Quyết định 135/2005/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quản lý nợ nước ngoài đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 135/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 08/06/2005
Ngày có hiệu lực 03/07/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 135/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

 PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ NỢ NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị tại thông báo số 147-TB/TW ngày 16 tháng 7 năm 2004 về Đề án Chiến lược vay và trả nợ nước ngoài đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các tờ trình số 5811 BKH/TCTT ngày 15 tháng 9 năm 2004 và 1696 BKH/TCTT ngày 21 tháng 3 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt định hướng vay và trả nợ nước ngoài của Việt Nam đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

A. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT:

Xác định phương hướng chủ đạo trong công tác thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài nhằm bổ sung có hiệu quả hơn nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp thu chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong thời kỳ từ nay đến năm 2010, phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển đất nước; bảo đảm khả năng trả nợ và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.

B. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

1. Huy động vốn vay nước ngoài phải nhằm mục tiêu bổ sung, khai thác và phát huy các tiềm lực có sẵn trong nước cho đầu tư phát triển kinh tế. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng ngành, địa phương, khả năng cân đối ngoại tệ và trả nợ của nền kinh tế trong từng thời kỳ.

2. Hiệu quả của các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu trong việc quyết định vay vốn nước ngoài. Việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý nợ nước ngoài, hoàn thiện bộ máy quản lý nợ nước ngoài phù hợp với từng thời kỳ và tăng cường sự phối hợp và gắn kết chặt chẽ giữa công tác quản lý nợ nước ngoài với việc xây dựng các cân đối và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô là những điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả sử dụng vốn, góp phần hướng dẫn và khuyến khích sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm và xoá bỏ bao cấp trong việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài.

C. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP LỚN:

1. Quản lý nợ nước ngoài của Chính phủ

a) Nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Cần tranh thủ nguồn vốn vay ODA phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển và khả năng hấp thụ của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, địa phương nói riêng. Vốn vay ODA phải được ưu tiên tập trung đầu tư vào các ngành và lĩnh vực cụ thể phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không có điều kiện thu hồi vốn trực tiếp, việc sử dụng vốn phải dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội. Đối với các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh phải lấy hiệu quả tài chính làm thước đo chủ yếu.

Từ nay đến năm 2010, các lĩnh vực sau đây được định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ODA:

- Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản), kết hợp xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm, định canh định cư, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho miền núi, vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn.

- Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại.

- Phát triển cơ sở hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục và đào tạo, dân số và phát triển).

- Khoa học, công nghệ, môi trường, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ ứng dụng cho từng ngành kinh tế và đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm phát triển bền vững.

Tăng cường thu hút nguồn vốn vay ODA đòi hỏi phải tăng cường tương ứng khả năng sử dụng vốn đầu tư một cách có hiệu quả. Không bố trí hoặc hạn chế bố trí nguồn vốn vay ODA cho những ngành, lĩnh vực, địa phương giải ngân chậm, sử dụng vốn vay nước ngoài không hiệu quả, đồng thời tăng mức phân bổ nguồn vốn vay ODA cho những ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

b) Vay thương mại nước ngoài của Chính phủ

- Hạn chế vay nợ thương mại của Chính phủ, chỉ áp dụng hình thức này trong trường hợp đặc biệt và không thể huy động ngay được các nguồn vốn khác có hiệu quả hơn.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tiến hành thí điểm phát hành trái phiếu của Chính phủ ra nước ngoài để từng bước thâm nhập thị trường tài chính quốc tế và huy động thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

- Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp quản lý nợ hiện đại phù hợp như cơ cấu lại nợ, chuyển đổi nợ, mua lại nợ, hoán đổi nợ,... nhằm bảo đảm cơ cấu nợ hợp lý và giảm được nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

2. Quản lý nợ nước ngoài của các doanh nghiệp

- Giám sát chặt chẽ việc vay và trả nợ của khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và vay nợ ngắn hạn.

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài cần phải được quản lý chặt chẽ: trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, phát triển ổn định, kinh doanh có hiệu quả như: dầu khí, bưu chính viễn thông, điện lực có thể phát hành trái phiếu ra nước ngoài để huy động vốn theo những tỷ lệ nhất định sau khi đã phát hành tốt tại thị trường trong nước và sau khi Chính phủ phát hành trái phiếu ra nước ngoài.

[...]