Quyết định 1499/QĐ-UBND năm 2011 về chương trình bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Bình Phước ban hành

Số hiệu 1499/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/06/2011
Ngày có hiệu lực 29/06/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Nguyễn Huy Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1499/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 29 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 14/12/2010 của HĐND tỉnh thông qua Đề án tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020;

Thực hiện Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011- 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 685/TTr-LĐTBXH ngày 09/6/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 (kèm theo Chương trình)

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức có liên quan căn cứ Quyết định thi hành, kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Phong

 

CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2015

(Kèm theo Quyết định số 1499/QĐ-UBND ngày 29/6/2011 của UBND tỉnh)

Phần I

TỔNG QUAN VỀ TRẺ EM, THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

I. Tình hình kinh tế xã hội tác động đến trẻ em và công tác bảo vện chăm sóc trẻ em (BVCSTE) ở địa phương:

Bình Phước là tỉnh miền núi, nông nghiệp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới, thuộc vùng miền Đông Nam bộ, có 07 huyện và 03 thị xã, với 111 xã, phường, thị trấn. Năm 2010, dân số trung bình 894.940 người, với 41 thành phần dân tộc. Là tỉnh có điều kiện tự nhiên, khí hậu tương đối tốt, đặc biệt là đất có chất lượng cao, chiếm tới 61% diện tích rất phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị cao. Bình Phước có điều kiện kết cấu hạ tầng tuy mới bước đầu hình thành (viễn thông, điện, giao thông…) nhưng tương đối thuận lợi cho phát triển.

Về giao thông, ngoài các tuyến nội tỉnh khá thuận lợi, với Quốc lộ 13, 14 xuyên suốt, nối liền Bình Phước với các tỉnh trong khu vực và nước bạn Campuchia, đặc biệt mở ra hướng giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là những lợi thế so sánh nổi trội của tỉnh, tiền đề cho tỉnh phát triển vững chắc kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm (tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 13,2%/năm, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm); cơ sở vật chất cho lĩnh vực y tế, giáo dục được đầu tư ngày càng cao, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe, học tập cho nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng ngày càng tốt hơn; kinh tế phát triển giúp cho các gia đình có điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em, việc đầu tư cho trẻ em được chú trọng cả về sức khỏe, học tập lẫn vui chơi giải trí.

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến trẻ em. Có thể nói, Bình Phước là tỉnh có số lượng lớn dân di cư tự do đến sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20%, trình độ dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng đang bước đầu được xây dựng, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp, tổng thu ngân sách hàng năm đều tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, do vậy, việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế. Trong thời kỳ hội nhập, mặt trái của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em như các trò chơi, phim ảnh bạo lực, game online… tính bền vững của gia đình không còn như trước, số vụ ly hôn tăng lên, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, do làm kinh tế nhiều gia đình buông lỏng quản lý trẻ em hoặc quan tâm chưa tốt, phó mặc con cho nhà trường ... ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ đến trẻ em.

II. Tình hình trẻ em của tỉnh

1. Tình hình trẻ em

Trẻ em Bình Phước trong thời gian qua ngày càng được sự quan tâm, chăm sóc tốt hơn của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2010, dân số trung bình của tỉnh là 894.940 người, số trẻ em dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh; trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 13%; số người chưa thành niên từ 16 đến 18 tuổi chiếm khoảng 6,12%; trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế khám bệnh miễn phí khoảng 90%. Đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) giảm còn 20%; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, 5 tuổi, tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đều giảm. Công tác giáo dục có chuyển biết tích cực cả về số lượng và chất lượng đối với các cấp học sinh. Cụ thể như: tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 52,8%, tỷ lệ học sinh đi học tiểu học đúng tuổi đạt 94%; công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đạt 101%. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được quan tâm chăm sóc bằng các hình thức như phẫu thuật miễn phí, can thiệp y tế, hỗ trợ tiền, cấp học bổng, cấp xe lăn, xe lắc…

2. Thực trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh

Trong những năm qua, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, loại hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tăng lên. Hiện tại, toàn tỉnh có 9.603 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm khoảng 2,6% số trẻ em toàn tỉnh. Trong 10 năm (giai đoạn 2001 - 2010) số trẻ em khuyết tật: 7.494 em; số trẻ em lang thang được hồi gia: 135 em; số trẻ em nghiện ma túy: 22 em; số trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS: 09 em; số trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học: 864 em; trẻ em bị xâm hại: 171 em; số người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh là 686 vụ với 923 đối tượng.

Có thể thấy thực trạng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn luôn biến động như: Số trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm có xu hướng giảm, số trẻ em bị tàn tật nặng (do hậu quả của chiến tranh và những rủi ro do tai nạn giao thông), số trẻ em vi phạm pháp luật và trẻ em bị xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng. Về nguyên nhân: do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính như: sự buông lỏng quản lý của gia đình, sự xâm nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, tai nạn giao thông, hậu quả do chiến trạnh để lại và tình trạng di cư dân số trên địa bàn tỉnh cũng góp phần làm gia tăng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

III. Thực trạng công tác bảo vệ trẻ em

[...]