Quyết định 1454/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010 - 2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 1454/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/11/2009
Ngày có hiệu lực 28/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Bùi Đức Lợi
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1454/QĐ-UBND 

Kon Tum, ngày 18 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2010 - 2012.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về việc Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012;
Căn cứ Thông tư số 03/2005/TT-BCN ngày 23/6/2005 của Bộ Công nghiệp về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về việc Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/5/2005 của Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) về việc Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Văn bản số 44/ST-KHTC ngày 13/10/2009 và Văn bản số 97/SCT-BC ngày 05/11/2009,  

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2010 - 2012 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu

- Động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh.

- Góp phần vào chuyển dịch kinh tế theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, đẩy nhanh phát triển TTCN và khôi phục các làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển nghề mới nhằm tạo việc làm tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội.

- Hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phấn đấu đến năm 2012:

+ Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn bình quân 3 năm 2010 - 2012 không thấp hơn tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (26,8%/năm).

+ Hàng năm hỗ trợ cho ít nhất là 8 dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 400 lao động đồng thời tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 1000 người thông qua các dịch vụ.

+ Tăng cường công tác đào tạo lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Chú trọng công tác đào tạo khởi sự, quản lý doanh nghiệp cho các chủ cơ sở sản xuất. Hàng năm tổ chức ít nhất 2 lớp khởi sự doanh nghiệp, đến năm 2012 có 80% các cơ sở sản xuất ở khu vực kinh tế dân doanh được đào tạo cơ bản về kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật và thương mại.

+ Phát triển làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn, đầu tư vào các khu vực tập trung sản xuất theo ngành nghề; khuyến khích tập trung đầu tư và khôi phục phát triển các nghề truyền thống, du nhập nghề, cấy nghề tạo nhiều việc làm; hỗ trợ đào tạo, truyền nghề lại cho lớp trẻ tại cộng đồng, làng xã; hỗ trợ thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường khuyến khích thông qua các chính sách.

+ Tranh thủ vốn đầu tư Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp - làng nghề nhằm thu hút các nhà đầu tư. Phấn đấu đến năm 2012 mỗi huyện có ít nhất 01 cụm điểm công nghiệp - TTCN - làng nghề được quy hoạch chi tiết và cơ bản xây dựng hoàn thành các hạng mục đầu tư hạ tầng.

2. Phạm vi, đối tượng: Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

II. NỘI DUNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH 

1. Chương trình đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề

a. Mục tiêu:

- Khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống;

- Du nhập nghề, cấy nghề mới, sản phẩm mới mà địa phương có tiềm năng phát triển như nguyên liệu, các điều kiện về tự nhiên, du lịch;

- Mỗi năm đào tạo ít nhất 120 lao động có nghề theo thể thức du nhập nghề, phát triển nghề; ít nhất 30 lao động được đào tạo nâng cao tay nghề.

b. Nội dung:

- Biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu và tổ chức các khóa đào tạo nghề, truyền nghề tại chỗ, ngắn hạn, gắn với cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn; tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo nghề cho một số nghề có thể tạo nhiều việc làm như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren…

- Đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp để hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề ở nông thôn. Hàng năm tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề, đào tạo thợ giỏi để hình thành đội ngũ giảng viên cho chương trình đào tạo nghề, truyền nghề.

2. Chương trình nâng cao năng lực quản lý.

[...]