Quyết định 162/QĐ-UB năm 1981 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các Ban quản lý thị trường thành phố, Ban quản lý thị trường quận, huyện và các Đội kiểm soát và quản lý thị trường do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 162/QĐ-UB
Ngày ban hành 10/08/1981
Ngày có hiệu lực 10/08/1981
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Đình Nhơn
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 162/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CÁC BAN QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG THÀNH PHỐ, BAN QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG QUẬN, HUYỆN VÀ CÁC ĐỘI KIỂM SOÁT VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Để tổ chức tốt quyết định 312/CP ngày 01 tháng 10 năm 1980 của Hội đồng Chánh phủ về tăng cường quản lý thị trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cần phải kiện toàn các Ban Quản lý thị trường thành phố và các Ban Quản lý thị trường quận, huyện và các Đội Kiểm soát quản lý thị trường;
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Thương nghiệp và Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban Quản lý thị trường thành phố :

Ban Quản lý thị trường thành phố là cơ quan kết hợp các ngành chức năng giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường trên phạm vi toàn thành phố.

Ban Quản lý thị trường thành phố có nhiệm vụ và quyền hạn chính sau đây:

1) Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các chủ trương, biện pháp cụ thể hoá chủ trương, chánh sách của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý thị trường vận dụng vào tình hình của thành phố.

2) Xây dựng trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định các kế hoạch, biện pháp tổ chức và quản lý thị trường, quản lý các đối tượng đang kinh doanh hoạt động trên thị trường, quản lý nguồn hàng và giá cả trong từng thời gian và trên từng địa bàn khu vực.

3) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định các kế hoạch tuyên truyền giáo dục cho mọi người thông suốt các chủ trương, chánh sách quản lý thị trường của Nhà nước. Soạn thảo các tài liệu tuyên truyền giáo dục tiểu thương và những người làm nghề sửa chữa, dịch vụ, giúp cho họ hiểu biết và tự giác chấp hành chủ trương chánh sách quản lý thị trường.

4) Được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền chủ trì tổ chức việc phối hợp các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, các quận, huyện đặc biệt là việc phối hợp của các cơ quan Công an, Hải quan, Thuế để tổ chức lực lượng theo dõi, điều tra, đấu tranh với bọn buôn lậu, bọn đầu cơ và các hành vi phi pháp: sản xuất hàng giả, móc ngoặc moi hàng hoá, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu của Nhà nước.

5) Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, củng cố kiện toàn và kiểm tra hoạt động các Ban Quản lý thị trường quận, huyện và các Đội kiểm soát và quản lý thị trường.

6) Kiểm tra đôn đốc các quận, huyện và các ngành thực hiện tốt chủ trương, chánh sách, biện pháp, kế hoạch thống nhất về quản lý thị trường, tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình quản lý thị trường toàn thành phố phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

7) Nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý những vụ vi phạm chánh sách quản lý thị trường có giá trị hàng hoá từ 10.000đ trở lên.

Văn phòng Ban Quản lý thị trường thành phố là bộ máy giúp việc cho Ban Quản lý thị trường, biên chế tinh, gọn, gồm những cán bộ có trình độ am hiểu về công tác phân phối lưu thông, có khả năng nghiên cứu tổng hợp tình hình kiểm tra, phát hiện những sai lệch và truyền đạt chủ trương chánh sách. Văn phòng Ban Quản lý thị trường thành phố đặt tại trụ sở Sở Thương nghiệp, kinh phí hoạt động tính chung vào kinh phí cơ quan Sở Thương nghiệp.

Điều 2. Ban Quản lý thị trường quận, huyện

Ban Quản lý thị trường quận, huyện là cơ quan kết hợp các ngành chức năng của quận, huyện giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường trên địa bàn quận, huyện.

Ban Quản lý thị trường quận, huyện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1) Nghiên cứu cụ thể hoá các chủ trương biện pháp của Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý thị trường thành chủ trương, kế hoạch, biện pháp cụ thể để Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định thi hành thống nhất trên địa bàn quận, huyện, triển khai đến tận phường, xã, các chợ, các đầu mối buôn bán trong quận, huyện.

2) Nghiên cứu đề xuất để Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định tổ chức lại hợp lý thuận tiện hoạt động mua bán, kinh doanh, dịch vụ ở các chợ, các đường phố, các đầu mối giao thông trên địa bàn quận, huyện, nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chiếm lĩnh thị trưòng, hạn chế và kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của tư thương, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu thương và tư nhân kinh doanh dịch vụ.

3) Phối hợp với Ban Vật tư – Thương nghiệp – đời sống bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ủy ban nhân dân phường, xã, Ban quản lý các chợ về công tác tổ chức thực hiện quản lý thị trường trong phạm vi chức năng, quyền hạn của chánh quyền phường, xã và Ban quản lý chợ.

4) Tổ chức giáo dục tiểu thương, giáo dục những người làm nghề sửa chữa, dịch vụ về chánh sách quản lý thị trường để họ tự giác chấp hành.

Được Ủy ban nhân dân quận, huyện ủy quyền, chủ trì tổ chức việc phối hợp giữa Đội Kiểm soát và quản lý thị trường quận, huyện với các cơ quan thuế, Công an, Ủy ban nhân dân các phường, xã, các Ban quản lý chợ trong công tác kiểm tra giám sát thường xuyên việc chấp hành điều lệ đăng ký kinh doanh, điều lệ thuế công thương nghiệp và các chánh sách quản lý thị trường khác.

5) Trực tiếp tổ chức, quản lý và chỉ đạo hoạt động của Đội Kiểm soát và quản lý thị trường quận, huyện. Phối hợp với các ngành hữu quan và các phường, xã tiến hành theo dõi điều tra đấu tranh với các ổ đầu cơ tích trữ, buôn lậu, nâng giá bất hợp pháp và các hành động phi pháp: sản xuất hàng giả, móc ngoặc moi hàng hoá, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu của Nhà nước, trốn thuế và các hành động vi phạm chánh sách quản lý thị trường khác (như quyết định trong điều 3 quyết định 312/CP ngày 01 tháng 10 năm 1980 của Hội đồng Chánh phủ về tăng cường quản lý thị trường.

6) Tổ chức tạm giữ hàng hoá trái phép, nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định xử lý những vi phạm chánh sách quản lý thị trường có giá trị hàng hoá dưới 10.000 đồng trở xuống, đôn đốc các cơ quan có chức năng tiếp nhận hàng hoá bị xử lý, thanh toán tiền hàng nộp ngân sách Nhà nước.

7) Giám sát hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh tế trên điạ bàn quận, huyện, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các hành động vi phạm chánh sách quản lý thị trường.

8) Kiểm tra đôn đốc các ngành của quận, huyện các phường, xã thực hiện tốt các chủ trương, chánh sách, biện pháp kế hoạch thống nhất về quản lý thị trường. Tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình quản lý thị trường trên địa bàn quận, huyện cho Ủy ban nhân dân quận, huyện và cho Ban Quản lý thị trường thành phố.

[...]