Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1608/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh An Giang năm 2019

Số hiệu 1608/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/07/2018
Ngày có hiệu lực 10/07/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Quang Thi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1608/QĐ-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH AN GIANG NĂM 2019

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2532/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-Ctr/TU ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Theo nội dung hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 4208/BKHCN-KHTC ngày 14/12/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2019;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 681/TTr-SKHCN ngày 29 tháng 06 năm 2018 về việc phê duyệt Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh An Giang năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh An Giang năm 2019, với các nội dung cụ thể như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

I. Tình hình thực hiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ:

Năm 2017, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2532/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 28/02/2013 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hoạt động tổ chức hội đồng xác định danh mục, nội dung nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã hoàn thành theo đúng kế hoạch, đến ngày 31/12/ 2017 cơ bản các đề tài, dự án cấp tỉnh được xét duyệt nội dung đạt 100% (ngoài 06 chương trình trọng điểm theo Quyết định số 2532/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt), tỉnh cũng đã phê duyệt chương trình thứ 7: “Định hướng nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang theo hướng là một trong những trung tâm về nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế và du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2017 - 2018 được xây dựng đúng hạn, góp phần đảm bảo quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2017-2018 đúng tiến độ. Các đề tài, dự án được chọn mang tính cấp thiết cao, có khả năng áp dụng vào thực tế, tập trung vào các vấn đề trọng tâm của Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 và Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 28/02/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Kết quả: Tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện 188 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (95 nhiệm vụ cấp tỉnh[1], 93 nhiệm vụ cấp cơ sở[2]) nhằm tăng cường ứng dụng các mô hình dịch vụ và công nghệ sản xuất liên quan đến cơ giới hóa, tự động hóa, trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh hóa học, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, sản xuất hiệu quả hơn và tăng thu nhập cho nông dân. Một số kết quả các nhiệm vụ KH&CN nổi bật là cơ sở để người dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất góp phần tăng hiệu quả sản xuất của người dân như:

1. Lĩnh vực nông nghiệp: Xây dựng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thị xã Tân Châu và huyện Tịnh Biên; chọn tạo thành công 02 dòng lúa nếp có khả năng chống chịu đổ ngã, ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt cho huyện Phú Tân; xây dựng thành công mô hình mẫu về giải pháp kỹ thuật hồ chứa nước thủy lợi vùng cao cho 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; lắp đặt thành công hệ thống cảm biến cảnh báo môi trường nước cho vùng nuôi tôm xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn; tuyển chọn cây đầu dòng các giống cây ăn quả: chúc, xoài thanh ca đen và mãng cầu ta, cây giống nhãn Mỹ Đức tốt và sầu riêng Núi Cấm; tạo ra cây giống rau sạch bệnh, giảm lượng hao hụt cây con từ 10% xuống còn 3% tại khâu gieo ươm, hạ giá thành sản xuất giống do cơ giới hóa, tự động hóa, trồng thử nghiệm thành công cây dưa leo bằng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp nuôi ong thụ phấn trong nhà lưới tại xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành) cho năng suất cao gấp hai lần trồng trong nhà lưới không có nuôi ong, góp phần bảo vệ thiên địch, hạn chế sử dụng thuốc BVTV; nghiên cứu sử dụng thành công chế phẩm EM bổ sung vào đệm lót hoặc bổ sung vào thức ăn cho gà giúp gia tăng tỷ lệ sống, tăng hiệu quả trong quá trình nuôi của người dân;…

2. Lĩnh vực du lịch: Đã xây dựng mô hình du lịch sinh thái cho khu vực lòng hồ Tân Trung - Vàm Nao huyện Phú Tân; mô hình bảo tồn đa dạng thực vật tại xã Mỹ Hòa Hưng. TP. Long Xuyên; mô hình du lịch homestay trong cộng đồng người Khmer kết hợp làng nghề cho huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; các mô hình cây ăn quả phục vụ du lịch tại Núi Cấm, Núi Sam và Núi Sập; tour du lịch mùa nước nổi kết hợp văn hóa Chăm tại Búng Bình Thiên huyện An Phú;…

3. Phát triển dược liệu: Định danh được các loài cây dược liệu như ngải trắng, ngải bún, sầu đâu, cà gai leo; tìm được công thức ly trích tinh dầu tối ưu từ lá và vỏ quả chúc; xác định tính kháng viêm từ tinh dầu chúc; hạ đường huyết từ cao chiết lá sầu đâu có tác dụng bảo vệ gan, tăng lực, ổn định đường huyết, hạ lipid máu và năng nội tiết tố sinh dục nữ từ cao và viên nang lá cây chùm ngây; sưu tập 80 giống và chọn lọc 10 giống dược liệu có tiềm năng ở An Giang để phục vụ công tác bảo tồn và nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật, giâm cành, khí canh, xây dựng 01 vườn ươm trồng thử nghiệm các giống dược liệu tại huyện Tịnh Biên diện tích 1.000 m2; …

4. Khoa học môi trường và kỹ thuật công nghệ: Đã xây dựng thành công hệ thống cảnh báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, hệ thống dự báo nhu cầu giáo viên phổ thông và đào tạo nghề cho tỉnh; sản xuất máy cấy lúa hoạt động đạt công suất 0,35 ha/giờ (03 ha/ngày), chi phí cấy máy giảm ít nhất 40% so với cấy lúa bằng tay (tính trên ha), lượng giống cấy máy giảm ít nhất 25% so với cấy tay và sạ hàng, ruộng cấy máy có tỷ lệ mạ sống đạt ít nhất 95% và năng suất lúa cao hơn hoặc bằng năng suất trung bình của địa bàn cấp xã sử dụng mạ cấy bằng tay,..

Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Một số kết quả nghiên cứu và hướng phát triển dược liệu tỉnh An Giang (90 đại biểu trong tỉnh, các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu và 02 chuyên gia Trường Đại học RMITc tham dự). Hội thảo có 25 bài tham luận của các chuyên gia, các chuyên gia chỉ ra một số hạn chế và đề xuất hướng phát triển của cây dược liệu tỉnh An Giang.

Thực hiện Kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh An Giang đã dần thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp; phong trào năng suất chất lượng ở tỉnh An Giang đã được thúc đẩy hình thành và phát triển. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nhiều doanh nghiệp đã có sự nhận thức cơ bản về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của đơn vị mình. Một số doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình như: hỗ trợ kinh phí tham gia xây dựng áp dụng HTQLCL và công cụ cải tiến năng suất. Điều này đã khích lệ động viên doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ của đơn vị.

Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh An Giang đã góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh. Năm 2017 đã hướng dẫn thủ tục đăng ký 69 nhãn hiệu, 02 kiểu dáng, 08 sáng chế, 01 giải pháp hữu ích, gia hạn 09 nhãn hiệu và hướng dẫn thay đổi địa chỉ kinh doanh cho 01 nhãn hiệu;

Về xác lập quyền sở hữu công nghiệp: Nhìn chung tổ chức, cá nhân đã quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, không chỉ là nhãn hiệu, đặc biệt bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích. Qua hướng dẫn, cung cấp thông tin về xác lập quyền mà tổ chức, cá nhân tránh được tình trạng sử dụng dấu hiệu trùng lắp, tương tự với nhãn hiệu, kiểu dáng hay sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích của người khác để đăng ký; hạn chế được tình trạng tranh chấp và cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho các sản phẩm nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030: Rà soát các tiêu chí từng sản phẩm nông nghiệp từ trồng, sản xuất, chế biến, ... theo tiêu chuẩn đã ban hành nhằm bổ sung hoàn chỉnh nội dung theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận An Giang và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận An Giang.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ đối với các thiết bị X quang y tế có nhiều chuyển biến, đa số cơ sở X quang y tế đã tiếp cận được quy định của pháp luật về quản lý an toàn bức xạ nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người vận hành và nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ và an toàn bức xạ được triển khai và phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao an toàn việc sử dụng thiết bị X quang trong chẩn đoán bệnh. Năm 2017 thẩm định và cấp 22 giấy phép tiến hành công việc bức xạ, 11 quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp cơ sở, 17 chứng chỉ viên bức xạ; cấp 40 giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Kết quả thực hiện 08 cuộc thanh tra chuyên ngành cho thấy tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng năm 2017 giảm nhiều so với năm 2016 (năm 2017: 06/110 cơ sở, năm 2016: 29 vụ/164 cơ sở). Các nội dung vi phạm phát hiện chủ yếu: về đo lường taximet xe taxi; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; phương tiện đo nhóm 2 và an toàn bức xạ; tiêu chuẩn, chất lượng và nhãn hàng hóa trong kinh doanh thiết bị điện, điện tử, đồ chơi trẻ em và mũ bảo hiểm; kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (cân, nhiệt kế, huyết áp kế, máy đo điện tim). Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng, đây là lĩnh vực mới tổ chức thanh tra lần đầu, do đó cần tiếp tục duy trì công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời kết hợp chặt chẽ với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này tại địa phương.

Thực hiện 06 cuộc kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đối với hoạt động khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, tuy mới đưa vào thực hiện trong năm 2017 nhưng rất hiệu quả, đã phát hiện được một số hàng hóa không đạt chất lượng mà doanh nghiệp đã công bố, báo cáo kịp thời cho các đơn vị quản lý chuyên ngành để có biện pháp quản lý hiệu quả, ngăn chặn lượng hàng hóa kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc của các đơn vị sự nghiệp đang được đầu tư đổi mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và sản xuất các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.Trong hoạt động đã có sự chủ động, kịp thời gắn kết và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn và tổ chức, cá nhân có nhu cầu để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm; phối hợp chặt chẽ với các Viện, trường trong hoạt động tư vấn, thẩm định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Công tác xây dựng cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện; theo đó năm 2017, tỉnh đã ban hành 07 văn bản, đến tháng 5/2018 ban hành 10 văn bản về lĩnh vực khoa học và công nghệ (phụ lục 1).

[...]