Quyết định 1656/2006/QĐ-UBND về Chương trình Phát triển Dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010

Số hiệu 1656/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/07/2006
Ngày có hiệu lực 22/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Xuân Lý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1656/2006/QĐ-UBND

Huế, ngày 07 tháng7 năm 2006

 

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 49/2004/CT-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dịch vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 – 2010;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Phát triển dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 kể từ ngày từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1656/2006/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. Đánh giá chung giai đoạn 2001 – 2005:

Trong 5 năm qua (2001 – 2005), nền kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển theo chiều hướng tiến bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn (2001 – 2005) đạt 9,6%/năm (mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII từ 8 – 9%, mục tiêu của hội nghị giữa nhiệm kỳ là 10%), cao hơn mức tăng 6,3% của 5 năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Khu vực dịch vụ tăng bình quân 8,2%/năm (kế hoạch 7-8%) mặc dù thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,6%, nhưng đã đóng góp trong GDP của tỉnh từ 43-44 %/năm.

Khu vực dịch vụ Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng nhanh. Chất lượng dịch vụ được nâng lên đáng kể, thu hút nhiều lao động, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của dân cư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Loại hình dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, cơ sở vật chất một số ngành dịch vụ được đầu tư hiện đại về trang thiết bị công nghệ, mở rộng về quy mô, nhất là các dịch vụ tin học, bưu chính, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông vận tải,…

Khu vực dịch vụ giai đoạn 2001 – 2005 phát triển tập trung ở nhóm hoạt động có tính chất thị trường, chiếm tỷ trọng trong tổng GDP khu vực dịch vụ lên đến 75,6%, tiếp đến là nhóm hoạt động sự nghiệp (16,4%), nhóm hoạt động quản lý nhà nước (7,5%). Khu vực dịch vụ phát triển trên các lĩnh vực khách sạn nhà hàng, thương mại, vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc, tài chính ngân hàng thể hiện bởi một số chỉ tiêu cụ thể sau:

Tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội tăng bình quân 16,1%/năm; dịch vụ vận tải hàng hoá tăng 13,1%/năm, dịch vụ bưu chính viễn thông tăng bình quân 14%/năm; Tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 17,5%/năm, doanh thu du lịch tăng 23%/năm; Nguồn vốn huy động qua ngân hàng tăng bình quân 15-20%/năm.

Nhìn chung, ngành dịch vụ trong những năm qua ngày càng tăng trưởng hơn về quy mô và phong phú hơn về chủng loại. Nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của ngành.

Lĩnh vực du lịch đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, có sự phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng hoạt động; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường được chú trọng, đội ngũ lao động ngành du lịch được đào tạo, nâng cao chất lượng. Hoạt động du lịch nhân dân được mở rộng với nhiều loại hình du lịch phong phú như: nhà vườn, du lịch sinh thái, lễ hội, gắn du lịch với khôi phục ngành nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, thành công của 3 kỳ Festival mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch SARS, cúm gia cầm trong năm 2003, 2004, 2005 nhưng tổng lượt khách du lịch vẫn tăng bình quân 17,5%/năm, doanh thu du lịch tăng 23%/năm.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được tăng cường đáng kể. Đến nay, toàn ngành có 142 cơ sở lưu trú với tổng số buồng phòng là 4.200 phòng (năm 2001 là 2.464 phòng). Tổng lượt khách du lịch tăng khá với tốc độ tăng bình quân 17,5%, năm 2005 đạt 1.050.000 lượt khách), công suất sử dụng buồng phòng đạt cao hơn mức bình quân cả nước (67% so với cả nước là 50%). Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định ba khu vực trọng điểm phát triển du lịch bao gồm: cụm du lịch Huế và phụ cận, cụm du lịch Cảnh Dương - Bạch Mã – Lăng Cô và phụ cận, cụm du lịch A Lưới. Từ đó có chính sách thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động một số điểm như: suối nước nóng Mỹ An, Thanh Tân, suối Voi, Nhị Hồ, vườn quốc gia Bạch Mã, khu du lịch Lăng Cô, khu vui chơi giải trí Thiên An - Thuỷ Tiên; các cơ sở nhà hàng, khách sạn được đầu tư, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đón khách và các hội nghị Quốc tế. Tài nguyên du lịch văn hoá được giữ gìn, phục hồi, và khai thác tốt hơn. Trường Trung học Du lịch phát huy tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho cả khu vực miền Trung, đang tiếp tục được đầu tư mở rộng, tạo tiền đề cho việc nâng lên thành trường Đại học Du lịch.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng và chất lượng của ngành dịch vụ du lịch còn thấp. Dịch vụ du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Tiến độ xây dựng các công trình phục vụ du lịch còn chậm cả về cơ sở lưu trú, hạ tầng và các khu vui chơi giải trí nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Sự phối hợp giữa hai ngành Thương mại và Du lịch chưa đủ mạnh để phát triển du lịch mua sắm. Chưa có biện pháp triển khai mạnh kế hoạch liên kết tổ chức tour từ các tỉnh bạn đến Huế. Việc kết hợp giữa các Sở ngành có liên quan để phát triển loại hình văn hoá du lịch, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chưa mạnh, chưa đồng bộ nên chưa tạo được bước tiến mới cho các loại hình du lịch này.

Tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá du lịch chưa cao. Trình độ chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ hướng dẫn viên nói chung còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hướng dẫn khách du lịch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các dịch vụ vận tải công cộng nhờ có chính sách xã hội hoá nên có bước phát triển cả tuyến nội tỉnh và tuyến liên tỉnh. Phương tiện đi lại của nhân dân ở nông thôn, miền núi được cải thiện. Giao thông công cộng đã được chú trọng đầu tư chất lượng cao, đủ các loại hình phương tiện: xe buýt (15 chiếc), xe taxi (207 chiếc), xe khách (280 xe phục vụ trên 25 tuyến), vận tải khách theo hợp đồng (170 xe), xe vận tải hàng hóa (trọng tải dưới 2,5 tấn: 1043 xe, trọng tải dưới 10 tấn: 1453 xe, trọng tải trên 10 tấn: 299 xe; Xe bồn chở xăng dầu 61 xe) xích lô phục vụ du lịch, thuyền rồng (100 chiếc). Nhờ đó, khối lượng vận chuyển hàng hoá và hành khách tăng nhanh qua các năm, hành khách luân chuyển tăng bình quân 3,1%/năm, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 13,1%/năm.

[...]