Quyết định 1381/QĐ-TTg năm 2001 phê duyệt dự án khả thi cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé - đôi – tẻ giai đoạn I (2001 - 2006) do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
Số hiệu | 1381/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 24/10/2001 |
Ngày có hiệu lực | 24/10/2001 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1381/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN KHẢ THI CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG NƯỚC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, LƯU VỰC KÊNH TÀU HŨ – BẾN NGHÉ - ĐÔI – TẺ GIAI ĐOẠN I (2001 - 2006)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Xét đề nghị của UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại các công văn số 1085/UB-DA ngày 4/4/2001, số 2532/UB-ĐT ngày 26/7/2001, số 3316/UB-ĐT ngày 18/9/2001, số 3426/UB-ĐT ngày 26/9/2001 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các công văn số 5623/BKH-VPTĐ ngày 20/8/2001, số 6811/BKH-VPTĐ ngày 9/10/2001.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt dự án khả thi cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé - Đôi – Tẻ giai đoạn I (2001 - 2006) với các nội dung chính sau:
1. Tên dự án: dự án khả thi cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn I (2001 - 2006).
2. Mục tiêu đầu tư
- Cải tạo hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải.
- Khôi phục cải tạo hệ thống kênh, chỉnh trang đô thị, kết hợp giao thông đường thuỷ và đường bộ, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực.
3. Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Địa điểm xây dựng: thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - BếN Nghé - Đôi - Tẻ rộng 3.046 ha nằm trên địa bàn của 11 quận, huyện: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
5. Các hạng mục đầu tư chính:
- Cải tạo kênh Bến Nghé đoạn chiều dài 3.158 m, kênh Tàu Hũ chiều dài 4.130 m.
- Cải tạo thoát nước mưa bằng bơm tại khu vực Thanh Đa quận Bình Thạnh (15,4 ha), Bến Mễ Cốc I (70,9 ha) và Bến Mễ Cốc II Quận 8 (46 ha).
- Cải tạo hệ thống cống chung hiện hữu trong lưu vực: cải tạo, thay thế 3.182 m hệ thống cống hộp có kích thước 2.000 x 2.000 mm và 2.500 x 2.500 mm. xây dựng, bổ sung 6.530 m cống tròn đường kính 1.000 mm, cống hộp có kích thước 2.500 x 2.000 mm.
- Xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải xây dựng 6.594 m cống bao chính (đường kính từ 300 - 2.000 mm); xây dựng 7.018 m cống bao nhánh (đường kính từ 300 - 1.200 mm) và 32 giếng ngăn tràn.
- Xây dựng trạm bơm chuyển tiếp nước thải tại Đồng Diều: 66,7 m3/phút x 3 máy bơm (1 máy dự phòng).
- Xây dựng hệ thống 3.530 m cống chuyển tải nước thải từ trạm bơm về nhà máy xử lý nước thải (quận 8, huyện Bình Chánh) cống hộp 1.300 x 1.300 mm.
- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghệ sinh học bùn hoạt tính công suất nhà máy là 141.000 m3/ngày đêm.
- Mua sắm thiết bị nạo vét.
6. Tổng mức đầu tư: 4.163,94 tỷ VNĐ.
Đây là hạn mức tối đa làm cơ sở cho việc đàm phán vay vốn.
7. Nguồn vốn đầu tư:
- Vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản: 24.426 triệu yên Nhật (tương đương với 3.213,980 tỷ VNĐ).
- Vốn đối ứng: 949,970 tỷ VNĐ.
8. Cơ chế vốn đầu tư:
Phần vốn vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản được cấp lại cho Thành phố Hồ Chí Minh theo cơ chế cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước. phần vốn đối ứng do ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh cân đối.
9. Thời gian thực hiện dự án: từ 2001 đến năm 2006.
Điều 2: Giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo và quản lý việc thực hiện dự án từ bước thiết kế đến tổ chức thi công và đưa công trình vào sử dụng hiệu quả; cần lưu ý thực hiện các vấn đề sau:
- Phối hợp với các Bộ, ngành xử lý xong các tồn tại của dự án trước khi khởi công xây dựng (nhất là các nội dung liên quan đến giải pháp công nghệ, kỹ thuật, xử lý môi trường và quản lý, sử dụng đất đai).
- Rà soát kỹ các hạng mục đầu tư để giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả dự án và chỊu trách nhiỆm toàn diện về dự án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài Chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |