Quyết định 3422/QĐ-UBND năm 2011 Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 3422/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/11/2011
Ngày có hiệu lực 02/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Thị Thu Thuỷ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3422/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 02 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2011-2015 TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004;

Căn cứ Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ công văn số 637/LĐTBXH-BVCSTE ngày 09/3/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội V/v xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1230/TT-LĐTB&XH ngày 05/9/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 tỉnh Quảng Ninh với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của Chương trình.

a) Mục tiêu tổng quát:

Tạo dựng môi trường sống mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực, buôn bán và sao nhãng. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển thông qua phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ và hoạt động có hiệu quả.

b) Mục tiêu cụ thể:

- 70% người dân trong cộng đồng và trẻ em được nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em.

- 100% cán bộ của hệ thống bảo vệ trẻ em ở các cấp của tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về bảo vệ trẻ em và công tác xã hội với trẻ em, kỹ năng tư­ vấn và quản lý trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng được hệ thống cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ trẻ em.

- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở mức dưới 1% trên tổng số trẻ em.

- 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, được trợ giúp, chăm sóc từ cộng đồng và nhà nước để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển.

- 70% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, được can thiệp, hỗ trợ để giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Đối tượng và phạm vi của Chương trình.

a) Đối tượng:

a1. Trẻ em dưới 16 tuổi, ưu tiên các nhóm đối tượng sau:

- Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gồm: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật.

- Nhóm trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt: Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ; trẻ em có cha mẹ ly hôn; trẻ em con hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật, nhiễm HIV/AIDS; trẻ em mù chữ, bỏ học; trẻ em mắc các chứng bệnh hiểm nghèo; trẻ em bị tai nạn thương tích nặng; trẻ em vùng bị thiên tai, hoả hoạn mất nhà cửa, tài sản; trẻ em nhập cư tạm trú ở các đô thị.

a2. Người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; người trực tiếp làm việc với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ.

a3. Các cộng đồng có nhiều yếu tố nguy cơ cao gây tổn hại cho trẻ em (thôn, bản nghèo, xóm chài, khu dân cư có nhiều người nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, cờ bạc, nghiện rượu, trộm cắp, mại dâm…).

b) Phạm vi: Chương trình được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương có số lượng hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chiếm tỷ lệ cao.

[...]