Quyết định 138/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

Số hiệu 138/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/01/2010
Ngày có hiệu lực 15/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trương Tấn Thiệu
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 15 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 15/TTr-SGDĐT ngày 05 tháng 01 năm 2010 và Hội đồng thẩm định tại Biên bản ngày 29 tháng 9 năm 2009 về việc thông qua Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020,

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (có Quy hoạch kèm theo), với các nội dung chính như sau:

1. Quan điểm Quy hoạch

Phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau:

- Phát triển giáo dục và đào tạo phải hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện con người, nâng cao dân trí, tạo lập đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước; phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân;

- Phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại hóa, liên thông các cấp học, hội nhập vào tiến trình phát triển giáo dục chung của cả nước; của miền Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam để trở thành một bộ phận của trung tâm đào tạo lớn, có uy tín của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước hội nhập khu vực và quốc tế;

- Phát triển giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được tiếp cận hệ thống giáo dục, được học tập thường xuyên và học suốt đời;

- Phân bố và phát triển hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả của hệ thống hiện có một cách hợp lý, thiết thực và hiệu quả; gắn với phân bố dân cư đồng thời phải đáp ứng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp, các ngành sản xuất và chế biến hàng hoá có tính cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu và phù hợp với Quy hoạch phát triển chung của cả nước và vùng Đông Nam bộ.

2. Nội dung Quy hoạch

1.1. Mục tiêu tổng quát

Giáo dục - đào tạo Bình Phước có qui mô phù hợp, chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng tốt mục tiêu phát triển, hoàn thiện nhân cách con người, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng; đồng thời thoả mãn nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân.

2. 2. Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể

- Về giáo dục mầm non

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em trước 6 tuổi bằng những hình thức thích hợp, tạo cơ sở để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, thẩm mĩ; mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường lớp mẫu giáo, đặc biệt chú trọng trẻ 5 tuổi, trẻ em các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; phổ biến rộng rãi kiến thức và phương pháp nuôi dạy trẻ cho các gia đình; hạ thấp và xoá bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và kém phát triển ở trẻ em.

Tăng tỉ lệ trẻ em đi nhà trẻ từ 8,3% (2008) lên 25% (2015) và 50-55% (2020). Tỉ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo tăng từ 47,8% (2008) lên 75% (2015) và 85-90% (2020); đặc biệt trẻ 5 tuổi đi học tăng từ 90% (2008) lên 95-98% (2015) và 100% (2020).

Đến năm 2015, mỗi xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có ít nhất 1 trường công lập làm nòng cốt. Số trường đạt chuẩn quốc gia 10-15% trên tổng số trường. Các trường đều có đủ các khu, phòng chức năng, công trình vệ sinh, nước sạch, sân chơi, tường rào...

Từ sau năm 2015, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tập trung xây dựng một số trường trọng điểm, hướng tới đạt chuẩn quốc gia từ 50-55% (2020).

Đào tạo, bồi dưỡng và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, nâng cao tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn từ 75,6% (2008) lên 80-85% (2015) và 100% (2020).

- Về giáo dục phổ thông

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, pháp luật và truyền thống cho học sinh. Cung cấp những kiến thức phổ thông cơ bản, có hệ thống, tiếp cận với trình độ chung của quốc gia, khu vực và thế giới; tạo dựng và kích thích tính chủ động, tích cực và sáng tạo, giúp cho học sinh năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Giáo dục phổ thông phải có sự liên kết chặt chẽ với giáo dục kĩ thuật nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng để tạo cơ hội thuận lợi cho học sinh khi tham gia vào thị trường lao động.

+ Tiểu học: duy trì thành quả đã đạt được của phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2015.

Tăng tỉ lệ huy động học sinh đi học từ 85,5% (2008) lên 100% (2015). Tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày từ 20% (2008) lên 50-60% (2015) và 100% (2020).

Đủ phòng học, 50-60% số học sinh có đủ phòng học 2 buổi/ngày (2015) và 100% (2020); các khu, phòng, công trình chức năng được đảm bảo. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 7,6% (2008) lên 45-50% (2015) và 65-70% (2020). Mỗi huyện/thị xã có từ 2-3 trường trọng điểm chất lượng cao (2020).

[...]