Quyết định 166/2008/QĐ-TTg điều chỉnh địa giới và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 166/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/12/2008
Ngày có hiệu lực 09/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 166/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI VÀ BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH ĐỒNG THÁP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng tháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ranh giới địa lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp được xác định như sau:

1. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia với các khu chức năng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất theo các quy định hiện hành bao gồm hạ tầng kinh tế - xã hội và chính sách, cơ chế quản lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường.

2. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp có diện tích tự nhiên toàn khu vực (sau khi điều chỉnh địa giới) là 319,36 km2, với 48,7 km đường biên giới, có hai cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu quốc tế Thường Phước, cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, và 5 cửa khẩu phụ gồm: Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú. Bao gồm 11 xã và 2 thị trấn sau: Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc, Thường Thới Tiền, Tân Hội, Bình Thạnh (thuộc huyện Hồng Ngự), Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình (thuộc huyện Tân Hồng) và 2 thị trấn Hồng Ngự và thị trấn Sa Rày.

Ranh giới địa lý được xác định như sau:

- Phía Bắc tiếp giáp: tỉnh Prây Veng – Campuchia;

- Phía Nam tiếp giáp: các xã thuộc huyện Hồng Ngự và Tân Hồng;

- Phía Tây tiếp giáp: huyện Phú Châu, tỉnh An Giang, ngăn cách qua sông Tiền;

- Phía Đông tiếp giáp: huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nganh Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 166/2008/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng chính phủ)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Mục tiêu phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp

1. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp trở thành vùng kinh tế động lực, trung tâm liên kết kinh tế của các nước tiểu vùng sông Mêkông trên hành lang kinh tế Đông – Tây, trước hết trong quan hệ Việt Nam – Campuchia.

2. Xây dựng các khu trung tâm thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng tháp trở thành đô thị biên giới, khai thác có hiệu quả các điều kiện về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong quá trình giao lưu kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan tỏa của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông, trước hết giữa Việt Nam với Campuchia trong tiến trình hội nhập.

[...]