Quyết định 2129/QĐ-UBND năm 2017 về Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2021

Số hiệu 2129/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/07/2017
Ngày có hiệu lực 13/07/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2129/QĐ-UBND

An Giang, ngày 13 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2017-2021

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ”;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1156/TTr-TTr-SVHTTDL ngày 15 tháng 6 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2021” (kèm theo Đề án số 1309/ĐA-SVHTTDL ngày 10/7/2017 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Đề án này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1309/ĐA-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 7 năm 2017

 

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2017– 2021

PHẦN THỨ NHẤT

SỰ CẦN THIẾT VÀ CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng đề án:

Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo mang đậm tính đặc trưng dân gian của vùng đất Nam Bộ. Qua thời gian, Đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ, góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc hành trình ấy, người dân Nam Bộ, trong đó có An Giang đã góp phần xứng đáng để Đờn ca tài tử Nam Bộ giữ được những giá trị quý giá.

Ngày 11/02/2014, Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây không chỉ là niềm tự hào của Nam Bộ nói chung mà còn là niềm tự hào của các tỉnh, thành phố hiện còn đang lưu giữ loại hình nghệ thuật này, trong đó có An Giang. Đây là cơ hội rất lớn để quảng bá loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử rộng rãi ra thế giới, góp phần phát triển văn hóa, du lịch của từng địa phương. Trách nhiệm đặt ra cho những người làm công tác quản lý là có phương án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử, tiếp tục phát triển, lan tỏa, xứng đáng với vị trí, vai trò trong đời sống văn hóa tinh thần của người Nam bộ, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Trước những yêu cầu và vị thế mới, Đờn ca tài tử tỉnh An Giang cần những nguồn lực mới, cần sự đầu tư đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của Nhà nước và toàn xã hội, để Đờn ca tài tử vừa được bảo vệ, vừa được phát triển mà vẫn giữ được những giá trị nghệ thuật, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.

Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017- 2021 là việc làm cần thiết và mang tầm chiến lược nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.

II. Căn cứ xây dựng đề án:

1. Căn cứ pháp lý xây dựng đề án:

- Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009 của Quốc hội khóa 12.

[...]