Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 152/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 152/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/01/2016
Ngày có hiệu lực 25/01/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phan Đình Phùng
Lĩnh vực Giáo dục,Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 25 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Công văn số 4311/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26/10/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (tại Tờ trình số: 2373/TTr-SLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2015),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- CT, PCT.UBND tỉnh (P.Đ.Phùng);
- PVP.UBND tỉnh (Thi);
- Lưu: VT, KT, Vx (Ty).

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Đình Phùng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020.
(Kèm theo Quyết định số: 152/QĐ-UBND ngày 25/01/2016 của UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Công văn số 4311/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26/10/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dự kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đầy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016-2020, với những nội dung như sau:

PHẦN MỘT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM TRONG THỜI GIAN VỪA QUA

1. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình còn mờ nhạt: Trẻ em trong gia đình thường được tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua hình thức trò chuyện với cha mẹ. Có nhiều trường hợp cha mẹ có điều kiện kinh tế, quá chiều chuộng con, đáp ứng mọi nhu cầu của con nhưng lại thiếu thời gian dành riêng để lắng nghe, trò chuyện với con. Điều này làm cho trẻ em trở nên ích kỷ, thậm chí mắc vào các thói hư, tật xấu. Ngày nay nhiều cha mẹ tập trung làm kinh tế, ít có thời gian chăm sóc, lắng nghe con chuyện trò, trẻ em bị sao nhãng về nhiều mặt. Đồng thời, quan niệm truyền thống kính trên nhường dưới và văn hóa thứ bậc khiến các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ với con cái ít có sự cởi mở, khó có thể tâm sự với con như bạn bè mà mang tính chỉ bảo, răn dạy nhiều hơn. Việc trẻ em bày tỏ ý kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em cơ bản đã được bố mẹ quan tâm, nhưng còn rất ít cha mẹ xem xét, phản hồi ý kiến của trẻ em. Đa số các bậc cha mẹ có quan niệm trẻ em vẫn còn nhỏ, chưa có sự chín chắn cần thiết nên thường áp dụng cách giáo dục con mang tính mệnh lệnh, ít sự lắng nghe, xem xét phản hồi ý kiến của trẻ em.

2. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức: Trẻ em được tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua hoạt động giảng dạy (môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống), ngoài ra trẻ em còn được tiếp cận qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, hoạt động ngoại khóa và hoạt động thư viện của trường, mạng Ineternet của trường, các buổi nói chuyện chuyên đề, các chương trình phát thanh trường học, các buổi truyền thông phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, hòm thư góp ý. Tuy vậy, những hình thức trên chưa được tổ chức ở tất cả các trường, việc tiếp cận thông tin chưa được tập trung theo chuyên đề và mang tính chất thường xuyên. Số lượng đầu sách trong thư viện còn hạn chế và ít được cập nhật; phòng Internet chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn; khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa rất thiếu, mặt khác vấn đề Internet cũng đáng lo ngại vì trẻ em sử dụng internet quá nhiều, tiếp nhận cả thông tin tích cực và tiêu cực, nguồn thông tin rất khó kiểm soát.

Khác với sự tham gia trong gia đình, sự tham gia của trẻ em trong nhà trường hiện nay được thể hiện với nhiều hình thức như: bày tỏ ý kiến nguyện vọng trực tiếp với giáo viên, bày tỏ ý kiến thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ toàn trường, thông qua hòm thư điều em muốn nói, tư vấn học đường hoặc thông qua phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, những hình thức trên chưa đạt được hiệu quả cao và còn mang tính hình thức như: hòm thư điều em muốn nói chưa phát huy được hiệu quả và thực tế là có rất ít thư, ý kiến của trẻ em được gửi qua hình thức này; hình thức tư vấn học đường mới chỉ tập trung hình thức cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc về tâm sinh lý tuổi dậy thì, sức khoẻ sinh sản…; Ban phụ huynh của trường, lớp được thành lập chủ yếu là để vận động, quyên góp quỹ và nhiều phụ huynh không có thời gian tham gia các hoạt động của Ban phụ huynh.

Nhìn chung, quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, các em ít có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề học tập, Đoàn Đội, văn nghệ, xây dựng kế hoạch hoạt động trong nhà trường... Mặt khác, khi trẻ em tham gia tổ chức Đội Thiếu niên trong trường học còn mang tính hình thức, phong trào và thành tích, các em chưa thực sự là người được lắng nghe, được ra quyết định về các hoạt động liên quan đến tổ chức Đội của mình. Các em chủ yếu là người thực hiện theo quyết định của Ban giám hiệu, thầy cô giáo. Trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số ít có cơ hội tham gia các hoạt động trong nhà trường.

3. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em ở cộng đồng, xã hội còn hạn chế: Trẻ em được tiếp cận thông tin qua các hoạt động truyền thông, hoạt động Đoàn, Đội, câu lạc bộ trẻ em, các sự kiện dành cho trẻ em. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các loại hình hoạt động này chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị còn hạn chế ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các hoạt động ở trong cộng đồng chưa thực sự thu hút và tạo hứng thú cho trẻ em. Đoàn thanh niên cơ sở thiếu cán bộ, thiếu kỹ năng tổ chức các hoạt động, vì vậy ít thu hút được trẻ em tham gia vào các hoạt động này. Trẻ em được bày tỏ ý kiến, được xem xét, lắng nghe và phản hồi ý kiến tại cộng đồng cũng hạn chế hơn nhiều so với trong trường học, trẻ em chủ yếu bày tỏ ý kiến nguyện vọng của mình qua một số mô hình như: câu lạc bộ, nhóm trẻ về quyền trẻ em hoặc tại một số sự kiện thỉnh thoảng tổ chức như diễn đàn trẻ em, thăm dò ý kiến trẻ em, hội nghị, hội thảo, hội thi...

4. Các hình thức thực hiện quyền tham gia của trẻ em:

Diễn đàn trẻ em được tổ chức ở cấp tỉnh và huyện nhưng cách thức tổ chức chưa được thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Trẻ em được tham gia Diễn đàn trẻ em các cấp còn hạn chế về số lượng, số lần tham dự, Diễn đàn trẻ em cấp huyện hình thức tổ chức còn đơn điệu, cấp xã hầu như chưa tổ chức được. Chỉ có một số lượng nhỏ trẻ em biết đến Diễn đàn, chủ yếu trẻ em ở vùng trung tâm huyện, thị, còn trẻ em các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ít có cơ hội được tiếp cận và tham dự; việc lắng nghe, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em vẫn còn nặng tính hình thức, báo cáo và nội dung được chuẩn bị sẵn thay vì đối thoại cởi mở.

Thăm dò ý kiến của trẻ em là một kênh thông tin rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý; tuy vậy việc thăm dò ý kiến trẻ em ít triển khai, hầu như chưa thực hiện việc thăm dò ý kiến của trẻ em trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình.

Câu lạc bộ quyền trẻ em: Trẻ em tham gia các câu lạc bộ quyền trẻ em sẽ được nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền trẻ em, quyền tham gia của trẻ em; nâng cao năng lực và sự tự tin cho trẻ em, đồng thời tăng cường công tác truyền thông với trẻ em. Tuy nhiên, các câu lạc bộ, nhóm quyền trẻ em chưa có nhiều, số lượng trẻ em được tham gia ít, hoạt động của các câu lạc bộ chưa tạo được sức ảnh hưởng lớn vì còn lẻ tẻ, thiếu kinh phí để hoạt động, chủ yếu kinh phí tự lo... Hiện nay, câu lạc bộ về quyền trẻ em có xu hướng thu hẹp hơn do khó khăn về kinh phí và trẻ em bị nhiều bởi áp lực học hành, thi cử và bị cuốn hút bởi các trò chơi điện tử.

[...]