Quyết định 16/2008/QĐ-UBND về phân công, phân cấp quản lý hệ thống đường giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 16/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/09/2008
Ngày có hiệu lực 20/09/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Chí Thức
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2008/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 10 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 476/TTr-SXD ngày 20 tháng 8 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân công, phân cấp quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La như sau:

1. Phạm vi áp dụng

Phân công, phân cấp hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống đường trong đô thị, để nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác sử dụng đúng mục đích và đảm bảo mỹ quan đô thị.

 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng đường đô thị thuộc địa giới hành chính đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Thông tư số 04/2008/TT-BXD, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và quyết định phân công, phân cấp này.

Điều 2. Trách nhiệm quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La

1. Sở Xây dựng Sơn La: Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về hệ thống đường đô thị trên địa bàn bao gồm toàn bộ phần đường bộ nằm trong phạm vi địa giới hành chính đô thị, được giới hạn bởi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

a) Đầu mối tổng hợp, hướng dẫn lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp mở rộng và phát triển đường đô thị.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành có liên quan trong việc lập quy hoạch xây dựng đô thị, mạng lưới giao thông đô thị đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của các ngành.

c) Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc quản lý, bảo trì, khai thác sử dụng hệ thống đường đô thị. Quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và công tác quy hoạch xây dựng đô thị theo thẩm quyền.

2. Sở Giao thông vận tải

a) Tham gia hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch về phát triển đường giao thông đô thị phù hợp tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị.

b) Trực tiếp thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng đường đô thị và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn theo thẩm quyền. Quản lý bảo trì đường đô thị theo thẩm quyền.

c) Phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch hàng năm cân đối kinh phí thực hiện kế hoạch bảo trì đường đô thị.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối kế hoạch vốn để đầu tư các tuyến đường đô thị theo quy hoạch phát triển của từng đô thị. Ưu tiên đầu tư các đô thị trọng điểm theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối kinh phí hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh để phục vụ cho công tác bảo trì đường đô thị.

[...]