Quyết định 163-CP năm 1977 về cơ cấu tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 163-CP
Ngày ban hành 16/06/1977
Ngày có hiệu lực 01/07/1977
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ vào bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế đã ban hành kèm theo nghị định của Hội đồng Chính phủ số 172-CP ngày 1-11-1973;
Xét đề nghị của đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 21 tháng 4 năm 1977.

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác phát hành tiền, quản lý tiền mặt và điều hòa lưu thông tiền tệ, quản lý tín dụng và thanh toán trong nước, ngoài nước, quản lý ngoại hối và quản lý quỹ ngân sách Nhà nước; đồng thời là một tổ chức kinh tế thống nhất quản lý kinh doanh tín dụng, tiết kiệm, vàng bạc, kim khí, đá quý, ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước có tư cách pháp nhân và hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế toàn ngành, có vốn do Nhà nước cấp, có bảng quyết toán toàn ngành.

Điều 2. Ngân hàng Nhà nước quản lý tập trung thống nhất toàn ngành trong phạm vi cả nước về các mặt chính sách, pháp quy, kế hoạch và nghiệp vụ, tổ chức, biên chế, cán bộ, quỹ lương, tài sản và vật tư kỹ thuật; vốn xây dựng cơ bản, các quỹ chuyên dùng và kinh phí hành chính, sự nghiệp.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước gồm có:

1. Các tổ chức quản lý kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước:

a) Các Ngân hàng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp chuyên trách về công tác tín dụng, kiểm soát việc thanh toán, quản lý tiền mặt, chỉ tiêu quỹ tiền lương và chấp hành kỷ luật tài chính đối với các tổ chức kinh tế và các ngành kinh tế được phân công.

Các Ngân hàng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp chỉ đạo các ngân hàng Nhà nước tỉnh, huyện về nghiệp vụ kinh doanh, và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công để bảo đảm yêu cầu hạch toán kinh tế toàn ngành.

b) Hệ thống quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa (bao gồm quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa trung ương, các quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa tỉnh, thành phố, huyện, quận, khu phố, thị xã) chịu trách nhiệm huy động tiền gửi tiết kiệm, từng bước mở rộng việc cho vay một số nhu cầu trong đời sống của nhân dân lao động và làm một số công tác khác do Ngân hàng Nhà nước giao.

Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa thực hiện hạch toán kế toán riêng, toàn hệ thống nằm trong hạch toán toàn ngành của Ngân hàng Nhà nước.

c) Hệ thống Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (bao gồm Ngân hàng ngoại thương trung ương và các chi nhánh đặt tại một số thành phố và cảng lớn do Nhà nước quy định) là một pháp nhân, chịu trách nhiệm quản lý và kinh doanh về ngoại tệ, tín dụng và thanh toán đối ngoại.

2. Các tổ chức của Ngân hàng Nhà nước trung ương gồm có:

- Vụ kinh tế và kế hoạch;

- Vụ kinh tế ngoại tệ;

- Vụ phát thanh – lưu thông tiền tệ;

- Vụ kế toán và quản lý quỹ ngân sách Nhà nước;

- Vụ tổ chức và cán bộ;

- Văn phòng;

- Ban thanh tra;

- Cục quản lý kho quỹ;

- Cục tài vụ và xây dựng cơ bản;

- Viện nghiên cứu kinh tế tiền tệ, tín dụng và ngân hàng;

- Trường cao đẳng nghiệp vụ Ngân hàng;

- Các trường trung học nghiệp vụ thuộc diện quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

[...]