Quyết định 142/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024

Số hiệu 142/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/01/2024
Ngày có hiệu lực 17/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 17 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2024

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Thông tư số 32/2014/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản;

Trên cơ sở Văn bản số 2555/TCTS-NTTS ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Tổng cục Thủy sản về việc xây dựng kế hoạch quan trắc phục vụ nuôi trồng thủy sản; Văn bản số 1453/TCTS-NTTS ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Tổng cục Thủy sản về việc hướng dẫn quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững và Văn bản 836/TCTS-NTTS ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Tổng cục Thủy sản về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản; Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 6431/TTr-SNN ngày 28 tháng 12 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024; bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Quan trắc hiện trạng môi trường làm cơ sở cho công tác quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, kiểm soát mức độ ô nhiễm nguồn nước để có biện pháp ngăn chặn kịp thời chỉ đạo sản xuất thủy sản, nhất là các đối tượng nuôi chủ lực, vùng nuôi thủy sản tập trung. Thông qua các thông tin dự báo về diễn biến môi trường giúp người nuôi kiểm soát chất lượng nước nuôi thủy sản, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, phòng ngừa phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi, phát triển thủy sản bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.

2. Thiết lập cơ sở dữ liệu môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đánh giá diễn biến chất lượng của môi trường nuôi trồng thủy sản trên những vùng trọng điểm được quan trắc và phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất

3. Kết quả quan trắc kết hợp với những khuyến cáo về lịch thả giống sẽ giúp cho người nuôi nắm được diễn biến môi trường nước cấp, nhận biết các yếu tố môi trường bất lợi để giúp cho người nuôi có kế hoạch lấy nước vào ao, xử lý nước, thả giống và quản lý vùng nuôi thích hợp.

II. NỘI DUNG QUAN TRẮC

1. Vùng quan trắc

Là những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có chung nguồn nước cấp, phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường; vùng nuôi có diện tích từ 10 ha trở lên đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, từ 200 ha trở lên đối với hình thức nuôi khác, từ 1.000 m3 trở lên đối với nuôi lồng, bè. Cụ thể:

a) Khu vực ngập mặn huyện Long Thành - Nhơn Trạch: Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản nước lợ là 1.669 ha, trong đó, khu vực tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú thâm canh là 333 ha (trong đó khoảng 120 ha nuôi tôm thẻ). Quan trắc tại các vị trí: Xã Phước An (hợp lưu sông Thị Vải, sông Đồng Kho, sông Đồng Tranh, Tắc Nha Phương, Tắc Ông Trúc), xã Phước Thái, xã Long Phước (sông Thị Vải).

b) Khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Cái, TP. Biên Hòa: Có số lượng lồng, bè, xổng nuôi tập trung dày (385 bè, 830 lồng), thường có nguy cơ ô nhiễm hữu cơ.

c) Khu vực nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu (các xã Mã Đà, thị trấn Vĩnh An); huyện Định Quán (các xã La Ngà, Phú Ngọc, Thanh Sơn, Ngọc Định): Lồng, bè nuôi tập trung (khoảng 1.125 lồng, bè), thường có nguy cơ ô nhiễm hữu cơ.

2. Đối tượng quan trắc

Quan trắc chất lượng môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, bao gồm:

a) Quan trắc môi trường khu vực cấp nước cho vùng nuôi tập trung các đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế như cá chép, cá lăng, cá rô phi, điêu hồng tại các thủy vực trọng điểm tại khu vực nuôi cá lồng bè sông Cái - TP. Biên Hòa; khu vực hồ Trị An - làng cá bè La Ngà - Định Quán;

b) Quan trắc môi trường khu vực cấp nước cho vùng nuôi tôm thẻ, tôm sú, hào tại hai huyện Long Thành vả Nhơn Trạch.

3. Tần suất quan trắc

Quan trắc định kỳ được thực hiện với tần suất 02 lần/tháng tại các khu vực/vùng quan trắc.

[...]