BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
132/1999/QĐ-BNN-HTQT
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 09 năm 1999
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN
CÓ SỬ
DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT
TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG
NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định 73/CP, ngày 1/11/1995 của Chính
phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 5/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, Nghị định số
52/CP ngày 8/7/1999 về Quy chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức
Cán bộ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm
theo quyết định này "Quy chế quản lý các chương trình và dự án có sử dụng
nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn".
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của Bộ trái với nội
dụng của Quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng
Bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
- Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bộ Tài chính
- Bộ Ngoại giao
- Bộ Tư pháp
- Bộ Thương mại
- Ngân hàng nhà nước
- Các Thứ trưởng
- Giám đốc các Ban quản lý dự án
- Các Văn phòng dự án
- Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố
- Lưu VP, HTQT
|
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP & PTNT
Lê Huy Ngọ
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN CÓ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ
CỦA
NƯỚC NGOÀI THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
(Ban hành kèm theo Quyết
định số 132/1999/QĐ/BNN-HTQT ngày
22/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)
Chương 1:
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Nguồn hỗ trợ của
nước ngoà
1. Nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc phạm vi điều
chỉnh của Quy chế này bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các
nguồn khác của các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên Chính phủ,
các tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là bên nước
ngoài) nhằm mục đích hỗ trợ phát triển Ngành nông nghiệp và phát triển nông
thôn Việt nam, bao gồm:
a. Nguồn viện trợ không hoàn lại
b. Nguồn cho vay với các điều kiện ưu đãi như
cho vay không có lãi suất mà chỉ có phí dịch vụ, có lãi suất thấp hoặc kết hợp
nguồn vay có lãi suất thấp với nguồn vay có lãi suất trung bình, có thời gian
ân hạn, thời gian hoàn trả vốn vay dài hạn.
2. Các hình thức nguồn hỗ trợ của nước ngoài thể
hiện dưới dạng tiền (ngoại tệ hoặc tiền Việt nam), công nghệ, máy móc, thiết bị,
hàng hóa, giống cây, con và vi sinh vật, chuyên gia, đào tạo.
Điều 2: Đối tượng điều chỉnh
1. Đối tượng chịu sự điều chỉnh của Quy chế này
là tất cả các chương trình và dự án (sau đây được gọi chung là dự án) có sử dụng
nguồn hỗ trợ của nước ngoài do các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn quản lý và thực hiện.
2. Các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài
(FDI) và các nguồn được coi là quà biếu, quà tặng không thuộc đối tượng điều chỉnh
của Quy chế này.
Điều 3: Cơ sở pháp lý
Quy chế quản lý này tuân thủ các qui định hiện
hành của Nhà nước như: Nghị định số 87/CP ngày 5/8/1997 của Chính phủ về Quy chế
Quản lý và Sử dụng Nguồn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA); Quyết định số
28/1999/QĐ.TTg ngày 23/2/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế Quản lý và Sử
dụng Viện trợ của các Tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; Nghị định số
52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về Quy chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng,
các thông tư hướng dẫn kèm theo và những qui định hiện hành có liên quan khác của
các Bộ, Ngành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Chương 2:
XÁC ĐỊNH, XÂY DỰNG, THẨM
ĐỊNH, ĐÀM PHÁN, PHÊ DUYỆT VÀ KÝ KẾTCÁC VĂN BẢN DỰ ÁN
Điều 4: Xác định dự án và
tìm nguồn hỗ trợ
1. Trên cơ sở định hướng chiến lược và kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ của cả nước; chiến lược, quy hoạch
và kế hoạch ngắn, trung và dài hạn của Ngành nông nghiệp và phát triển nông
thôn, Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì và phối hợp với các Vụ, Cục chức năng và các
đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ, với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh và thành phố, hàng năm xác định và lập
danh mục hoặc danh mục bổ sung có kèm theo các bản thuyết minh tóm tắt về các dự
án ưu tiên trình Bộ hoặc Bộ trình Chính phủ phê duyệt để tìm nguồn hỗ trợ của
nước ngoài.
2. Những dự án đã được các bên đối tác Việt nam
và nước ngoài thống nhất đề nghị nhưng chưa được Bộ hoặc Chính phủ phê duyệt,
bên đối tác Việt nam phải thông báo cho Vụ Hợp tác Quốc tế để báo cáo Bộ hoặc Bộ
trình Chính phủ xét duyệt và bổ sung vào danh mục các dự án tìm nguồn hỗ trợ của
nước ngoài.
3. Căn cứ nội dung các dự án trong danh mục đã
được phê duyệt, Vụ Hợp tác Quốc tế trình Bộ ra văn bản cử đơn vị chuẩn bị dự án
hoặc đơn vị chủ dự án của từng dự án, chuẩn bị về mặt đối ngoại để lãnh đạo Bộ,
các Cục, Vụ, và đơn vị trực thuộc Bộ, các đơn vị chuẩn bị dự án và chủ dự án,
các cơ quan hữu quan Trung ương, các tỉnh và thành phố xúc tiến việc tìm nguồn
hỗ trợ cho các dự án.
4. Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc chủ dự án phải kịp
thời báo cáo Bộ (thông qua Vụ Hợp tác Quốc tế) về tình hình và kết quả xúc tiến
tìm nguồn hỗ trợ của nước ngoài cho dự án.
Điều 5: Xây dựng và lập hồ
sơ dự án
1. Khi có nhà tài trợ ghi nhận xem xét để hỗ trợ
cho một dự án cụ thể trong danh mục các dự án được duyệt để tìm nguồn hỗ trợ,
các bên Việt nam và bên nước ngoài cần lập hồ sơ dự án trong thời gian sớm nhất.
2. Tuỳ theo quy chế của bên hỗ trợ và những qui
định hiện hành của Nhà nước Việt nam, Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì cùng với các Vụ,
Cục chức năng hướng dẫn đơn vị chuẩn bị dự án hoặc đơn vị chủ dự án xây dựng và
lập hồ sơ cho từng dự án, cụ thể gồm:
a. Tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi
trong trường hợp dự án chưa có báo cáo tiền khả thi hoặc có báo cáo tiền khả
thi nhưng nhà tài trợ vẫn yêu cầu tiến hành nghiên cứu những khía cạnh nhà tài
trợ quan tâm, đặc biệt đối với những dự án sử dụng vốn vay.
b. Tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi
trong trường hợp hai bên đối tác chấp nhận báo cáo tiền khả thi đã có hoặc bỏ
qua giai đoạn tiền khả thi.
c. Việc xây dựng báo cáo tiền khả thi và khả thi
có thể do bên chủ dự án hoặc cả hai bên đối tác hoặc bên tài trợ thuê công ty
tư vấn trong nước hoặc nước ngoài thực hiện.
3. Nội dung cơ bản của báo cáo tiền khả thi và
khả thi qui định tại Điều 23 và 24 Chương II Quy chế ban hành kèm theo Nghị định
số 52/1999/NĐ-CP.
4. Trường hợp bên hỗ trợ không yêu cầu lập báo
cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc khả thi mà chỉ lập văn bản hoặc văn kiện dự án
đề nghị (sau đây gọi là văn bản dự án), đơn vị chuẩn bị dự án hoặc đơn vị chủ dự
án phải phối hợp với bên hỗ trợ để lập văn bản dự án đạt yêu cầu của cả hai
bên.
Điều 6: Thẩm định dự án
1. Tất cả các dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ của
nước ngoài đều phải được thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
để ký kết với bên hỗ trợ.
2. Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền thẩm
định của cơ quan chức năng của Nhà nước có thẩm quyền và tổ chức tín dụng Nhà
nước (đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng) phải thực hiện theo qui định tại
Điều 26 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 .
3. Vụ Đầu tư Xây dựng Cơ bản chủ trì thẩm định tất
cả các dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công
trình xây dựng. Vụ Kế hoạch và Quy hoạch chủ trì thẩm định dự án đầu tư phát
triển cây, con. Vụ Khoa học, Công nghệ và Chất lượng Sản phẩm chủ trì thẩm định
các dự án hợp tác phát triển khoa học và công nghệ. Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì
thẩm định các dự án về thể chế chính sách, cải cách hành chính, hội nhập kinh tế
quốc tế và phát triển nguồn nhân lực.
4. Nội dung thẩm định:
a. Nội dung thẩm định các dự án đầu tư xây dựng thực
hiện theo Điều 27 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP.
b. Nội dung thẩm định các dự án khác không thuộc
quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP, cần làm rõ sự cần
thiết phải có dự án, tính khả thi, các mục tiêu đề ra của dự án, hiệu quả về
kinh tế - xã hội, an ninh, môi trường của dự án.
5. Thời gian thẩm định: Thời gian thẩm định dự
án đầu tư xây dựng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ:
a. Các dự án đầu tư thuộc nhóm A: thời hạn thẩm
định không quá 60 ngày.
b. Các dự án đầu tư thuộc nhóm B: thời hạn thẩm
định không quá 30 ngày.
c. Các dự án đầu tư thuộc nhóm C: thời hạn thẩm
định không quá 20 ngày.
d. Đối với các dự án không thuộc 3 nhóm trên: thời
gian thẩm định không quá 20 ngày.
Điều 7: Kinh phí lập dự án
và thẩm định dự án
Kinh phí lập dự án và thẩm định đối với dự án đầu
tư thực hiện theo Điều 32 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP, đối
với các dự án khác lấy từ nguồn hỗ trợ của nước ngoài hoặc vốn ngân sách Nhà nước
đã bố trí cho dự án hoặc từ kinh phí hợp pháp của đơn vị chuẩn bị dự án hoặc
đơn vị chủ dự án
Điều 8: Đàm phán, phê duyệt
và ký kết các văn bản dự án
1. Việc đàm phán giữa bên Việt nam và bên nước
ngoài diễn ra từ lúc tiếp xúc ban đầu để xác định dự án và xác định nguồn hỗ trợ
đến khâu ký kết các văn bản dự án.
2. Trên cơ sở báo cáo khả thi hoặc văn bản dự án
đã được các bên thẩm định, Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì phối hợp với các Vụ, Cục
chức năng và chủ dự án tiến hành đàm phán và chuẩn bị các văn bản để trình Bộ
trưởng hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ký kết với bên hỗ trợ.
Văn bản cần thiết để trình phê duyệt và ký kết gồm
có một trong những loại sau đây: Hiệp định hoặc Thoả thuận, Nghị định thư, Ghi
nhớ, Bản thu xếp, Biên bản, Hợp đồng cùng với báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc
văn bản dự án, thư uỷ nhiệm (trường hợp người ký được cấp trên uỷ quyền).
3. Thẩm quyền phê duyệt các dự án có sử dụng vốn
ODA qui định tại Nghị định 87/CP như sau:
3.1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
a. Danh mục các dự án có sử dụng vốn ODA hàng
năm, kể cả những sửa đổi, bổ sung có liên quan.
b. Các dự án tín dụng có sử dụng vốn ODA.
c. Các dự án có sử dụng vốn ODA không hoàn lại
có mức vốn từ 500.000 đô la Mỹ trở lên.
d. Các dự án sử dụng vốn ODA có liên quan đến thể
chế, chính sách, luật pháp, văn hóa thông tin hoặc quốc phòng, an ninh (không
phụ thuộc quy mô vốn).
e. Các dự án sử dụng vốn ODA với tổng số vốn đầu
tư tương đương dự án nhóm A theo qui định tại Quy chế ban hành kèm theo Nghị định
52/1999/NĐ-CP.
3.2. Trên cơ sở danh mục các dự án đầu tư sử dụng
vốn ODA hàng năm, kể cả những sửa đổi bổ sung liên quan đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt các
loại dự án sau:
a. Các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA có tổng số vốn
đầu tư tương đương dưới mức dự án nhóm A theo qui định tại Quy chế ban hành kèm
theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP.
b. Các dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại có mức
vốn dưới 500.000 đô la Mỹ. Các dự án có giá trị tương đương dưới 10.000 đô la Mỹ,
đơn vị chủ dự án quyết định việc ký kết và báo cáo Vụ Hợp tác Quốc tế để giúp Bộ
theo dõi thực hiện.
4. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự
án, Vụ Hợp tác Quốc tế thông báo cho bên đối tác nước ngoài về kết quả phê duyệt,
chủ trì cùng các Vụ, Cục có liên quan hướng dẫn chủ dự án chuẩn bị đàm phán cuối
cùng, hoàn thiện nội dung, thủ tục và ký kết văn bản dự án hoặc ký kết các điều
ước quốc tế.
5. Trong quá trình đàm phán, nếu có phát sinh,
thay đổi so với văn bản dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trưởng
đoàn đàm phán phải báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo Bộ và của cấp có thẩm quyền
phê duyệt dự án.
6. Đối với các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn quản lý, trong thời gian sớm nhất sau khi kết thúc quá trình
đàm phán, trưởng đoàn đàm phán phải gửi báo cáo bằng văn bản lên Bộ trưởng về kết
quả đàm phán, nội dung và các văn bản đã thoả thuận để ký kết với đối tác bên
nước ngoài. Trên cơ sở đó, Vụ Hợp tác Quốc tế chuẩn bị văn bản để Bộ phê duyệt
hoặc Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chuẩn bị triển khai các bước tiếp
theo.
Điều 9: Thẩm quyền và cấp ký
kết
1. Việc tiến hành đàm phán và ký điều ước quốc tế
phải được sự uỷ quyền của Chủ tịch nước (đối với điều ước quốc tế ký kết với
danh nghĩa Nhà nước), của Chính phủ (đối với điều ước quốc tế ký kết với danh
nghĩa Chính phủ) hoặc Bộ trưởng (đối với những điều ước quốc tế ký kết với danh
nghĩa Bộ).
2. Trưởng đoàn đàm phán và ký điều ước quốc tế với
danh nghĩa Bộ phải được Bộ trưởng uỷ quyền phù hợp với tính chất, tầm quan trọng
của điều ước ký kết và người có thẩm quyền đàm phán và ký kết của bên nước
ngoài.
Điều 10: Quản lý văn bản ký
kết, trao đổi tài liệu và mẫu vật
1. Các văn bản do Chính phủ uỷ quyền cho Bộ ký kết
được lưu giữ tại Bộ Ngoại giao.
2. Các văn bản ký kết khác được quản lý như sau:
- Bản gốc lưu giữ tại Văn phòng Bộ.
- Các bản sao lưu giữ tại Vụ Hợp tác Quốc tế và
các đơn vị có liên quan.
3. Việc lưu giữ, tiếp xúc, trao đổi, cung cấp
thông tin, hồ sơ, tài liệu, mẫu vật với bên nước ngoài được thực hiện theo qui
định hiện hành của Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Chương 3:
TỔ
CHỨC VÀ QUẢN LÝ THỰC HIỆN
Điều 11: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn thực hiện chủ trương thống nhất quản lý Nhà nước về
ODA và các nguồn lực hỗ trợ khác từ nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp và phát
triển nông thôn thể hiện trong các mặt sau đây:
1. Trên cơ sở định hướng chiến lược và kế hoạch
phát triển ngắn, trung và dài hạn của Ngành nông nghiệp và phát triển nông
thôn, các dự án hợp tác với nước ngoài được xác định, xây dựng và xếp thứ tự ưu
tiên để vận động nguồn lực quốc tế giúp đỡ và hợp tác.
2. Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước của các
Vụ, Cục và cơ quan chức năng có liên quan của Bộ đối với các dự án có sử dụng
nguồn hỗ trợ của nước ngoài.
Điều 12: Trách nhiệm quản
lý thực hiện dự án của các Vụ chức năng thuộc Bộ
1. Vụ Hợp tác Quốc tế giúp Bộ trưởng quản
lý tổng hợp tất cả các dự án có nguồn hỗ trợ của nước ngoài, chủ trì và phối hợp
với các Vụ, Cục và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các khâu từ xác định và
tìm nguồn hỗ trợ đến khâu ký kết các văn bản dự án hoặc điều ước quốc tế; chủ
trì tổ chức quản lý việc thực hiện các dự án về thể chế chính sách, cải cách
hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển nguồn nhân lực; theo dõi đôn
đốc các chủ dự án thực hiện đúng các cam kết, theo dõi và tổng hợp tình hình
các dự án hợp tác quốc tế của Bộ để định kỳ 6 tháng báo cáo lãnh đạo Bộ hoặc bất
thường theo yêu cầu của Bộ.
Danh mục, văn bản và các thông tin cần thiết về
các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc trách nhiệm của Bộ cần được
tập trung qua kênh quản lý tổng hợp của Vụ Hợp tác Quốc tế để trình Bộ hoặc cấp
có thẩm quyền để phê duyệt, xử lý hoặc gửi cho đối tác nước ngoài nhằm đảm bảo
được sự quản lý thống nhất của Bộ, tránh sự trùng lặp, bỏ sót, chậm trễ , lãng phí,
phân tán, sơ hở hoặc không an toàn.
2. Vụ Kế hoạch và Quy hoạch chủ
trì và phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế, các Vụ, Cục có liên quan tổ chức quản
lý việc thực hiện các dự án đầu tư và phát triển, các dự án đầu tư xây dựng thuộc
trách nhiệm quản lý của Bộ; phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế chuẩn bị các văn bản
dự án đầu tư và phát triển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp kế hoạch
vốn đối ứng và vốn nước ngoài theo tiến độ của tất cả các dự án của Bộ quản lý
để cân đối dựa vào kế hoạch đầu tư hàng năm và hướng dẫn chủ dự án thực hiện.
3. Vụ Khoa học, Công nghệ và Chất lượng
Sản phẩm chủ trì và phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế, các Vụ, Cục có liên
quan tổ chức quản lý việc thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển
khoa học, công nghệ và môi trường thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, bao gồm hướng
dẫn xây dựng dự án, tổ chức thẩm định nội dung trước khi trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt; kiểm tra và đánh giá việc thực hiện nội dung của dự án; xem xét và
làm các thủ tục trao đổi với nước ngoài về mẫu vật (thực vật, động vật, vi sinh
vật...), công nghệ và các tài liệu khoa học, môi trường trong nông nghiệp và
phát triển nông thôn.
Việc trao đổi động thực vật hoang dã do Cục Kiểm
lâm thực hiện theo những qui định hiện hành của Nhà nước, của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn và phù hợp với những cam kết của nước ta với quốc tế.
4. Vụ Tổ chức Cán bộ có trách nhiệm
phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế chuẩn bị nhân sự và trình Bộ thành lập Ban điều
hành dự án, đề xuất để Bộ quyết định cử Giám đốc cùng các thành viên của Ban quản
lý các dự án chuyên ngành (nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi) và Văn phòng dự
án có sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài; hướng dẫn các Ban quản lý các dự án
chuyên ngành xây dựng quy chế tổ chức hoạt động và theo dõi kiểm tra thực hiện
các quy chế đó; theo dõi hoạt động, kiểm tra, phát hiện và đề xuất giải quyết
những vấn đề phát sinh về tổ chức bộ máy và nhân sự của các dự án.
5. Vụ Tài chính Kế toán giúp Bộ
trưởng quản lý tài chính và đề xuất bổ sung quy chế quản lý tài chính, định mức
chỉ tiêu đối với các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài do các đơn vị
thuộc Bộ thực hiện.
Căn cứ vào qui định hiện hành về quản lý tài
chính trong nước và qui định tại các hiệp định hoặc văn bản dự án, Vụ Tài chính
Kế toán hướng dẫn các Ban quản lý dự án, Văn phòng dự án về lập kế hoạch tài
chính, giải ngân, chế độ kế toán, báo cáo tài chính trình Bộ và Bộ Tài chính
phù hợp với nội dung, tiến độ đã được phê duyệt; kiểm tra kế toán định kỳ và bất
thường đối với các Ban quản lý dự án, các Văn phòng dự án bằng việc thẩm định
và xét duyệt quyết toán các dự án hàng năm; khi dự án kết thúc, quản lý việc
bàn giao tài sản dự án cho các đơn vị quản lý, sử dụng theo chế độ quản lý tài
chính hiện hành.
6. Vụ Đầu tư Xây dựng Cơ bản phối hợp với
Vụ Hợp tác Quốc tế và các Vụ, Cục chức năng khác, sau khi thẩm định các dự án đầu
tư xây dựng, thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình xây dựng,
hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư thực hiện xây dựng, đấu thầu, mua sắm vật tư
thiết bị, xây lắp theo đúng các qui định hiện hành của Nhà nước; các hướng dẫn
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ khác đồng thời phù hợp với
thông lệ quốc tế.
Điều 13: Bộ máy và nhân lực
dự án
1. Ban điều hành dự án: Tuỳ theo yêu cầu
của một số dự án, Ban điều hành dự án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn quyết định, do một Thứ trưởng làm Trưởng Ban để thực hiện nhiệm vụ thống
nhất huy động và điều phối sự tham gia của các Bộ, Ngành trong việc quản lý dự
án do Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn điều hành kế hoạch thực hiện dự án theo văn bản dự án đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt. Thành viên Ban điều hành dự án là đại diện của các Bộ,
các cơ quan trung ương hoặc các tỉnh, thành phố có liên quan. Nhiệm vụ của Ban
điều hành được ghi trong quyết định thành lập, chủ yếu xem xét, tư vấn cho Bộ
phê duyệt các vấn đề thuộc về chính sách, tổ chức, kế hoạch hoạt động và ngân
sách định kỳ (nửa năm hoặc cả năm) của dự án do Giám đốc dự án trình lên; định
kỳ kiểm tra, sơ kết và tổng kết dự án, đảm bảo thực hiện thành công những mục
tiêu đã được xác định trong văn bản dự án.
2. Ban quản lý các dự án nông nghiệp,
Ban quản lý các dự án lâm nghiệp và Ban quản lý các dự án thủy lợi
(CPO): Hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho mỗi Ban. Các Ban này là những đơn vị sự
nghiệp kinh tế có nhiệm vụ quản lý trực tiếp và tổ chức chỉ đạo thực thi và các
dự án cụ thể được Bộ giao và chấp hành quy chế này như các đơn vị chủ dự án.
Tuỳ thuộc vào từng dự án, Vụ Tổ chức Cán bộ chủ
trì và phối hợp với các Vụ, Cục liên quan và Ban quản lý các dự án xây dựng quy
chế hoạt động của Ban điều hành dự án trình Bộ phê duyệt và ban hành thực hiện.
3. Văn phòng dự án: Trực tiếp điều
hành công việc hàng ngày của dự án, gồm có Giám đốc, điều phối viên, kế toán và
các nhân viên dự án do Vụ Tổ chức cán bộ cùng với đơn vị chủ dự án trình Bộ xem
xét, quyết định.
Giám đốc dự án có trách nhiệm cùng với các thành
viên của Văn phòng dự án phối hợp với chuyên gia của dự án (nếu có) điều hành
các hoạt động của dự án gồm:
a. Xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách
(tháng, quý, nửa năm và cả năm) của dự án, trình Ban quản lý các dự án hoặc Ban
điều hành dự án (nếu có), các Vụ, Cục chức năng liên quan để phê duyệt và thực
hiện.
b. Lập kế hoạch và chuẩn bị các thủ tục để rút vốn
đối ứng từ ngân sách Nhà nước, rút vốn nước ngoài theo tiến độ đã ghi trong văn
bản dự án.
c. Chấp hành các quy chế tài chính, chế độ thống
kê, kế toán và các chế độ kiểm tra, thanh tra theo qui định hiện hành của Nhà
nước, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (theo qui định của văn bản dự án đã được
phê duyệt) và bất thường (khi có yêu cầu) về Bộ (Vụ Kế hoạch và Quy hoạch, Vụ Đầu
tư Xây dựng Cơ bản, Vụ Tài chính Kế toán, Vụ Hợp tác Quốc tế) theo mẫu hướng dẫn
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ có liên quan và các yêu cầu
của bên nước ngoài về báo cáo tài chính, kiểm toán.
d. Tuyển chọn chuyên gia trong nước và chuyên
gia quốc tế theo đề cương chức năng và nhiệm vụ (TOR), cung cấp các điều kiện vật
chất và nhân sự cộng tác để tiến hành công việc theo lịch trình đã định.
đ. Tổ chức đấu thầu tuyển chọn thiết bị, vật tư
xây lắp và dịch vụ cho dự án theo qui định hiện hành của Nhà nước và của nhà
tài trợ.
e. Tổ chức lực lượng, phương tiện, sổ sách để
theo dõi, đôn đốc thực hiện các hoạt động và hạng mục của dự án.
g. Quản lý hoạt động của các chuyên gia dự án
h. Phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế, các Vụ chức
năng và đại diện của nhà tài trợ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tiến độ định
kỳ và kết thúc dự án theo qui định tại văn bản dự án, báo cáo về Bộ, các Vụ chức
năng có liên quan và nhà tài trợ.
Điều 14: Sơ kết, tổng kết,
đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện dự án
Vụ Hợp tác Quốc tế và các Vụ liên quan hướng dẫn
Giám đốc dự án phối hợp với bên đối tác nước ngoài tổ chức sơ kết, tổng kết,
đánh giá và báo cáo Bộ (thông qua Vụ Hợp tác Quốc tế) tình hình hoạt động dự án
đã qui định tại văn bản dự án hoặc định kỳ 6 tháng và cả năm, rút kinh nghiệm về
quản lý dự án, đề xuất hoặc kiến nghị những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, sửa
đổi về văn bản dự án, tổ chức thực hiện và kết thúc dự án.
Vụ Hợp tác Quốc tế tổng hợp tình hình và kết quả
sử dụng các nguồn lực hỗ trợ của nước ngoài, báo cáo lãnh đạo Bộ theo định kỳ 6
tháng và cả năm.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15: Hiệu lực thi hành
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Trưởng ban
điều hành dự án, Giám đốc các Ban quản lý các dự án nông nghiệp, dự án lâm nghiệp,
dự án thuỷ lợi và các Văn phòng dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài chịu
trách nhiệm thi hành Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào cần bổ
sung, sửa đổi cần phản ánh kịp thời về Bộ (Vụ Hợp tác Quốc tế) để xem xét giải
quyết.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Lê Huy Ngọ
|