Quyết định 1587/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, vùng lân cận giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng phát triển sau năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 1587/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/06/2011
Ngày có hiệu lực 27/06/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1587/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 27 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI, CÁC VÙNG LÂN CẬN GIAI ĐOẠN 2010 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SAU NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 33/2003/QĐ-TTg ngày 04/03/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 1099/TTr- SGTVT ngày 11/5/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các vùng lân cận giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng phát triển sau năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển:

a) Quan điểm:

- Phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt là giải pháp hữu hiệu nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, tạo nên một môi trường giao thông văn minh và hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm tai nạn và ô nhiễm môi trường.

- Mạng lưới vận tải khách công cộng (VTKCC) được quy hoạch phải đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân cả về mặt lượng và chất. Về lượng là cung phải cân đối với cầu trên các tuyến, đáp ứng yêu cầu đi lại của các tầng lớp nhân dân. Còn về chất là cung cấp cho người dân phương tiện đi lại được dễ dàng, tiện nghi, nhanh, rẻ, an toàn, kịp thời và thoải mái. Phải kết nối được các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh, các điểm tập trung dân cư, các KCN trên các hành lang vận tải và kết nối được tất cả các trung tâm huyện trong tương lai.

b) Mục tiêu phát triển:

- Kết quả đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm qua và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh những năm tới, cùng với sự hình thành các đô thị, thị tứ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tạo nên nhu cầu giao lưu đi lại của người dân đang ngày một tăng cao.

- Kinh nghiệm và hiệu quả đạt được của quá trình khai thác các tuyến vận tải hiện nay trên địa bàn của tỉnh sẽ là một trong những cơ sở để quy hoạch phát triển mạng lưới VTKCC nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai.

2. Quy hoạch mạng lưới tuyến VTKCC bằng xe buýt đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020:

a) Cơ sở hình thành các tuyến xe buýt:

Được tổ chức khi phát sinh nhu cầu đi lại cao của người dân ở các khu đô thị hoặc giữa các khu đô thị trên địa bàn tỉnh với nhau. Do vậy, các tuyến xe buýt chỉ nên tổ chức khi các khu dân cư, các đô thị đã phát triển. Các tuyến xe buýt được tổ chức phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho các đơn vị khai thác, hay nói cách khác phải đảm bảo đủ lượng hành khách có nhu cầu trên tuyến.

Quá trình phát triển mạng lưới VTKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xem xét theo các giai đoạn phát triển như sau:

- Giai đoạn từ nay đến năm 2015: Tập trung điều chỉnh, củng cố và phát triển mạng lưới hiện trạng. Đẩy mạnh việc cải tiến dịch vụ và nâng cao khả năng thu hút hành khách, tạo ra thói quen sử dụng xe buýt trong mục đích công việc hàng ngày của người dân.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Cùng với việc hình thành những khu - cụm công nghiệp, những tuyến đường mới và những điểm dân cư trên địa bàn tỉnh, tiến hành mở mới một số tuyến nối các điểm tập trung dân cư, hỗ trợ và chia sẻ mạng lưới vận tải đã quá tải khi đó. Đồng thời, bước đầu hình thành trạm thu hút và trung chuyển xe buýt tại Bến xe Dầu Giây.

- Định hướng phát triển sau năm 2020: Tiếp tục củng cố và phát triển những tuyến đã có, đồng thời mở mới một số tuyến nhằm hoàn chỉnh mạng lưới toàn tỉnh. Phấn đấu trong giai đoạn sau năm 2020, tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt đạt 13%.

b) Quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt đến năm 2015:

Tiếp tục khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ của 23 tuyến hiện có nhằm thu hút lượng hành khách cao hơn. Hiện tại các tuyến hoạt động ổn định, sản lượng hành khách theo thống kê đều có sự tăng trưởng hàng năm, bước đầu tạo được thói quen sử dụng xe buýt đối với người dân. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra trong giai đoạn này là phải cần tăng cường công tác quản lý và kiểm soát, cơ sở hạ tầng trên tuyến, đặc biệt là các trạm dừng, nhà chờ cũng cần được tỉnh quan tâm đầu tư. Ngoài ra, cũng cần phải rà soát và tổ chức lại các tuyến nhằm đảm bảo những quy hoạch mạng lưới xe buýt cũng như đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các đơn vị khai thác vận tải.

Đẩy mạnh chất lượng phục vụ của 23 tuyến hiện hữu; mở lại 02 tuyến đã hoạt động từ trước là tuyến số 20 (từ xã Bàu Hàm 1, huyện Trảng Bom đến Trạm xe Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch và tuyến số 17 (từ Bến xe Biên Hòa - đường Nguyễn Ái Quốc - Dốc Chú Hỏa - Dĩ An đến KDL Đại Nam, Bình Dương). Đồng thời, mở mới 07 tuyến trong đó có 03 tuyến lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân cụ thể như sau:

- Tuyến số 01 từ Trường Nguyễn Khuyến (phường Trảng Dài) - UBND phường Trảng Dài - đường Trảng Dài - đường Đồng Khởi - đường Nguyễn Ái Quốc - đường 30/4 - đường CMT8 - đường Hà Huy Giáp - đường Võ Thị Sáu - đường Phạm Văn Thuận - đường Trần Quốc Toản - đường Võ Hồng Phô - Xa lộ Hà Nội đến Trạm xe Siêu thị Big C.

- Tuyến số 23 đi từ Bến xe ngã tư Vũng Tàu, thành phố Biên Hòa đến xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

- Tuyến số 13 từ Bến xe Cẩm Mỹ - Quốc lộ 56 - đường ĐT. 764 đến Bến xe Sông Ray.

[...]