cao
nhận thức về Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
3.7. Tạo điều kiện để các nghệ nhân Đờn
ca tài tử có cơ hội giao lưu với các tỉnh, thành phố; thường xuyên tổ chức giao
lưu Đờn ca tài tử và Liên hoan Đờn ca tài tử các cấp trên địa bàn tỉnh và tham
gia Liên hoan Đờn ca tài tử khu vực và toàn quốc.
- Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các
Câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử và đưa hoạt động Đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại
các thiết chế văn hóa thể thao xã, Nhà văn hóa ấp; đồng thời, thực hiện công tác
xã hội hóa trong việc vận động xây dựng quỹ hỗ trợ Nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm
tạo điều kiện bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.
- Thực hiện có hiệu quả các hoạt động giao lưu văn
hóa giữa các địa phương và các đội, nhóm, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử; chú trọng
việc bảo tồn và phát huy giá trị các bài bản tài tử trong các hoạt động giao
lưu, hội thi, hội diễn.
- Duy trì việc tổ chức và tham gia Liên hoan Đờn
ca tài tử định kỳ các cấp trong tỉnh nhằm tạo sự gắn kết, giao lưu giữa các nghệ
nhân trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của không gian Nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
4. Kinh phí thực hiện:
Nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn hỗ trợ từ ngân sách
Trung ương, nguồn sự nghiệp văn hóa và ngân sách địa phương theo phân cấp ngân
sách.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:
Xây dựng kế hoạch, định hướng nội dung tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và
giá trị to lớn của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của
các tổ chức và cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của loại
hình nghệ thuật độc đáo này.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh:
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên và Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc huyện, thị xã, thành phố tích cực tham gia phối hợp và tổ chức
triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và
Nhân dân hưởng ứng tích cực các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị
của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan
nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và ban hành chế độ chính sách đãi ngộ cho
nghệ nhân Đờn ca tài tử; định kỳ lập danh sách phong
tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân có nhiều
đóng góp trong phong trào Đờn ca tài tử của địa phương, trình cấp có thẩm quyền
xem xét, phong tặng.
- Hàng năm mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho Nghệ
nhân đờn và Nghệ nhân ca nhằm để bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca
tài tử của địa phương.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế
hoạch thí điểm đưa bộ môn Nghệ thuật Đờn ca tài tử vào giảng dạy tại các chương
trình ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh; đồng thời, có kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghệ nhân có khả năng truyền dạy bộ môn này.
- Xây dựng nội dung tuyên truyền sâu rộng với nhiều
hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành,
các tổ chức hội đoàn thể và cộng đồng dân cư về bảo tồn và phát huy giá trị của
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức hội đoàn thể đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử vào nội dung sinh hoạt
thường xuyên của các hội đoàn thể, xem đây là một trong những nội dung hoạt
động của tổ chức đoàn thể hàng năm.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu, Liên hoan Đờn
ca tài tử hàng năm ở cấp cơ sở, cấp huyện, tỉnh và đánh giá kết quả hoạt động
phong trào Đờn ca tài tử tại các địa phương.
4. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở
Tài chính, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm
quyền ban hành quy định về chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử
đúng theo quy định. Thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét, khen thưởng, biểu dương
tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát huy
giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Phối hợp với Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch thí điểm giảng dạy Đờn ca tài tử
trong các chương trình ngoại khóa các trường học trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức thông
tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cá
nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.
7. Sở Tài chính:
Hàng năm cân đối ngân sách và phối
hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo quy
định.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Thường xuyên xây dựng chương trình
phát thanh, truyền hình tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và công tác bảo vệ, phát
huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
9. Báo Hậu Giang:
Mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền
về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghệ thuật Đờn ca tài
tử Nam Bộ trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại; cử phóng viên đưa tin, phản ánh, tuyên truyền
về ý nghĩa, giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
10. Tỉnh Đoàn Hậu Giang:
Tổ chức tuyên truyền, phát động đến
toàn thể đoàn viên, thanh niên về ý nghĩa và giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài
tử. Chỉ đạo các đơn vị đoàn trực thuộc huy động lực
lượng đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia tập luyện và cổ vũ các hoạt động
bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử; vận động đoàn viên, thanh
niên tập luyện ca vọng cổ, bản Dạ cổ hoài lang và từ 01 - 02 bài bản trong 20
bài Tổ Đờn ca tài tử; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu, liên hoan
Đờn ca tài tử trong lực lượng đoàn viên, thanh niên.
11. UBND huyện, thị, thành phố:
- Chỉ đạo đơn vị trực thuộc và xã,
phường, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động về Đờn ca
tài tử nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.
Tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa
bàn về ý nghĩa, giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng đoàn viên, thanh
thiếu niên và Nhân dân tích cực tham gia tập luyện và cổ vũ các hoạt động Đờn
ca tài tử.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu, liên hoan Đờn ca tài tử hàng năm tại
cấp xã và cấp huyện nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử
Nam Bộ của địa phương; đánh giá kết quả hoạt động phong trào Đờn ca tài tử tại
địa phương và biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều
đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài
tử tại địa phương.
- Thường xuyên
chỉ đạo việc duy trì sinh hoạt, tập luyện của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại
địa phương; xây dựng các câu lạc bộ Đờn ca tài tử đảm bảo chất lượng, đặc biệt
là chú ý chăm bồi cho nghệ nhân nữ và nghệ nhân trẻ tuổi.
Trên đây là Đề án “Bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn
tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020”. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc vượt thẩm quyền, các ngành, đơn vị, địa phương tổng
hợp, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh xem xét, kịp thời
chỉ đạo./.