Quyết định 147/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 147/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 15/06/2005
Ngày có hiệu lực 07/07/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 147/2005/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2005 PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN TÂY  TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tại Tờ trình  số 1527/TT-UB ngày 06 tháng 4 năm 2005  về việc xin phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010"; đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  tại Công văn số 2939 BKH/KTĐP&LT ngày 04 tháng 5 năm 2005.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010" với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu phát triển đến năm 2010

Đưa miền Tây tỉnh Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng biên giới; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; bảo vệ tốt quốc phòng, an ninh biên giới và môi trường sinh thái bền vững.

2. Phương hướng phát triển đến năm 2010

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ngành nông, lâm nghiệp để hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến để tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tăng khối lượng và giá trị sản phẩm hàng hoá, tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm và phân công lại lao động trên địa bàn;

- Mở rộng các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, thông tin liên lạc. Phát triển mạng lưới thương mại dịch vụ vùng, huyện, cụm xã và mạng lưới chợ ở các xã vùng cao để thu mua trao đổi nông, lâm sản và cung ứng vật tư hàng hoá phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010

a) Về kinh tế:

- Nhịp độ phát triển kinh tế tăng bình quân: 15,08%; tổng giá trị sản xuất (giá 1994) đạt 12.536 tỷ đồng;

- Cơ cấu kinh tế: giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản từ 45,6% năm 2005 xuống 35%; tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 28,2% năm 2005 lên 37%; tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ từ 26,2% năm 2005 lên 28%;

- Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng (vùng núi cao 4 - 5 triệu đồng; vùng núi thấp 9 - 10 triệu đồng);

- Giá trị xuất khẩu đạt 45 triệu USD.

b) Về xã hội:

- Nhịp độ phát triển dân số tăng bình quân 1,1%. Quy mô dân số đạt 1.191.190 người;

- Xoá hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%;

- Cơ bản hoàn thành công tác định canh, định cư trên địa bàn các huyện vùng cao. Phấn đấu xoá bỏ tình trạng dân di cư tự do qua biên giới Lào;

- Phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở ở tất cả 10 huyện miền núi; 100% phòng học được kiên cố;

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 30%.

4. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực

­a) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội:

- Giao thông:

+ Xây dựng các tuyến đường kinh tế kết hợp với quốc phòng như:

­. Đường nối quốc lộ 7 với quốc lộ 48 dài 106 km;

[...]