Quyết định 1406/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020

Số hiệu 1406/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/06/2009
Ngày có hiệu lực 19/06/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Huỳnh Đức Hòa
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1406/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 19 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÁC KHU VỰC CHĂN NUÔI TẬP TRUNG, CƠ SỞ GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN, BẢO QUẢN SẢN PHẨM CHĂN NUÔI TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN NHÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Xét Tờ trình số 78/TTr-SNN ngày 07/5/2009 và Tờ trình số 99/TTr-SNN ngày 17/6/2009 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tại Tờ trình số 887/TTr-KHĐT ngày 29/5/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Đối tượng và phạm vi quy hoạch: Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô vừa trở lên và các cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Quan điểm phát triển:

a) Phát huy các lợi thế để phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; đưa Lâm Đồng thành địa bàn chăn nuôi hàng hóa có sức cạnh tranh cao và bền vững, đặc biệt chú trọng phát triển gà và heo.

b) Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở và hộ gia đình di dời cơ sở chăn nuôi ở các khu vực cấm nuôi sang các vùng được phép chăn nuôi, chuyển phương thức chăn nuôi phân tán quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát tốt dịch bệnh.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các lò mổ, điểm giết mổ gắn liền với các khu chăn nuôi tập trung; hạn chế và cơ bản chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tại nhà vào năm 2020; chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bảo quản và chế biến.

3. Mục tiêu:

a) Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 10-12% giai đoạn 2009-2010 và 12-13% giai đoạn 2010-2020. Phấn đấu tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 14% hiện nay lên 17% vào năm 2010, 26% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.

b) Phát triển đàn gia súc, gia cầm với tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 10%.

- Đàn heo: đến năm 2010 đạt khoảng 503.000 con, năm 2015 đạt khoảng 888.000 con và năm 2020 đạt khoảng 1.635.000 con.

- Đàn bò: đến năm 2010 đạt khoảng 147.000 con, năm 2015 đạt khoảng 248.000 con và năm 2020 đạt khoảng 417.000.

- Đàn gia cầm: đến năm 2010 đạt khoảng 2.500.000 con, đến năm 2015 đạt khoảng 3.975.000 con và năm 2020 đạt khoảng 5.000.000.

c) Tăng tỷ lệ chăn nuôi tập trung đàn heo từ 20,5% hiện nay lên 35% năm 2010 và hầu hết được chăn nuôi tập trung sau năm 2015; đàn gia cầm từ 33,1% hiện nay lên 45% năm 2010 và hầu hết được chăn nuôi tập trung sau năm 2015; đàn bò từ 5,31% hiện nay lên 20% năm 2010, 60% vào năm 2015 và hầu hết được chăn nuôi tập trung sau năm 2020.

d) Đảm bảo cung cấp nhu cầu thịt cho dân cư trong tỉnh với sản lượng giết mổ tập trung bình quân hàng ngày khoảng 1.500 gia súc và trên 50.000 gia cầm vào năm 2010; trên 2.000 gia súc và 70.000 gia cầm vào năm 2015; trên 2.700 gia súc và 96.000 gia cầm vào năm 2020.

4. Nội dung quy hoạch:

a) Quy hoạch vùng được chăn nuôi và quy hoạch vùng cấm chăn nuôi tập trung:

- Vùng được chăn nuôi phải cách xa nguồn cấp nước cho sinh hoạt trên 1.000m (có thể gần hơn nhưng hướng nước không đổ về khu vực nguồn nước), cách xa khu dân cư ít nhất 300m, cách xa quốc lộ, tỉnh lộ ít nhất 500m, cách xa huyện lộ ít nhất 300m, cách xa khu công nghiệp, khu du lịch ít nhất 300m; có mặt bằng thuận lợi, không nằm trên địa hình đồi núi quá dốc, diện tích tối thiểu trên 20 ha; kết cấu hạ tầng thuận lợi, đảm bảo khả năng cung cấp nước và xử lý môi trường. Tổng diện tích vùng quy hoạch được chăn nuôi toàn tỉnh là 413.737 ha.

- Vùng quy hoạch cấm chăn nuôi tập trung là những vùng không đáp ứng các quy định trên. Tổng diện tích vùng cấm chăn nuôi trên toàn tỉnh là 518.068 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục I đính kèm)

b) Quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung:

[...]