ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 978/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 02
tháng 6 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG TRONG
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2022-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương số 77/2015/QH13; Luật Tổ chức chính quyền địa phương số
47/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa
phương;
Căn cứ Luật Thú y số
79/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;
Căn cứ Nghị định số
26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ Thông tư số
04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;
Căn cứ Quyết định số
1151/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
việc phê duyệt Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi
trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 238/TTr-SNN, ngày 11 tháng
5 năm 2022,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường
trong nuôi trồng thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025 (có bản kế hoạch
chi tiết kèm theo).
Điều 2.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp
với các ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện
theo quy định.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở:
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Chính, Kế hoạch và đầu tư, Giám đốc
kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng
các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT (b/c);
- TT tỉnh uỷ (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các Phó CT UBND tỉnh;
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, KT, Mạnh KT, 10 bản.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Công
|
KẾ HOẠCH
QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2022-2025
Thực hiện Quyết định số
1151/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
việc phê duyệt “Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi
trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025”. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành kế hoạch
như sau:
I. SỰ CẦN
THIẾT
Trong những năm qua, nuôi trồng
thủy sản (NTTS) tỉnh Sơn La có những bước phát triển mạnh mẽ, thu được những kết
quả đáng kể, giảm nghèo, tạo thu nhập và việc làm cho một bộ phận lao động,
đóng góp tích cực cho kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh những thành tựu quan trọng,
NTTS tỉnh Sơn La cũng đang phải đối mặt với môi trường và dịch bệnh. Hiện nay
môi trường nuôi trồng thủy sản đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng,
khó kiểm soát: Vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông
nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động NTTS không ngừng phát triển
đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; việc tăng cường quản lý để kiểm soát môi
trường và dịch bệnh là vấn đề cấp bách.
Công tác quan trắc môi trường
vùng NTTS sẽ giúp cung cấp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng
nuôi, mùa vụ nuôi, kế hoạch phòng tránh dịch bệnh, giúp cho cơ quan quản lý
trong việc quy hoạch vùng NTTS tại địa phương và định hướng phát triển ngành thủy
sản trong tương lai. Công tác quan trắc môi trường còn giúp người nuôi chủ động
trong công tác quản lý chất lượng nước vùng nuôi và phòng ngừa dịch bệnh hiệu
quả. Do vậy quan trắc môi trường trong NTTS đóng vai trò cực kỳ quan trọng để
NTTS hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hiện nay, trong bối cảnh ngành
Nông nghiệp nông thôn và thủy sản đang tái cấu trúc theo hướng bền vững và gia
tăng giá trị, công tác quan trắc môi trường trong NTTS được Bộ Nông nghiệp và
PTNT quan tâm, chỉ đạo nhằm quản lý tốt môi trường NTTS, hạn chế dịch bệnh, bảo
vệ môi trường sinh thái, góp phần thiết thực đảm bảo an ninh lương thực và thực
phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy việc Quan trắc môi trường phục vụ NTTS
là thật sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển NTTS bền vững,
hướng tới xuất khẩu.
II. MỤC TIÊU
1. Quan trắc môi trường vùng
nuôi trồng thủy sản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất tại
các vùng nuôi thủy sản tập trung.
2. Cảnh báo kịp thời các thông
tin về diễn biến môi trường vùng NTTS, giúp người nuôi kiểm soát chất lượng nước,
chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp xử lý môi trường
phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, phát triển thủy
sản bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.
III. NỘI
DUNG KẾ HOẠCH
1. Quan
trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2022-2025
a) Đối tượng quan trắc
- Là vùng nuôi cá lồng tập
trung từ 1.000m3 trở lên.
- Quan trắc môi trường phục vụ
nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La nhằm đánh giá hiện
trạng chất lượng nước vùng nuôi và đánh giá sự ảnh hưởng của hoạt động nuôi cá
lồng tới môi trường xung quanh, để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý kịp
thời chỉ đạo sản xuất hiệu quả.
b) Thời gian và địa điểm quan
trắc
- Thời gian: giai đoạn
2022-2025
- Địa điểm: 6 điểm x 4 năm = 24
điểm trong đó:
+ Quỳnh Nhai: 2 điểm x 4 năm =
8 điểm, trong đó: 01 điểm có kinh độ 21038’2’’N, vĩ độ 103039’38’E;
01 điểm có kinh độ 21041’50’’N, vĩ độ 103057’32’’E.
+ Mường La: 2 điểm x 4 năm = 8
điểm, trong đó: 01 điểm có kinh độ 21036’42’’N, vĩ độ 103055’42’’E;
01 điểm có kinh độ 21035’28’’N, vĩ độ 103057’32’’E.
+ Phù Yên: 1 điểm x 4 năm = 4
điểm, có kinh độ 2107’7’’N, vĩ độ 104040’36’’E.
+ Mộc Châu: 1 điểm x 4 năm = 4
điểm, có kinh độ 100006’37.53’’571, vĩ độ 51057’14.64’’904.
c) Thời điểm quan trắc
Mẫu được thu cố định vào 02 thời
điểm:
- Buổi sáng lúc 5 - 7h giờ
sáng.
- Buổi chiều 14h - 15h.
d) Các thông số và tần suất
quan trắc
Các thông số môi trường thông
thường như: Nhiệt độ nước, pH, DO, độ kiềm, COD, H2S, N-NH4+,
P-PO43-, N-NO2-, N-NO3-,
TSS, mật độ và thành phần tảo độc quan trắc với tần suất 4 lần/tháng; vi khuẩn Aeromonas
spp, Streptococcus sp, Coliform, thực vật phù du tần suất quan trắc 2 lần/tháng;
thuốc bảo vệ thực vật (Nhóm Clo hữu cơ, nhóm lân hữu cơ, nhóm carbamate,
nhóm cúc tổng hợp, nhóm neonicotinoid, nhóm avermectin, thuốc trừ cỏ và tổng độ
phóng xạ a, b), nhóm kim loại nặng (Cd, Pb và Hg) quan trắc tối thiểu
3 - 5 lần/năm.
e) Phương pháp phân tích mẫu
- Các chỉ tiêu nhiệt độ nước,
oxy, pH đo bằng máy đo tại hiện trường điểm quan trắc.
- Các chỉ tiêu: Độ kiềm, COD,
H2S, N-NH4+, P-PO43-, N-NO2-, N- NO3-, TSS, thuốc bảo vệ thực vật, nhóm kim loại
nặng (Cd, Pb và Hg), mật độ và thành phần tảo độc, vi khuẩn Aeromonas spp,
Streptococcus sp, Coliform, thực vật phù du. được phân tích tại phòng thí nghiệm.
2. Công
tác thông tin truyền thông
- Các điểm quan trắc sẽ được
ghi lại tọa độ GPS thể hiện trên bản đồ.
- Dựa trên kết quả phân tích
các chỉ tiêu quan trắc môi trường thông báo đến cơ quan quản lý thủy sản cấp
huyện, ủy ban nhân dân xã vùng quan trắc và các đơn vị có liên quan bằng văn bản
và các phương tiện thông tin đại chúng, định kỳ 01 lần/tháng theo số lần quan
trắc môi trường.
- Công bố kết quả quan trắc
trên trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La, giúp người nuôi
cập nhật thông tin kịp thời, giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững nghề nuôi
cá lồng hồ chứa.
3. Đơn vị
quan trắc: Có đủ năng lực, điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc
môi trường theo quy định.
4. Chế độ
báo cáo
- Chủ cơ sở nuôi thủy sản theo
dõi, giám sát môi trường nuôi tại cơ sở nuôi, khi phát hiện môi trường có diễn
biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất nuôi trồng thủy sản phải báo
cáo ngay cho UBND xã và cơ quan quản lý chuyên ngành nơi gần nhất bằng hình thức
trực tiếp bằng gọi điện hoặc có văn bản trực tiếp.
- UBND xã báo cáo trực tiếp
UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Khi phát hiện có môi trường
diễn biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại
một vùng nuôi, đơn vị quan trắc báo ngay cho Sở Nông nghiệp và PTNT ra quyết định
cảnh báo và ứng phó kịp thời; đồng thời thông báo cho các đơn vị liên quan phối
hợp xử lý.
- Trong vòng 03 ngày kể từ khi
thu mẫu, đơn vị quan trắc phải gửi thông báo kết quả quan trắc môi trường cho Sở
Nông nghiệp và PTNT bằng văn bản. Trong vòng 01 ngày kể từ khi nhận được kết quả
quan trắc Sở Nông nghiệp và PTNT gửi cảnh báo kèm theo biện pháp xử lý, khắc phục
tới cơ quan quản lý thủy sản cấp huyện, cấp xã có vùng quan trắc; đồng thời báo
cáo UBND tỉnh, Tổng cục thủy sản và các đơn vị có liên quan bằng văn bản.
IV. KINH PHÍ
- Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch
quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn
La giai đoạn 2022-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Sở Nông nghiệp và PTNT là
cơ quan thường trực tổng hợp kinh phí báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT; Các Sở,
Ngành, UBND các huyện có liên quan xây dựng dự toán chi tiết và tổng hợp chung
vào dự toán ngành, dự toán chi ngân sách huyện gửi Sở Tài chính thẩm định trình
HĐND, UBND tỉnh. Đồng thời thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương
trình, dự án và nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá
nhân đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
1.1. Chủ trì, phối hợp với các
Sở, ngành, UBND các huyện có liên quan tổ chức triển khai. Phân công, đôn đốc,
chỉ đạo, giao Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản chủ trì, phối hợp với các
đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi
trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả. Kiểm tra, giám sát, tổng hợp,
đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất việc điều chỉnh,
bổ sung kế hoạch phù hợp tình hình thực tế báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét,
quyết định.
1.2. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi,
Thú y và Thủy sản:
- Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự
toán chi tiết báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính thẩm định phê duyệt
để triển khai thực hiện theo quy định.
- Lựa chọn đơn vị có đủ năng lực
theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quan trắc môi trường. Phối hợp chặt
chẽ với đơn vị quan trắc tiến hành thu mẫu, phân tích và thông báo kết quả phân
tích, khuyến cáo, hướng dẫn cho người nuôi.
- Theo dõi, đánh giá diễn biến
môi trường, các thông số môi trường ở các thời điểm có khả năng gây bệnh cho đối
tượng nuôi làm tiền đề nghiên cứu biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, xác định đối
tượng nuôi, thời gian thả nuôi phù hợp.
- Thu thập, quản lý và xây dựng
hệ thống dữ liệu về quan trắc môi trường làm cơ sở phục vụ cho việc nghiên cứu,
quản lý nuôi trồng thủy sản.
- Khuyến cáo và giám sát chặt
chẽ việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, đặc biệt là các chất cấm trong nuôi
trồng thủy sản nhằm hạn chế tác động gây ô nhiễm môi trường nước.
- Thông báo kịp thời, sâu rộng
về kết quả quan trắc bằng văn bản đến các cơ quan liên quan và người nuôi trồng
thủy sản để phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại do môi trường, dịch bệnh
gây ra.
- Tổng hợp và báo cáo kết quả
thực hiện về UBND tỉnh, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến môi trường khu vực nuôi trồng thủy
sản theo kế hoạch này cho Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan
trong hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu nhằm phục vụ cho công tác quản
lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ
môi trường.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối
hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch quan
trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành của
nhà nước.
4. Sở Tài chính: Thẩm định
dự toán kinh phí; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch Kế
hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước.
5. UBND các huyện Mường La,
Phù Yên, Quỳnh Nhai, Mộc Châu
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT, đơn vị quan trắc môi trường triển khai Kế hoạch đã được phê duyệt.
- Tuyên truyền, phổ biến, khuyến
cáo người nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt các quy định về nuôi trồng thủy sản
nhằm giảm tác động xấu đến môi trường; thông báo kịp thời kết quả quan trắc môi
trường và các biện pháp hướng dẫn xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của cơ
quan chuyên môn.
- Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản địa phương, nhằm phát hiện và phối hợp xử
lý kịp thời các tình huống xảy ra trong nuôi trồng thủy sản.
6. Đơn vị quan trắc môi trường
- Lấy mẫu, phân tích, xử lý số
liệu, tổng hợp kết quả quan trắc môi trường và biên soạn bản tin quan trắc theo
kế hoạch quan trắc môi trường được phê duyệt.
- Trong vòng 03 ngày kể từ khi
thu mẫu, đơn vị quan trắc phải gửi báo cáo và bản tin quan trắc môi trường đến
Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Tổng hợp cơ sở dữ liệu về
quan trắc môi trường và các thông tin khác có liên quan cung cấp cho Sở Nông
nghiệp và PTNT quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa
bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch quan trắc,
cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn
2021-2025, UBND tỉnh yêu cầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên
và Môi trường, UBND các huyện Mường La, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Mộc Châu triển
khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc
phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem
xét giải quyết./.