THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1537/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 08 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT NHỮNG ĐỊA ĐIỂM KHỞI NGHĨA YÊN THẾ TẠI TỈNH BẮC GIANG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm
2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng
6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng
9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản
văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng
9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt
quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam
thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng
01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tại Tờ trình số 182/TTr-BVHTTDL ngày 04 tháng 8 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy
giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại
tỉnh Bắc Giang với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên quy hoạch: Quy hoạch
tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang.
2. Mục tiêu quy hoạch
- Làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ di tích; xây dựng
các dự án về bảo tồn, tôn tạo di tích; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, năng
lực quản lý, bảo vệ di tích nhằm tôn vinh cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám
lãnh đạo, giáo dục truyền thống yêu nước, khai thác tiềm năng di tích phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa, tạo điều
kiện tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích, góp phần
nâng cao đời sống của nhân dân địa phương phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt tại Quyết định số 05/2009/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2009.
- Bảo vệ hiện trạng 23 điểm thuộc Di tích lịch sử
quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế và 18 điểm di tích khác có
liên quan mật thiết đến Phong trào khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang, trong
đó: Ưu tiên đầu tư tập trung tu bổ, tôn tạo quần thể di tích đồn Phồn Xương và
đền Thề trở thành trọng điểm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái quốc gia; tu bổ các di
tích đình, đền, chùa, miếu có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đang bị xuống
cấp nghiêm trọng; phục hồi một số không gian của những đồn lũy quan trọng theo
căn cứ khoa học.
- Đề xuất các giải pháp, công cụ quản lý và thực hiện
Quy hoạch.
3. Vị trí, phạm vi và quy mô quy
hoạch
- Quy hoạch được thực hiện trên địa bàn 04 (bốn)
huyện là Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, có vị trí địa
lý như sau:
Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên.
Phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh.
Phía Đông giáp huyện Lục Nam và huyện Lạng Giang, tỉnh
Bắc Giang và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Phía Tây giáp huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và huyện
Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
- Phạm vi nghiên cứu quy hoạch là: 23.099,7 ha, bao
gồm địa bàn 26 xã, thị trấn, cụ thể là: Xã Phồn Xương, xã Tam Hiệp, xã Đồng Lạc,
xã Tân Hiệp, xã Đồng Tâm, xã Đồng Vương, xã Xuân Lương, xã Hồng Kỳ, xã Đồng Kỳ
và thị trấn Cầu Gồ của huyện Yên Thế; xã Tân Trung, xã Việt Lập, xã An Dương,
xã Song Vân, xã Ngọc Châu, xã Cao Thượng, xã Liên Sơn, xã Phúc Hòa, xã Phúc
Sơn, xã Quang Tiến, xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam của huyện Tân Yên; xã Minh Đức
và thị trấn Bích Động của huyện Việt Yên; xã Nham Sơn và xã Tân Liễu của huyện
Yên Dũng.
- Diện tích quy hoạch tổng thể mang tính liên vùng
tỷ lệ 1/10.000, tổng cộng là: 23.099,7 ha.
- Diện tích đất quy hoạch tổng cộng là 92,6925 ha,
bao gồm 23 điểm thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi
nghĩa Yên Thế và 18 điểm di tích khác có liên quan mật thiết đến phong trào Khởi
nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang, trong đó:
+ Khu vực bảo vệ I: 42,74411 ha.
+ Khu vực bảo vệ II: 49,94839 ha.
4. Nội dung quy hoạch
a) Về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan
- Không gian kiến trúc, cảnh quan của mỗi điểm di
tích cụ thể được tổ chức riêng biệt trên cơ sở
tôn trọng điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của khu vực có di tích, phù hợp
với quy mô, tính chất và chức năng di tích.
- Tổ chức kết nối các điểm di tích nhằm tạo ra tuyến
du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
b) Về định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá
trị di tích
- Định hướng bảo tồn, tôn tạo di tích
Hệ thống di tích gắn với
phong trào khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang gồm 6 loại hình, bao gồm: a)
Di tích làng chiến đấu, giai đoạn từ năm 1884 đến 1889; b) Di tích đồn lũy,
công sự chiến đấu, giai đoạn từ năm 1890 đến 1893 và từ năm 1894 đến 1909; c)
Di tích tôn giáo, tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ,...); d) Di tích gắn
với thời thơ ấu của Hoàng Hoa Thám, công trình tưởng niệm Hoàng Hoa Thám và
Nghĩa quân; đ) Địa điểm trung tâm hành chính, quân sự do thực dân Pháp thiết lập;
e) Các dấu tích và địa điểm khác gắn với phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.
Định hướng bảo tồn, tôn tạo đối với từng loại hình
di tích cụ thể như sau:
+ Đối với di tích làng chiến đấu, giai đoạn từ năm
1884 đến 1889 (như làng Sặt, Khê Hạ, Ngọc Cục, Cao Thượng, làng Hả, làng Trũng)
Do thời gian và tốc độ đô thị hóa gia tăng trong những
năm qua ở hầu hết các địa phương trong cả nước, khiến quy mô, cấu trúc nhà cửa,
đường làng, ngõ xóm, tập quán sinh hoạt... đã bị thay đổi. Việc phục hồi không
gian các làng chiến đấu gắn với cuộc Khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn cuối thế kỷ
XIX không khả thi, do đó, để bảo tồn địa danh các làng chiến đấu này, cần làm
mô hình, sa bàn ở tỷ lệ thích hợp để trưng bày, giới thiệu tại Nhà trưng bày về
Khởi nghĩa Yên Thế ở khu trung tâm Phồn Xương huyện Yên Thế.
+ Đối với di tích đồn lũy, công sự chiến đấu, giai
đoạn từ năm 1890 đến 1893 và từ năm 1894 đến 1909 (như đồn Hố chuối, đồn Hom, đồn
Phồn Xương, đồn Trại Cọ, đồn Am Đông, đồn Khám Nghè, đồn Đề Hậu, đồn Ao Rắn, đồn
Hang Sọ, đồn Bãi Mét...)
Chỉ lựa chọn để phục hồi, tái hiện một số không
gian của những đồn lũy tiêu biểu trên cơ sở khoa học, đảm bảo khả năng đầu tư
và điều kiện quản lý, phát huy giá trị bằng vật liệu bền vững như bê tông giả đất,
bê tông giả gỗ, composit giả tranh, tre, nứa, lá…
Xây dựng bia chỉ dẫn di tích ở vị trí thích hợp cho
các địa điểm di tích chỉ còn là phế tích, khả năng phát huy giá trị không cao
và không đủ cơ sở khoa học để phục hồi.
+ Đối với di tích tôn giáo, tín ngưỡng
Các đình, đền, chùa, miếu, nghè, điếm... được xây dựng trước khi diễn ra cuộc khởi
nghĩa, là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân
dân và là căn cứ hoạt động của Nghĩa quân Yên Thế giai đoạn từ năm 1884 đến
1913, nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng bàn việc đánh Pháp, làm nơi chiêu tập
binh lính, nơi tế cờ xuất trận; đồng thời là căn cứ hoạt động của cán bộ cách mạng
giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến 1954 (như đình Hả, chùa Hả,
đình Đông, đình Dĩnh Thép, đình Dương Lâm, đình Cao Thượng, đình Nội, đình Bằng
Cục, đình chùa Nẻo, đình đền chùa Vồng, đình chùa nghè Lý Cốt, đình Liễu Nham,
chùa Lèo, chùa Thông, chùa Bạch Vân, chùa Phố, chùa Kem, chùa Nguyệt Nham, đền
Am Gà, đền Mỏ Thổ, đền Quan Lớn, đền Thác Thần, đền Suối Cấy...) được đầu tư từng
bước để tu bổ, tôn tạo theo điều kiện hiện trạng, trên cơ sở khoa học, đảm bảo
nguyên tắc bảo tồn tối đa yếu tố gốc. Ngoài việc tu bổ các hạng mục kiến trúc
và tôn tạo cảnh quan, tại mỗi di tích sẽ được dựng một tấm bia ở vị trí thích hợp
để ghi dấu các chiến tích, sự kiện về phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.
+ Đối với Di tích gắn với thời thơ ấu của Hoàng Hoa
Thám, công trình tưởng niệm Hoàng Hoa Thám và Nghĩa quân, bao gồm: Khu lưu niệm
Hoàng Hoa Thám, đền Đề Lam, đền thờ Cả Trọng, động Thiên Thai (thờ Kỳ Đồng -
Nguyễn Văn Cẩm) và Ao Chấn Ký..., cần được
đầu tư tu bổ, tôn tạo tương xứng với công lao của Đề Thám và các nghĩa quân,
phù hợp với địa hình tự nhiên, gắn kết với không gian kiến trúc cảnh quan của
toàn khu vực.
+ Đối với Địa điểm trung tâm hành chính, quân sự do
thực dân Pháp thiết lập, bao gồm: Nghĩa địa Pháp, đồi Phủ, thành Tỉnh Đạo, thực
hiện quy hoạch khoanh vùng, cắm mốc giới bảo vệ và xây dựng bia chỉ dẫn di tích
ở vị trí thích hợp.
+ Đối với các dấu tích và địa điểm khác gắn với
phong trào Khởi nghĩa Yên Thế như: Những khe suối, bờ sông, ngọn núi gắn với thời
gian hoạt động của Nghĩa quân Yên Thế (như sông Sỏi, suối Gồ, rừng lim, rừng dẻ
còn sót lại), cần bảo vệ cảnh quan và địa hình tự nhiên.
- Định hướng phát huy giá trị di tích
Xây dựng các công trình phụ trợ phù hợp với đặc điểm,
tính chất của mỗi loại hình di tích, kế
thừa kiến trúc truyền thống nhằm phục vụ khai thác, phát huy giá trị di tích và
di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Nhà quản lý di tích, nhà đón tiếp, nhà thủ
từ, nhà tăng - ni, nhà tả hữu vu, nhà dịch vụ bán đồ lễ, am hóa vàng, nhà vệ
sinh công cộng...
c) Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
- Về giao thông
+ Giao thông ngoại vi
Xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng các đoạn đường nối
từ di tích đến đường giao thông hiện có chạy qua hoặc tiệm cận các điểm di tích
(tỉnh lộ, huyện lộ, đường trục xã). Đối với các điểm di tích nhỏ lẻ, phân tán sử
dụng kết hợp với đường nội bộ trong các khu dân cư hiện hữu.
Kết cấu mặt đường cụ thể như sau:
Đường Hoàng Hoa Thám (đoạn chạy qua di tích đồn Phồn
Xương và đền Thề): Giữ nguyên mặt đường nhựa rộng 13,5m; mở rộng hai bên, mỗi
bên 8,0m làm vỉa hè đi bộ và trồng cây bóng mát, bề mặt vỉa hè lát đá Thanh
Hóa, tạo nhám bề mặt.
Đối với các đường nối vào di tích đồn lũy, công sự
chiến đấu: Sử dụng vật liệu bê tông và bê tông giả đất, mặt cắt lòng đường rộng
từ 5,0m đến 15m, lề đường rộng mỗi bên từ 1,5m đến 2,0m. Bổ sung cây xanh ven
đường của một số tuyến phụ thuộc vào điều kiện hiện trạng.
Đối với các đường nối vào di tích tôn giáo, túi ngưỡng:
Căn cứ vào tính chất, địa hình ở mỗi di tích cụ thể để đề xuất quy mô mặt đường
và vật liệu thích hợp.
+ Giao thông nội bộ
Hệ thống đường bên trong mỗi di tích (bao gồm: đường
trục chính, đường dạo, đường nối các khu vực chức năng trong khuôn viên di
tích) được sử dụng các mặt lát bằng gạch chỉ, gạch Bát, đá Thanh Hóa, đá chẻ tự
nhiên, bê tông giả đất,... tùy theo mỗi loại hình di tích cụ thể, phù hợp với
công năng sử dụng và không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống.
+ Các bãi đỗ xe: Bố trí các điểm đỗ xe ven đường kết
hợp với quy hoạch các điểm dịch vụ nghỉ chân, tại những vị trí có mặt bằng thuận
lợi và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Cải tạo, nâng cấp Bến xe Cầu Gồ theo tiêu chuẩn
bến loại 4, diện tích 4000m2. Xây dựng bãi đỗ xe với diện tích từ
200m2 đến 1500m2 bên ngoài các điểm di tích, tiếp cận hệ
thống giao thông ngoại vi.
- Về chuẩn bị kỹ thuật san nền: Chỉ san nền cục bộ
theo cao độ thiết kế của các hạng mục di tích cụ thể. Cao độ san nền phù hợp với
nền đất gốc của di tích và các điểm dân cư sẵn có, tận dụng tối đa địa hình tự
nhiên, đảm bảo cho việc thoát nước mặt và
cảnh quan vốn có của di tích. Việc thiết kế cao độ xây dựng mới cần đảm bảo cao
độ khống chế của khu vực. Nền xây dựng công trình phải đảm bảo độ đầm chặt, độ ổn
định của nền, đảm bảo độ dốc thoát nước mặt về phía cống thu nước, tránh ngập
úng cục bộ tại di tích. Xây dựng các công
trình ổn định nền (như taluy, tường chắn) tại các khu vực có chênh cao thềm xây
dựng lớn hơn 1,0m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Kè hồ, kênh mương đảm bảo bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích.
- Về chuẩn bị kỹ thuật thoát nước mưa: Hệ thống thoát
nước mưa được chia thành 2 loại, loại 1 thoát
theo địa hình tự nhiên, loại 2 thoát theo
hệ thống mương hở, mương có nắp đan, cống tràn.
- Về cấp nước: Nước cấp cho các di tích từ hệ thống
cấp nước tập trung của đô thị hoặc từ trạm cấp nước địa phương; từ các điểm cấp
nước tập trung của xã (theo dự án cấp nước nông thôn) và sử dụng giếng khoan.
- Về thoát nước
thải và vệ sinh môi trường: Xây dựng hệ thống thoát
nước trong các di tích, đấu nối với hệ thống thoát
nước thải tập trung của khu vực. Xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn quy định,
xử lý sơ bộ nước thải trước khi thoát ra
hệ thống thoát nước chung. Không xây dựng
hệ thống thoát nước tại các di tích chỉ
xây dựng bia chỉ dẫn di tích, không có hoạt động xây dựng công trình khác. Để đảm
bảo vệ sinh môi trường trong di tích, bố trí thùng rác ở các khu vực tập trung
đông người để thu gom rác thải, đưa về các điểm xử lý rác tập trung của khu vực.
- Về cấp điện và thông tin liên lạc
+ Cấp điện: Khuyến khích xây dựng hoặc cải tạo hệ
thống điện hiện có thành hệ thống điện ngầm; bên cạnh đó, cần thiết kế, bố trí
mạng lưới bảo đảm mỹ quan cho di tích.
Đối với các di tích không có thay đổi lớn về nhu cầu
cấp điện sau khi tu bổ: Cải tạo, nâng cấp mạng lưới cấp điện hiện có.
Đối với các di tích có thay đổi tăng nhu cầu cấp điện
sau khi tu bổ (như di tích đồn Phồn Xương, đền Thề): Cần thỏa thuận với cơ quan
chức năng ở địa phương bổ sung công suất hoặc xây dựng trạm biến áp riêng cho
di tích.
Đối với các di tích chưa có hệ thống cấp điện: Sau
khi tu bổ cần xây dựng mới hệ thống cấp điện.
Đối với các di tích không có nhu cầu cấp điện: Chỉ
thiết kế chiếu sáng đường vào di tích.
+ Thông tin liên lạc: Mạng Internet có dây và không
dây. Mạng điện thoại cố định, mạng điện thoại di động Viettel, Mobifone,
Vinafone.
5. Các nhóm dự án thành phần
Bao gồm 4 nhóm dự án:
- Nhóm dự án đền bù, giải phóng mặt bằng và cắm mốc
giới bảo vệ di tích.
- Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị
di tích.
- Nhóm dự án về giao thông ngoại vi.
- Nhóm dự án nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và
phát huy giá trị di tích.
6. Nguồn vốn đầu tư
- Vốn ngân sách trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư
bố trí trực tiếp (không nằm trong kinh phí thường xuyên hàng năm bố trí cho các
công trình văn hóa của tỉnh Bắc Giang).
- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của
Chính phủ, theo Quyết định số 2406/QĐ-TTg
ngày 18 tháng 12 năm 2011 (giai đoạn 2012 - 2015).
- Vốn ngân sách tỉnh Bắc Giang bố trí theo kế hoạch
hàng năm.
- Vốn ngân sách các huyện và ngân sách các xã có di
tích liên quan đến phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.
- Vốn thu từ các hoạt động du lịch tại các điểm di
tích.
- Vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức,
doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, nguồn đóng góp của nhân dân.
- Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
7. Trình tự ưu tiên đầu tư, thời
gian và phân kỳ đầu tư
Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 đến năm 2030, cụ
thể:
- Giai đoạn 2014 - 2020: Đền bù giải phóng mặt bằng,
cắm mốc giới bảo vệ di tích; ưu tiên đầu tư, thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo
và phát huy giá trị các di tích trọng điểm gắn với các sự kiện trọng đại của cuộc
Khởi nghĩa Yên Thế và có giá trị cao về lịch sử, văn
hóa, kiến trúc nghệ thuật, bao gồm: Quần thể di tích đồn Phồn Xương và đền Thề;
khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám; cụm di tích đình - chùa Hả, chùa Kem,
đình Đông, đình Dĩnh Thép, đình Nội, đình Dương Lâm, đền thờ Cả Trọng, đình - đền
- nghè - chùa Vồng;
- Giai đoạn 2021 - 2025: Đầu tư, thực hiện dự án bảo
tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích: Động Thiên Thai, chùa Thông, đình
Bằng Cục, đình làng Chuông, đền Cầu Khoai, ao Chấn Ký, đền Gốc Khế, nghĩa địa
Pháp và đồi Phủ, đình - chùa Phố, chùa Lèo, đồn Hố Chuối, đồn Hom;
- Giai đoạn 2026 - 2030: Đầu tư, thực hiện dự án bảo
tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích còn lại.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bắc Giang
a) Ban hành Quy chế quản lý di tích và xây dựng
theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Chỉ đạo Chủ
đầu tư tiếp tục khai thác, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu lịch sử, bổ sung các
căn cứ khoa học, phục vụ việc thực hiện các dự án thành phần theo thứ tự ưu
tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư, trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được phê
duyệt.
c) Phê duyệt các dự án thành phần, trên cơ sở Quy
hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc
biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế đã được phê duyệt; Chỉ đạo Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban
nhân dân các huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng công bố Quy hoạch, đền
bù giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích, bàn giao đất để triển khai
các dự án đầu tư.
d) Chỉ đạo cơ quan chức năng thẩm định chuyên môn,
bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhóm dự án thành phần
liên quan đến di tích chưa được xếp hạng di tích quốc
gia đặc biệt, di tích quốc gia.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn các nhóm dự án thành phần liên quan đến
di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; theo dõi, giám sát việc triển khai
thực hiện Quy hoạch đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.
3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xem xét cân đối vốn thuộc ngân sách Nhà nước
để thực hiện các nhóm dự án đầu tư được phê duyệt liên quan đến di tích quốc
gia đặc biệt, di tích quốc gia.
4. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp,
theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ để việc triển khai thực hiện quy hoạch
bảo đảm, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác đang thực hiện trong khu vực.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng,
Tài nguyên và Môi trường;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang;
- Hội đồng DSVH quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH,
V.III;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|