ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1518/QĐ-UBND
|
Bình Định, ngày
04 tháng 05 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2012 VÀ LUẬT VIỆC LÀM TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày
20/6/2012;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 18/6/2012;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16/11/2013;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phổ biến Bộ luật
Lao động năm 2012 và Luật Việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Đông Hải
|
KẾ HOẠCH
PHỔ
BIẾN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2012 VÀ LUẬT VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 04/5/2015 của UBND
tỉnh)
Để tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về Bộ luật Lao động và Luật Việc làm có hiệu quả cho người
lao động, người sử dụng lao động, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch tuyên
truyền, phổ biến những luật trên cho người lao động trong các doanh nghiệp thuộc
các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Việc làm
và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn
trọng, chấp hành pháp luật nói chung, trước hết là pháp luật về lao động và các
quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ
của công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình
doanh nghiệp; qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, xây
dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động,
bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu
tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật
cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp
phải được lồng ghép hợp lý và hiệu quả trong thực hiện các chương trình phát
triển kinh tế xã hội. Sử dụng, khai thác các hình thức, phương pháp tuyên truyền,
phổ biến giáo dục pháp luật đang phát huy tác dụng; đồng thời thường xuyên đổi
mới về nội dung, hình thức trong phương thức thực hiện, bảo đảm tính phù hợp,
khả thi với từng đối tượng, địa bàn.
II. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền, phổ biến các luật và các văn bản
hướng dẫn thi hành cần tập trung vào các vấn đề sau đây:
- Nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động có hiệu lực
từ 01/5/2013;
- Nội dung cơ bản của Luật Việc làm có hiệu lực từ
01/01/2015;
- Các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Việc
làm.
- Những văn bản pháp luật khác liên quan tới hoạt động
của doanh nghiệp, của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động.
2. Tài liệu tuyên truyền, phổ biến:
- Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm.
- Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật
Lao động, Luật Việc làm.
- Đề cương giới thiệu luật do Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội tại địa chỉ: http://www.molisa.gov.vn
- Các tài liệu tham khảo có liên quan.
III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ
BIẾN
1. Hội nghị phổ biến:
Tổ chức trong 01 ngày (dự kiến trong tháng 5/2015)
với thành phần như sau: Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo
UBND tỉnh; Đại diện Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành
của tỉnh; Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và tổ chức thành viên của mặt trận tỉnh;
Thành viên hội đồng PHPBGDPL tỉnh; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng phòng phòng Tư pháp các huyện, thị
xã, thành phố và 1 số thành phần khác có liên quan (dự kiến 100 người).
2. Các lớp tập huấn tuyên truyền:
Tổ chức 06 lớp tập huấn, mỗi lớp khoảng 200 người
tham dự, với đối tượng là đội ngũ người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác
nhân sự, công đoàn trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng
trên địa bàn tỉnh (mỗi doanh nghiệp 01 - 02 người, khoảng 1.000 doanh nghiệp có
số lao động trên 20 người).
3. Phát hành tờ rơi, áp phích... để tuyên
truyền rộng rãi đến người lao động trên địa bàn tỉnh.
IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện: Quý II, III năm
2015.
2. Kinh phí thực hiện: 143.600.000 đồng (Một
trăm bốn mươi ba triệu, sáu trăm ngàn đồng).
3. Nguồn kinh phí thực hiện: Sử dụng nguồn
kinh phí đảm bảo xã hội đã được UBND tỉnh phân bổ cho Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội năm 2015.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Là
cơ quan chủ trì Kế hoạch, tổ chức phối hợp thực hiện, tổng kết và báo cáo các
hoạt động của Kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh.
- Chủ trì thực hiện các hoạt động: Tập huấn, bồi dưỡng
đội ngũ cán bộ nguồn làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các
doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và
người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên
địa bàn tỉnh Bình Định.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan cung cấp
kịp thời văn bản quy phạm pháp luật cho website của UBND tỉnh, Báo điện tử Bình
Định, các sở, ngành và các tổ chức liên quan. Đồng thời hoàn thiện Chuyên mục Tuyên
truyền, phổ biến pháp luật lao động trên website của Sở để người sử dụng lao động
và người lao động dễ dàng tra cứu miễn phí các thông tin về pháp luật lao động
mà họ cần.
2. Sở Tài chính: Có trách nhiệm đề xuất UBND
tỉnh cấp kinh phí để thực hiện Kế hoạch phổ biến Bộ luật Lao động năm 2012 và
Luật Việc làm.
3. Sở Tư pháp: Tư vấn về phương pháp thực hiện
tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội và các sở, ngành có liên quan khác trong việc soạn thảo tài liệu, đào tạo
cán bộ và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật
khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho
người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
4. Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh, Liên đoàn
Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tuyên truyền pháp luật lao động đến với người lao động
thuộc địa bàn quản lý.
Sau Hội nghị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã,
thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh và tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh có trách nhiệm xây dựng và thực
hiện Kế hoạch phổ biến 02 đạo luật trên tại cơ quan, tổ chức, địa phương.
Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Kế hoạch này và kịp thời
báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo theo thẩm quyền./.