UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
320/QĐ-UBND
|
Tuyên
Quang, ngày 10 tháng 8 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ TRẺ EM TỈNH
TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ, Chăm sóc
và Giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số
36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em;
Căn cứ Quyết định
số 267/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Công văn
số 637/LĐTBXH - BVCSTE, ngày 9 tháng 3 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 267/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 403/TTr-SLĐTBXH ngày 03 tháng 6
năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Tuyên Quang
giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
Tạo dựng môi trường sống an
toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm
thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em
rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Trợ giúp,
phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo
lực; tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội
phát triển.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em.
- 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
được nhà nước, gia đình và cộng đồng chăm sóc, giúp đỡ để tái hoà nhập cộng đồng
và bình đẳng về cơ hội phát triển.
- 70% trẻ em được phát hiện có
nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy
cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
- Xây dựng thí điểm mô hình hệ
thống bảo vệ trẻ em trong đó có mạng lưới cộng tác viên, nhóm trẻ nòng cốt và
hoạt động có hiệu quả.
II. Đối tượng,
phạm vi và thời gian thực hiện
1. Đối tượng: Trẻ
em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh
đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Người chưa thành niên từ đủ 16
tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật.
2. Phạm vi thực hiện
Chương trình được thực hiện
trong phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
3. Thời gian thực hiện:
Từ năm 2011 đến năm 2015.
III. Nội dung
của Chương trình
1. Dự án
1: Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội
1.1. Mục tiêu của Dự án: 90% gia đình, nhà trường,
cộng đồng xã hội và trẻ em được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bảo vệ
trẻ em.
1.2. Phạm vi thực hiện Dự án: Thực hiện trên địa
bàn toàn tỉnh; ưu tiên địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
1.3. Nội dung của
Dự án: Hàng năm, tổ chức các chiến dịch truyền thông
nhằm tạo mối quan tâm và thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của toàn xã hội đối
với công tác bảo vệ trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các chương trình,
sản xuất các sản phẩm truyền thông về bảo vệ trẻ em nhằm thay đổi hành vi của
gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em về bảo vệ trẻ em. Tổ chức các
hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về bảo vệ trẻ em có
sự tham gia của cộng đồng, các thành viên gia đình, giáo viên và trẻ em.
1.4. Cơ quan thực
hiện Dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông
tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
2. Dự án
2: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ,
chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm
sóc trẻ em
2.1. Mục tiêu của Dự án: 100% cán bộ làm công tác bảo
vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến huyện được nâng cao năng lực
về quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo
vệ, chăm sóc trẻ em. 50% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã
và cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở
thôn, xóm, tổ dân phố được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ
em.
2.2. Phạm vi thực hiện Dự án: Thực hiện trên phạm
vi toàn tỉnh; ưu tiên địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
2.3. Nội dung của Dự án: Khảo sát nhu cầu, nghiên
cứu xây dựng chương trình tập huấn. Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng, kiểm tra và
đánh giá kết quả tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện
chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các kỹ năng cơ
bản làm việc với trẻ em đối với đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc
trẻ em ở các cấp, đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo
vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm, bản, tổ dân phố.
2.4. Cơ quan thực hiện Dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
3. Dự án
3: Xây dựng và phát triển hệ thống cung
cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em
3.1. Mục tiêu, phạm vi của Dự án: Lựa chọn 2/7 huyện, thành phố xây dựng và tổ chức
vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm Ban điều hành và Nhóm
công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, Trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp
tỉnh; Ban điều hành và Nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp huyện, Văn
phòng tư vấn trẻ em cấp huyện ở 02 huyện, thành phố; Ban bảo
vệ trẻ em cấp xã, điểm tư vấn ở cộng đồng, trường học;
mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ,
chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm, bản, tổ dân phố của tất cả
các xã, phường, thị trấn thuộc 02 huyện, thành phố.
3.2. Nội dung của Dự án: Xây dựng và ban hành văn
bản hướng dẫn thành lập và hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ
em. Tổ chức các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các địa phương. Tổ chức tập
huấn và bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng thực hành cho đội ngũ cán bộ làm việc
trong hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tổ chức các hoạt động cung cấp
và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em như bảo đảm sự an toàn cho trẻ em; tư vấn,
tham vấn, trị liệu phục hồi tâm lý, thể chất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,
trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ
em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, các
phúc lợi xã hội khác khi có nhu cầu. Trợ giúp nâng cao năng lực cho cha mẹ, người
chăm sóc trẻ em, cộng đồng về bảo vệ trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ; nâng cao kỹ
năng tự bảo vệ của trẻ em. Tổ chức các đoàn khảo sát học hỏi kinh nghiệm về hệ
thống bảo vệ trẻ em, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
3.3. Cơ quan thực hiện Dự án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Sở Nội vụ, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh,
các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
4. Dự án
4: Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng
4.1. Mục tiêu của Dự án: 80% trẻ em khuyết tật được
tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo
dục và các dịch vụ công cộng; 100% trẻ em bị bỏ rơi, trẻ
em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc; giảm hàng năm
10% số trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; 100% trẻ em được phát hiện bị
xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp; duy trì không có
tình trạng trẻ em lang thang; giảm tỷ lệ trẻ em phải làm việc nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm, tiếp xúc với hóa chất độc hại xuống 10/10.000 trẻ em;
giảm tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật xuống 7/10.000 trẻ em.
4.2. Phạm vi thực hiện Dự án: Lựa chọn 15 xã thuộc 05 huyện, thành phố (địa bàn thực hiện
phù hợp với từng mô hình).
4.3. Nội dung của Dự án (gồm 4 mô hình)
a) Các mô
hình của Dự án:
- Mô hình
1: Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa,
trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng.
- Mô hình 2: Duy
trì và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải
làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng.
- Mô hình 3: Duy
trì và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo
lực dựa vào cộng đồng.
- Mô hình 4: Phòng
ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng.
b) Hoạt động
chủ yếu của các mô hình: Tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý cho trẻ em; trợ giúp
trẻ em tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và
phúc lợi xã hội khác để hòa nhập cộng đồng; tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho
cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ
em; trợ giúp hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho trẻ em và gia
đình; một số hoạt động đặc thù khác.
4.4. Các cơ quan thực hiện Dự án
a) Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện mô hình thứ 1, 2 và 3.
b) Công an tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh,
các cơ quan, tổ chức có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện mô hình thứ 4.
5. Dự án
5: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ
em
5.1. Mục tiêu của Dự án: Rà soát, đánh giá tình
hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo hướng thân thiện với trẻ em, tăng cường tính
phòng ngừa, bảo vệ trẻ em một cách toàn diện. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên
ngành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, làm cơ sở để đánh giá tình hình
thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Công ước quốc tế
về quyền trẻ em.
5.2. Nội dung của Dự án (gồm 3 Tiểu dự án)
a) Tiểu dự
án 1: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện
hành của tỉnh về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; rà soát, đề nghị bổ
sung, sửa đổi các văn bản không còn phù hợp; tăng cường nhận
thức và nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đối với người
chưa thành niên; nâng cao năng lực thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục
pháp luật cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ làm việc
với người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng, người chưa thành niên vi phạm
pháp luật; xây dựng và thực hiện thí điểm việc xử lý chuyển hướng thân thiện
hơn đối với người chưa thành niên phạm tội.
b) Tiểu dự
án 2: Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo
vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để đề xuất sửa đổi, bổ sung.
c) Tiểu dự
án 3: Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo vệ
và chăm sóc trẻ em.
5.3. Các cơ quan thực hiện Dự án
a) Sở Tư
pháp: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh
và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện Tiểu dự án
1.
b) Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thống kê tỉnh và
đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các Tiểu dự án 2 và
3.
IV. Một số giải
pháp thực hiện chương trình
1. Tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công
tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ
thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đưa mục
tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng
năm của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực
hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các sở,
ban, ngành liên quan và ngành thành viên Ban chăm sóc bảo vệ trẻ em cấp tỉnh cần
có cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bảo
vệ, chăm sóc trẻ em.
2. Đẩy mạnh
thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng
về bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội.
3. Phát triển
hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em có chất lượng. Tăng cường xã hội hóa và phối hợp
liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bảo vệ trẻ em.
4. Huy động
và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để thực hiện Chương trình,
dự án; ưu tiên nguồn lực cho địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
V. Kinh phí
thực hiện
Nguồn kinh phí thực
hiện: Kinh phí để thực hiện các dự án của Chương trình được
huy động từ ngân sách trung ương; ngân sách địa phương; từ
cộng đồng, xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính căn cứ các quy định của Nhà nước thống nhất, đề xuất
nội dung, kinh phí phân bổ hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh để
thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 – 2015 theo đúng quy định của Luật Ngân
sách nhà nước.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp
với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các cơ quan và tổ chức có liên quan, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực
hiện và điều phối các hoạt động của Chương trình.
Chủ trì quản lý và
tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương
trình theo quy định hiện hành; nghiên cứu hình thành đội ngũ cộng tác viên,
tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở;
Hướng dẫn, kiểm
tra, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo Uỷ ban
nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
2. Sở Tư pháp: Tăng cường hướng dẫn, thường
xuyên kiểm tra đối với tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em; tăng
cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi; chủ trì
quản lý và tổ chức thực hiện dự án đã được phân công trong Chương trình theo
quy định hiện hành.
3. Công an tỉnh:
Thực hiện lồng ghép những nội dung có
liên quan đến bảo vệ chăm sóc trẻ em với các chương trình có liên quan; chủ trì quản lý và tổ chức
thực hiện dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
4. Sở Giáo dục
và Đào tạo: Xây dựng
môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực; tiếp tục triển khai thực hiện
có hiệu quả phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,
chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng
xử cho học sinh trong nhà trường; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về
bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo
viên.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn
hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em.
6. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố lập kế hoạch
hàng năm về biên chế công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động
Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan hướng dẫn các huyện, thành phố bố
trí người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các xã, phường, thị trấn.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối
hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các
đơn vị liên quan tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông
tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ
trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tăng cường công
tác quản lý nhà nước đặc biệt là thanh tra, kiểm tra các
hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin trên internet dành cho trẻ em
và liên quan đến trẻ em; xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, phát hành các ấn
phẩm, sản phẩm thông tin dành cho trẻ em có nội dung đồi trụy, kích động bạo lực...
8. Sở Y tế: Tổ chức thực hiện có hiệu quả
chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ
em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình
nghèo, cận nghèo; phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật;
thực hiện thí điểm một số loại hình dịch vụ y tế hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị
xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với
Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và các đơn vị liên quan bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phát triển có liên
quan để thực hiện các chương trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ
em; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; hướng dẫn
việc đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào việc xây dựng và
đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
10. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương, bố trí kinh phí thực hiện
chương trình trong dự toán ngân sách hàng năm của các đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; chủ
trì hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí
thực hiện Chương trình.
11. Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Tuyên Quang:
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chế độ, chính sách của Đảng
và Nhà nước về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong đó: Tập trung tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin, bài và nâng cao chất lượng
tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
12. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành
chức năng liên quan; hàng năm xây dựng
và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp
với các nội dung của Chương trình và kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ; lồng ghép
việc thực hiện có hiệu quả chương trình với các chương
trình khác có liên quan trên địa bàn;
- Đẩy mạnh phối hợp
liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tiếp tục xây dựng
xã, phường phù hợp với trẻ em; chủ động bố trí ngân sách, nguồn lực để thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện
Chương trình tại cơ sở; thực hiện chế độ báo cáo việc thực
hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định.
13. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai
thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục
nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tham gia xây dựng chính
sách, pháp luật, quản lý nhà nước, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận :
- Bộ Lao động TB và XH;
- Thường trực Tỉnh uỷ; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Cục BVCSTE, Bộ LĐTBXH;
- Như điều 3 (thực hiện);
- UBMT Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các ngành thành viên Ban BVCSTE tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Trưởng, phó phòng và C.viên khối NCTH;
- Lưu VT, VX (H1. )
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thị Bích Việt
|