Quyết định 1522/QĐ-BKH năm 2009 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 1522/QĐ-BKH
Ngày ban hành 16/10/2009
Ngày có hiệu lực 31/10/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Doanh nghiệp

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1522/QĐ-BKH

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI KHU KINH TẾ MỞ CHU LAI, TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ  

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 235/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam;
Căn cứ văn bản số 922/VPCP-ĐP ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt và ký Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2020,
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tại tờ trình số 3100/TTr-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2009;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trong tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Quốc gia, Chiến lược biển của Việt Nam mà trong đó Khu kinh tế mở Chu Lai là một trong những trung tâm phát triển của vùng biển miền Trung, tỉnh Quảng Nam, trong thế gắn kết phát triển và phối hợp liên vùng với các nước láng giềng phía Tây (Campuchia – Lào – Thái Lan), Tây Nguyên và với Khu kinh tế Dung Quất;

b) Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trọng tâm là khu phi thuế quan có khu thương mại tự do gắn một phần cảng Kỳ Hà và sân bay quốc tế Chu Lai trở thành một trong những trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, viễn thông, dịch vụ khác của tỉnh Quảng Nam, vùng Duyên Hải Trung Bộ;

c) Xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trên cơ sở khai thác và phát huy triệt để những tiềm năng, lợi thế sẵn có trong khu vực, đặc biệt là lợi thế về du lịch biển, sân bay, bến cảng … đồng thời nắm vững thời cơ và các vận hội phát triển mới của cả khu vực để phát triển nhanh, tạo sự đột phá và động lực mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung;

d) Tận dụng tối đa các cơ hội và sự quan tâm của nhà nước và của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực ngoài nước để đầu tư cho những công trình có quy mô lớn tạo động lực phát triển cho Khu kinh tế mở Chu Lai;

đ) Xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai có tầm nhìn dài hạn trên quan điểm mở cửa hội nhập và phù hợp với các thông lệ quốc tế, đồng thời phải có bước đi thích hợp, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi cao;

e) Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai phải trên quan điểm tổng hợp, kết hợp hài hòa giữa lợi ích của địa phương với lợi ích của các ngành và lợi ích quốc gia; đồng thời phải đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát:

- Xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo và ngành công nghiệp, sử dụng công nghệ cao, khu thương mại tự do Chu Lai (theo Quyết định số 185/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ) gắn với cảng Kỳ Hà và sân bay Quốc tế Chu Lai, khu du lịch dịch vụ cao cấp ven biển, khu đào tạo quốc tế, khu công nghệ cao và các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, … gắn với kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hệ thống cơ chế chính sách ổn định lâu dài.

- Phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng ra thị trường thế giới.

- Tạo việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2020 trở thành khu vực phát triển năng động, một trung tâm công nghiệp – du lịch, dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực miền Trung và cả nước.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thời kỳ 2011 – 2015 tăng 43 – 43,1%, thời kỳ 2016 – 2020 tăng 61 – 61,5%.

- Về cơ cấu kinh tế theo giá trị sản xuất:

+ Đến năm 2015, tỷ trọng của các ngành công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp là 42%, 38% và 20%. Đến năm 2020, tỷ trọng của các ngành dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp là 45,2%, 39,8% và 15%.

- Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30,5 triệu USD vào năm 2015 và 335 – 340 triệu USD vào năm 2020.

- Thu ngân sách đạt khoảng 2.940 – 3.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 5.880 – 6.000 tỷ đồng vào năm 2020.

- Đến năm 2015, thu hút khoảng 50 – 51 nghìn lao động và 160 – 170 nghìn lao động vào năm 2020.

- Đến năm 2015, suất đầu tư/ha đạt khoảng 6 – 10 triệu USD/ha.

- Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu một cách đồng bộ, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng hệ thống cảng Kỳ Hà, phối hợp nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai, hạ tầng kết nối khu phi thuế quan, các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị.

[...]