ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
154/2004/QĐ-UB
|
Vị
Thanh, ngày 16 tháng 9 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo và Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay, ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy
thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Hậu giang.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 52/2001/QĐ-UB ngày 01/8/2001 của UBND tỉnh Cần
Thơ về việc ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cần Thơ và
những quy định trước đây trái với nội dung Quyết định này.
Điều 3.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo,
Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND Thị xã Vị Thanh và các huyện, Thủ trưởng các cơ
quan và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- Bộ GD-ĐT
- Cục kiểm tra văn bản-BTP
- TT.TU, TT.HĐND, TT.UBND tỉnh
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, VP.TU
- MTTQ và các đoàn thể
- Các trường Đại học, Cao đẳng, THCN trên địa bàn tỉnh ( Đã ký )
- Phòng VBTT, Sở Tư pháp
- Lưu VP (2A, 4, LT)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
CHỦ TỊCH
Trịnh Quang Hưng
|
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo quyết định số: 154/2004/QĐ-UB ngày 16 tháng 9 năm 2004 của
ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Hoạt động dạy thêm là hoạt động giảng dạy ngoài giờ
chính khóa cho học sinh phổ thông; giảng dạy ôn luyện thi tốt nghiệp, tuyển
sinh các cấp học; giảng dạy các môn tin học, ngoại ngữ ngoài các cơ sở có chức
năng đào tạo chuyên ngành, nghề (gọi chung là đào tạo chuyên ngành).
Hoạt động dạy thêm bao gồm: dạy
thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông và dạy thêm theo nhu cầu
của người học có thu tiền. Đối với trường ngoài công lập (bán công, dân lập, tư
thục), hoạt động dạy thêm phải theo nguyên tắc phục vụ học sinh.
Điều 2.
Học thêm là nhu cầu của một bộ phận học sinh và gia
đình nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức. Việc học thêm phải đảm bảo là tự nguyện.
Nghiêm cấm việc phân biệt đối xử, lôi kéo, ép buộc học sinh học thêm dưới mọi
hình thức.
Cha mẹ học sinh có trách nhiệm
phối hợp với nhà trường và các thầy, cô giáo trong việc quản lý dạy thêm, học
thêm.
Điều 3.
Các tổ chức hoặc cá nhân mở lớp dạy thêm trong hay
ngoài trường học, theo nhu cầu người học có thu tiền phải có đủ điều kiện theo
qui định ở điều 2 và chỉ được hoạt động sau khi đăng ký và được cơ quan có thẩm
quyền cấp phép được đăng ký dạy thêm.
Các cấp quản lý giáo dục phối hợp
với Ban, ngành có liên quan kiểm tra các điều kiện theo Điều 8 của Quy định này
để xem xét cho phép mở lớp dạy thêm; quản lý thống nhất các lớp dạy theo nhu cầu
của người học có thu tiền do tổ chức hoặc cá nhân mở trong hoặc ngoài trường học
và cơ sở giáo dục khác (sau đây gọi tắt là trường học); tăng cường kiểm tra hoạt
động giảng dạy nhằm đảm bảo lợi ích của người học và trách nhiệm của người dạy;
xử lý những trường hợp hành nghề trái phép hoặc được phép mở lớp nhưng không đảm
bảo chất lượng giảng dạy, trình độ người dạy và cở sở vật chất theo nội dung đã
đăng ký.
Điều 4.
Tổ chức hoặc cá nhân mở lớp dạy thêm được hưởng các chính
sách ưu đãi và phải thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định tại Nghị
định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích
xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể
thao và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định nêu trên.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5.
Dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ
thông:
1. Việc phụ đạo cho học sinh yếu
kém và việc bồi dưỡng cho học sinh giỏi là trách nhiệm của giáo viên dạy chính
khóa sẽ được nhà trường phổ thông tổ chức theo từng khối, lớp phân công giáo
viên có kinh nghiệm giảng dạy.
2. Hiệu trưởng các trường có
trách nhiệm tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm, ôn thi tốt nghiệp cho học
sinh lớp 5 trong 1 tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 2 buổi (mỗi buổi 3 tiết);
cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trong hai tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 3
buổi. Hoạt động dạy thêm này được chi trả bằng nguồn kinh phí thêm giờ do nhà
nước cấp đối với bậc tiểu học, từ nguồn học phí đối với bậc Trung học cơ sở và
Trung học phổ thông.
3. Hiệu trưởng các trường chịu
trách nhiệm trực tiếp quản lý việc dạy thêm của giáo viên theo đúng quy định, đảm
bảo nguyên tắc phục vụ học sinh; không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất
cứ hình thức nào để thu tiền.
Điều 6.
Dạy thêm theo nhu cầu của người học trong và ngoài nhà
trường, cơ sở giáo dục dạy nghề.
1. Các lớp dạy thêm khác có thu
tiền theo chương trình phổ thông có từ 5 học sinh trở lên (dưới 5 học sinh được
coi là hình thức gia sư, kèm cặp nhưng cũng phải làm thủ tục xin đăng ký) do cá
nhân mở lớp ngoài nhà trường, chỉ được hoạt động sau khi đăng ký dạy thêm và được
cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký dạy thêm (trường tổ
chức mở lớp không phải làm đơn và phải báo cáo Sở) đồng thời chịu sự quản lý,
kiểm tra của của cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
2. Bậc tiểu học không được tổ chức
dạy thêm có thu tiền kể cả trong thời gian nghỉ hè. Các trường hợp giáo viên tiểu
học nhận trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình thì không
được biến thành lớp dạy thêm mà chỉ có thể hướng dẫn để học sinh tự học và phải
làm đơn đăng ký với Hiệu trưởng trường nơi giáo viên đang công tác và chịu sự
kiểm tra và quản lý không chỉ của cơ quan quản lý giáo dục địa phương mà còn của
chính quyền các cấp.
3. Các lớp dạy tin học ngoại ngữ
(Trung tâm) do cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng đào tạo chuyên ngành môn
học đó lập ra, phải đăng ký và được sự cho phép của Sở Giáo dục - Đào tạo, đồng
thời phải chịu sự kiểm tra, quản lý của Sở Giáo dục - Đào tạo.
4. Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm
quản lý và hạn chế việc cho phép giáo viên dạy thêm có thu tiền đối với học
sinh của giáo viên đó dạy chính khóa.
Chương III
ĐIỀU KIỆN HỌC THÊM, MỞ LỚP
DẠY THÊM VÀ NỘI DUNG DẠY THÊM
Điều 7.
Điều kiện học thêm và nội dung dạy thêm:
1. Cha mẹ học sinh tiểu học có
nhu cầu gửi con cho giáo viên trông nom ngoài giờ học, nếu gởi cho giáo viên
đang dạy con mình ở trường phổ thông thì phải làm đơn xin gởi Ban giám hiệu trường
xem xét giải quyết.
2. Tất cả học sinh trung học có
nhu cầu đều được quyền đăng ký học thêm ở những lớp (Trung tâm) dạy thêm được
các cấp quản lý giáo dục có thẩm quyền cho phép.
Trường hợp học sinh học thêm các
môn học ở các lớp do giáo viên dạy chính khóa mở ở trường học sinh đang học thì
phải có đơn xin do cha mẹ học sinh đứng tên gởi Ban Giám hiệu trường xem xét giải
quyết.
3. Nội dung dạy thêm nhằm củng cố
kiến thức mà học sinh đã và đang học, phát triển mở rộng những kiến thức đó và
rèn luyện kỹ năng vận dụng, ứng dụng thông qua việc hướng dẫn làm bài tập, luyện
tập.
Nghiêm cấm việc giảng dạy trước
chương trình môn học đó theo phấn phối chương trình năm học, hướng dẫn trước những
bài tập sẽ ra đề kiểm tra trong lớp và những biểu hiện phân biệt đối xử với những
học sinh không học thêm...
Điều 8.
Điều kiện mở lớp dạy thêm:
Người trực tiếp dạy thêm phải có
đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm theo quy đinh
cho từng cấp học, bậc học (tiểu học tốt nghiệp trung học sư phạm 12+2 trở lên;
Trung học cơ sở tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm (12+3) trở lên; Trung học phổ thông
tốt nghiệp Đại học sư phạm trở lên) và đối với những người có trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ chuẩn tin học ngoại ngữ (Cao đẳng tin học, ngoại ngữ hoặc tương
đương trở lên); đã trực tiếp giảng dạy ít nhất 3 năm (trường hợp chưa giảng dạy
môn tin học ngoại ngữ ở cở sở có chức năng đào tạo chuyên ngành thì phải có
trình độ đại học tin học, ngoại ngữ hoặc tương đương trở lên).
Nếu là giáo viên đang giảng dạy
phải được xếp loại toàn diện từ khá trở lên và được nhà trường xác nhận hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu là giáo viên đã nghỉ hưu, nghỉ việc phải được
UBND xã, phường, thị trấn xác nhận tư cách đạo đức và cơ quan y tế xác nhận về
tình trạng sức khỏe bình thường .
Nếu giáo viên mở lớp ngoài nhà
trường, cơ sở đào tạo chuyên ngành thì phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất: phòng lớp,
bàn ghế thoáng mát, vệ sinh tốt, đảm bảo ánh sáng, bàn ghế đúng quy cách và diện
tích theo quy định như trong trường phổ thông bình thường; phải đủ trang thiết
bị tối thiểu của một cơ sở đào tạo chuyên ngành (tin học, ngoại ngữ). Mỗi lớp dạy
thêm không quá 40 học sinh.
- Nếu giáo viên nhận trông nom học
sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình thì phải có đủ nơi ăn nghỉ
hợp vệ sinh (nếu học sinh có nhu cầu ăn nghỉ) và có đủ bàn ghế để học sinh tự học.
- Việc mở lớp ngoài phải đảm bảo
không ảnh hưởng đến địa phương về mọi mặt. Nhà trường cần cố gắng sử dụng tối
đa phòng, lớp trống để học sinh có nhu cầu được học thêm trong trường, hạn chế
dạy thêm ở nhà và có kế hoạch tổ chức quản lý chặt chẽ các lớp dạy thêm đảm bảo
chất lượng kể cả ngay trong thời gian nghỉ hè.
Chương IV
HỌC PHÍ VÀ QUẢN LÝ THU
CHI HỌC PHÍ
Điều 9.
Về thu học phí:
1. Không thu học phí đối với việc
phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi do nhà trường tổ chức.
Đối với dạy thêm ôn thi tốt nghiệp
các cấp do nhà trường tổ chức thực hiện thu trong phần học phí ngay từ đầu năm.
2. Đối với việc dạy thêm thường
xuyên, luyện thi dài hạn, ôn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên
nghiệp (theo chương trình phổ thông các cấp), tin học, ngoại ngữ:
- Học phí được tính trên cơ sở
chi phí thù lao cho người dạy cộng với 20% phí quản lý chia bình quân cho 40 học
sinh/lớp (đối với tin học chia cho 20 học sinh/lớp) thành học phí từng tháng hoặc
cả khóa học nhưng không quá 50.000đ/học sinh/tháng.
- Đối với luyện thi cấp tốc (30
ngày trở xuống) thù lao mỗi tiết dạy được nhân lên 1,5 lần.
3. Đối với giáo viên tiểu học nhận
trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, nếu có ăn nghỉ trưa
thì chi phí ăn nghỉ theo thỏa thuận giữa giáo viên và gia đình. Chi phí trông
nom học sinh (kể cả hướng dẫn học sinh tự học) theo thỏa thuận giữa giáo viên
và phụ huynh nhưng phải thông qua chính quyền địa phương và được sự thống nhất.
Điều 10.
Về thu tiền học thêm của học sinh trong nhà trường do Hiệu
trưởng tổ chức thông qua giáo viên dạy thêm hoặc tài vụ trường.
Đối với thu tiền học thêm của học
sinh ngoài nhà trường do cá nhân, cơ sở hoặc tổ chức thu và phải trích nộp quản
lý phí cho các cấp quản lý giáo dục (theo phân cấp).
Việc thu tiền thêm của học sinh
phải có sổ sách hạch toán thu chi đầy đủ rõ ràng.
Nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động
dạy thêm, học thêm để thu tiền sai quy định.
Điều 11.
Việc sử dụng học phí được thực hiện như sau:
1. Đối với các lớp dạy thêm trong
nhà trường:
- 80% chi thù lao cho giáo viên
trực tiếp giảng dạy.
- 20% trích nộp quản lý phí cho
quản lý dạy thêm. Chia ra:
. 10% chi khấu hao tài sản, mua
sắm tài liệu dạy thêm.
. 5% chi cho công tác quản lý, tổ
chức lớp học thêm, dạy thêm của trường.
. 5% chi phí điện, nước và phục
vụ dạy thêm.
. Nhà trường thống nhất quản lý
thu và chi quỹ học thêm, thanh quyết toán công khai trước cha mẹ học sinh.
2. Đối với các lớp (Trung tâm) dạy
thêm mở ngoài nhà trường:
- Trích nộp 5% tổng thu học phí
cho mỗi khóa học của lớp (Trung tâm) dạy thêm mở ngoài nhà trường cho cơ quan
quản lý theo phân cấp để phục vụ công tác quản lý, phối hợp kiểm tra việc dạy
thêm học thêm.
- Phần học phí còn lại (sau khi
trích nộp quản lý phí) chi cho thù lao giáo viên và các chi phí khác của hoạt động
dạy thêm.
Chương V
QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC
THÊM
Điều 12.
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý,
cho phép và kiểm tra các hoạt động dạy thêm sau:
- Các lớp dạy thêm theo nhu cầu
người học, mở trong hoặc ngoài nhà trường do giáo viên phổ thông dạy theo
chương trình trung học phổ thông.
- Các lớp do giảng viên, giáo
viên của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp mở trong hoặc ngoài
cơ sở đó để luyện thi tuyển sinh hoặc nâng cao kiến thức các môn học thuộc
chương trình trung học phổ thông.
- Các lớp tổ chức, cá nhân khác
(ngoài 2 nhóm lớp trên) mở để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện thi các môn học
thuộc chương trình trung học phổ thông.
- Các lớp (trung tâm) dạy tin học,
ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức (cơ quan đơn vị, cơ sở giáo dục) không có chức
năng đào tạo chuyên ngành môn học đó lập ra.
Điều 13.
Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện, thị quản lý, cho
phép mở lớp và kiểm tra các lớp (Trung tâm) dạy thêm trong và ngoài nhà trường
theo chương trình trung học cơ sở và tiểu học .
Điều 14.
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chịu trách
nhiệm tổ chức, quản lý việc dạy thêm học thêm trong trường thuộc phạm vi quản
lý và kết hợp với Sở, Phòng Giáo dục - Đào tạo kiểm tra các loại hình dạy thêm
trong và ngoài nhà trường do giáo viên của trường tổ chức. Hiệu trưởng các trường
tiểu học chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc tổ chức trông nom học sinh
ngoài giờ học của giáo viên thuộc trường theo quy định tại khỏan 1, điều 5,
chương II Quy định này.
Điều 15.
UBND và ban ngành các cấp có liên quan, các cơ sở giáo dục,
giáo dục nghề có giảng viên, giáo viên dạy thêm các lớp (Trung tâm) theo chương
trình phổ thông các cấp, dạy tin học, dạy ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức
không có chức năng đào tạo chuyên ngành đó lập ra có trách nhiệm phối hợp cùng
với Sở Giáo dục - Đào tạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo tăng cường quản lý, kiểm
tra việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn phụ trách, đồng thời chịu trách nhiệm
trước UBND tỉnh trong việc quản lý các lớp dạy thêm này.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16.
Tổ chức, cá nhân nào mở lớp dạy thêm nếu vi phạm các quy
định về dạy thêm, học thêm tại Quyết định này thì tùy theo mức độ bị xử phạt
hành chính hoặc bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 17.
Tất cả các lớp (Trung tâm) dạy thêm theo nhu cầu của người
học có thu tiền đang hoạt động trước khi ban hành Quyết định này chỉ được phép
hoạt động đến hết ngày 30/7/2004. Sau thời gian trên tất cả các lớp (Trung tâm)
dạy thêm có thu tiền đều phải đăng ký và khi được cấp quản lý giáo dục có thẩm
quyền cho phép mới được phép hoạt động.
Điều 18.
Các cấp quản lý phối hợp với ban, ngành có liên quan kiểm
tra các điều kiện theo điều 8 của quy định này để xem xét cho phép mở lớp dạy
thêm; quản lý thống nhất các lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền
do tổ chức hoặc cá nhân mở trong hoặc ngoài nhà trường và cơ sở giáo dục khác;
tăng cường kiểm tra hoạt động giảng dạy nhằm đảm bạo lợi ích của người học và
trách nhiệm của người dạy; xử lý những người hành nghề trái phép hoặc được phép
mở lớp nhưng không đảm bảo chất lượng giảng dạy, trình độ người dạy và cơ sở vật
chất theo đăng ký.
Sở Giáo dục- Đào tạo có trách
nhiệm phối hợp với các địa phương, các ngành có liên quan tiếp tục tổ chức triển
khai Chỉ thị 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và
hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh Hậu Giang./.