Quyết định 140/2007/QĐ-TTg Về Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 140/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/08/2007
Ngày có hiệu lực 17/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2007 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI, TỈNH TÂY NINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước; 
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI, TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 140/2007/QĐ-TTgngày 24 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và tổ chức quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Điều 2.

1. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia với các khu chức năng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất theo các quy định hiện hành bao gồm hạ tầng kinh tế - xã hội và chính sách, cơ chế quản lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường.

2. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có diện tích tự nhiên 21.292 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ranh giới địa lý được xác định như sau:

a) Phía Bắc giáp các xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ của huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông.

b) Phía Nam giáp tỉnh Long An.

c) Phía Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông.

d) Phía Tây giáp Vương quốc Campuchia.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài gồm các khu chức năng khác nhau được phân biệt theo các nguyên tắc nhất định để áp dụng các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường khuyến khích đầu tư, kinh doanh thuận lợi phù hợp với cơ chế thị trường, xu thế hội nhập và các quy định của pháp luật. 

Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

1. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một đô thị cửa khẩu, một trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông Tây tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Đông Nam bộ.

2. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh, góp phần tạo ra động lực mới chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Tây Ninh trong thời kỳ mới, tạo ra khu vực thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, phát triển sản xuất công nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. 

 3. Thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, đặc biệt khu vực biên giới và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, môi trường sinh thái, văn hoá, xã hội, trật tự an ninh quốc phòng trên cơ sở tạo được nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực này với các vùng khác trong cả nước.

[...]