Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 139/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống ma tuý 1998-2000 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 139/1998/QĐ-TTg
Ngày ban hành 31/07/1998
Ngày có hiệu lực 15/08/1998
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ 1998-2000

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 743/TTg ngày 14 tháng 11 năm 1995 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 1996 - 2000;
Xét đề nghị của Chủ tịch ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy tại tờ trình số 60/UBQG ngày 18 tháng 4 năm 1998 về việc đề nghị phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống ma túy 1998 - 2000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống ma túy 1998 - 2000 (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng chống ma túy, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MA TUỲ GIAI ĐOẠN 1998-2000
(Ban hành kèm theo Quyết định số 139/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998)

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 1996-2000; trên cơ sở "Kế hoạch tổng thể phòng, chống và kiểm soát ma tuý giai đoạn 1996-2000", Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai "Chương trình hành động phòng, chống ma tuý 1998-2000" với các mục tiêu, các giải pháp và kế hoạch cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Quán triệt phương châm phòng ngừa là chính, nâng cao ý thức tự giác của nhân dân tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi, chú trọng vai trò của gia đình trong việc phòng, chống ma tuý; tổ chức cai nghiện có hiệu quả; chặn đứng phát sinh mới tệ nạn nghiện ma tuý, giảm dần (không thấp hơn 50% số nghiện hiện có); đến năm 2000 xoá bỏ về cơ bản tệ nghiện ma tuý đặc biệt là trong học sinh, sinh viên và trẻ em vi thành niên.

2. Không để tái trồng cây thuộc phiện, cây cần sa; đến năm 2000 xoá cơ bản diện tích cây thuốc phiện, cây cần sa còn lại ở Việt Nam.

3. Ngăn chặn có hiệu quả việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các tiền chất; điều tra, khám phá, truy tố, xét xử nghiêm các tội phạm về ma tuý. Xoá bỏ cơ bản các tụ điểm sử dụng trái phép các chất ma tuý.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền:

a) Xây dựng kế hoạch giáo dục tuyên truyền phòng, chống ma tuý phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương.

b) Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền miệng, các loại hình văn hoá nghệ thuật nhằm nâng cao trách nhiệm của các gia đình, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp, các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về tác hại của ma tuý, tạo ra phong trào toàn dân lên án tệ nạn này. Mở chuyên mục phòng, chống ma tuý định kỳ hàng ngày, hàng tuần trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các báo. Thành lập các đội tuyên truyền xung kích do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì kết hợp với Công an và các ngành có liên quan để tuyên truyền về phòng, chống ma tuý đặc biệt là tuyên truyền trong thanh thiếu niên.

c) Tăng cường công tác truyền thông trực tiếp. Đưa nội dung phòng, chống ma tuý vào hoạt động của các Nhà văn hoá thông tin, Trung tâm thông tin - triển lãm, các đội thông tin lưu động, các đội tuyên truyền xung kích, các câu lạc bộ. Coi trọng các hình thức văn nghệ nhỏ, nhẹ như kịch ngắn, tiểu phẩm, tấu, hề chèo, ngâm thơ, tranh châm biếm,... Củng cố các trạm, hệ thống truyền thanh ở xã, phường, nông lâm trường, xí nghiệp, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân. Để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng chống ma tuý. Xây dựng các cụm thông tin cổ động ở những nơi tập trung đông dân để kịp thời thông tin về tác hại của ma tuý và kết quả phòng, chống ma tuý ở địa phương.

d) Xây dựng những tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, sân khấu có chất lượng cao, tổ chức triển lãm về chủ đề phòng, chống ma tuý để phổ biến rộng rãi.

e) Lồng ghép chương trình giáo dục phòng, chống ma tuý với các chương trình mục tiêu khác. Tạo điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi lành mạnh để thu hút thanh thiếu niên. Đưa các nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý vào giảng dạy nội hoặc ngoại khoá trong nhà trường phù hợp với mục tiêu đào tạo của các cấp học, bậc học. Thực hiện các dự án giáo dục phòng, chống ma tuý trong nhà trường.

g) Nghiên cứu, biên doạn tài liệu "Những vấn đề cơ bản về công tác phòng, chống ma tuý" để phổ biến rộng rãi trong toàn dân.

2. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các tiền chất và xoá bỏ trồng cây có chất ma tuý.

a) Bổ sung và thực hiện nghiêm quy chế quản lý các loại thuốc có chứa chất ma tuý và tiền chất được sử dụng hợp pháp cho mục đích y học, nghiên cứu khoa học công nghệ. Tăng cường trách nhiệm những cơ quan y tế về kiểm soát chất ma tuý hợp pháp. Thực hiện có hiệu quả các dự án về quản lý tiền chất ở Việt Nam. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, buôn bán, phân phối, sử dụng và vận chuyển các loại thuốc có chứa chất hướng thần.

b) Hưởng ứng kế hoạch bỏ trồng cây ma tuý trái phép và phát triển cây thay thế do Liên hợp quốc phát động; tiếp tục vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc vùng cao đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển hướng sản xuất, lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội và các dự án khác trên cùng địa bàn để thay thế cây thuốc phiện, phấn đấu đến năm 2000 xoá bỏ về cơ bản và không để tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa.

[...]