Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1313/QĐ-UBND-HC năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch khai thác và bảo vệ môi trường nước mặt sông Tiền và sông Hậu (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 1313/QĐ-UBND-HC
Ngày ban hành 24/12/2013
Ngày có hiệu lực 24/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Thanh Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1313/QĐ-UBND.HC

Đồng Tháp, ngày 24 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NƯỚC MẶT SÔNG TIỀN VÀ SÔNG HẬU (ĐOẠN NGANG QUA TỈNH ĐỒNG THÁP) ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Quản lý lưu vực sông;

Căn cứ Quyết định số 1021/QĐ-UBND.HC ngày 17 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt đề cương dự án “Quy hoạch khai thác và bảo vệ môi trường nước mặt sông Tiền và sông Hậu (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;

Xét đề nghị tại Tờ trình số 706/TTr-STNMT ngày 18 tháng 12 năm 2013, của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch khai thác và bảo vệ môi trường nước mặt sông Tiền và sông Hậu (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm, định hướng quy hoạch:

- Quy hoạch khai thác và bảo vệ nước mặt sông Tiền, sông Hậu đoạn ngang qua tỉnh Đồng Tháp là định hướng, cơ sở cho quản lý, thẩm định, cấp phép, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án hỗ trợ, đầu tư có liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

- Quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phải hướng đến phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước của từng vùng, từng khu vực để bảo đảm cung cấp nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ nguồn nước ổn định, bền vững lâu dài.

- Quản lý tài nguyên nước mặt phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông; việc bố trí phát triển các công trình khai thác nước mới phải bảo đảm không vượt quá giới hạn khai thác, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của vùng liên tỉnh.

- Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, các ngành, lĩnh vực sản xuất có giá trị kinh tế cao, ít tiêu tốn nước; hạn chế khai thác nước dưới đất có chất lượng tốt để cung cấp cho các ngành, lĩnh vực có suất tiêu thụ nước lớn, nhất là ở những vùng, khu vực có thể khai thác, sử dụng nguồn nước mặt.

- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt phải gắn liền với công tác bảo vệ nguồn nước; phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan.

2. Nguyên tắc phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt:

- Việc phân bổ, bảo vệ nguồn nước phải đảm bảo tính bền vững, dựa trên cơ sở kết quả đánh giá tương quan giữa nhu cầu khai thác, sử dụng nước và khả năng đáp ứng của nguồn nước.

- Trong điều kiện bình thường: đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nước tưới và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các sông. Hạn chế và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.

- Trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước: đảm bảo đủ 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt, công nghiệp, giảm nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các sông. Hạn chế và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.

3. Cơ sở phân vùng quy hoạch:

Trên quan điểm quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông, phân vùng cân bằng nước dựa trên các nguyên tắc sau:

- Đặc điểm tự nhiên, sự phân cắt của địa hình tạo nên các khu có tính độc lập tương đối được bao bọc bởi các dòng sông hoặc các đường phân thủy.

- Ranh giới hành chính được xem xét theo góc độ quản lý nhà nước và quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi.

- Khu và tiểu khu thủy lợi có đủ điều kiện để xác định các nút lấy nước, thoát nước, xả nước... góp phần xây dựng sơ đồ phát triển nguồn nước lưu vực.

- Các vùng có tính độc lập tương đối trong quản lý khai thác tài nguyên nước và có liên hệ với các khu, tiểu khu khác.

[...]