Quyết định 1460/QĐ-UBND năm 2011 ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 1460/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/08/2011
Ngày có hiệu lực 25/08/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Hồ Việt Hiệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1460/QĐ-UBND

An Giang, ngày 25 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011-2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định 679/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10 tháng 5 năm 2011 phê duyệt Chương trình hành động về phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Kế hoạch Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi kết quả thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục PCTNXH (Bộ LĐTB&XH) (báo cáo);
- TT. UBND tỉnh (báo cáo);
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: VT.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1460/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. TÌNH HÌNH MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (2006-2010).

An Giang là tỉnh biên giới, có đường biên giới gần 100 km tiếp giáp với Campuchia; có nhiều cửa khẩu lớn nhỏ, hệ thống giao thông thủy bộ qua lại biên giới giữa hai nước dễ dàng, thuận lợi. Giáp cửa khẩu, về phía Campuchia có 2 Casino lớn, nhỏ thu hút nhiều lao động nữ trong nước sang phục vụ, cùng với nhiều nhà trọ có hoạt động phức tạp chứa chấp mại dâm. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại biên giới làm ăn, buôn bán, du lịch...từ việc giao thương qua lại biên giới thuận tiện đã tạo điều kiện cho kinh tế, thương mại, dịch vụ phát triển, nhưng cũng làm nảy sinh các loại tệ nạn xã hội, trong đó bao gồm cả tệ nạn mại dâm và vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới vì mục đích mại dâm; cùng với các hoạt động mại dâm ngấm ngầm diễn ra trong nội địa, luôn còn là vấn đề phức tạp và khó kiểm soát..

Theo kết quả điều tra, năm 2005 toàn tỉnh có hồ sơ quản lý 408 người bán dâm, 63 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm và 1.250 cơ sở kinh doanh dịch vụ với 1.667 lao động nữ là tiếp viên; năm 2007 có 178 người bán dâm, 41 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm và 1.641 cơ sở kinh doanh dịch vụ, với 2.860 nữ nhân viên phục vụ; năm 2010 có 51 người bán dâm, 8 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm và 1.414 cơ sở kinh doanh dịch vụ với 4.186 lao động nữ.

So sánh số liệu qua các thời điểm cho thấy, số lượng người bán dâm, chủ chứa mại dâm có giảm nhưng tính chất, hình thức hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu liên lạc qua điện thoại di động, hoạt động lưu động, thường xuyên di chuyển địa bàn nên rất khó kiểm soát; đặc biệt là hoạt động thông qua các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: nhà hàng, khách sạn, quán bia, karaoke, cơ sở massage, nhà trọ... Do lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê với nhiều hình thức và thiếu kiểm soát, đã tạo kẻ hở cho gái gọi, đối tượng có nguy cơ lén lút hoạt động mại dâm…

Nhìn chung trên địa ban tỉnh, tệ nạn mại dâm giảm về bề nổi nhưng vẫn còn là vấn đề bức xúc trong cộng đồng và xã hội, nạn buôn bán người qua biên giới vì mục đích mại dâm còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, làm suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư mà còn là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đến nòi giống, làm suy thoái đạo đức truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội trên nhiều mặt.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MẠI DÂM (2006 -2010).

A. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh:

Trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của Trung ương, để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy; những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, cụ thể như sau:

a) HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2004/NQ.HĐND về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND, về kinh phí cho Đội hoạt động xã hội tình nguyện và phụ cấp cho cộng tác viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang.

b) UBND tỉnh đã ban hành:

- Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 20/7/2005 phê duyệt Đề án Phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2005 - 2010;

[...]