Quyết định 13/2007/QĐ-BBCVT phê duyệt Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông ban hành.

Số hiệu 13/2007/QĐ-BBCVT
Ngày ban hành 15/06/2007
Ngày có hiệu lực 20/07/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Bưu chính, Viễn thông
Người ký Đỗ Trung Tá
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

*******

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Số: 13/2007/QĐ-BBCVT

Hà Nội, ngày 15 tháng  6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Thực hiện uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 116/TB-VPCP ngày 22 tháng 5 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển viễn thông và công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần từng bước làm động lực cho sự nghiệp phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung thành một vùng kinh tế phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đẩy mạnh phát triển viễn thông và công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng làm hạt nhân lan toả và phát triển của toàn vùng KTTĐ miền Trung và động lực thúc đẩy, hỗ trợ các tỉnh khu vực miền Trung.

b) Viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng, được phát triển đi trước một bước và phát triển toàn diện về mạng lưới, công nghệ và dịch vụ, bảo đảm an toàn mạng lưới, kết nối liên vùng và cả nước, phục vụ tốt hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp và của toàn xã hội, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá và phát triển bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phục vụ hiệu quả và kịp thời cho công tác an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống.

c) Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng KTTĐ miền Trung. Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác nguồn vốn và công nghệ mới. Đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần cứng. Phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung là hướng ưu tiên quan trọng.

d) Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh, quốc phòng, đặc biệt tập trung ưu tiên phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới tổ chức, phương thức quản lý, quy trình điều hành, trợ giúp đắc lực cho hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, tiến tới xây dựng “tỉnh, thành phố điện tử”. Từng bước cung cấp thông tin qua mạng phục vụ người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, giúp cho người dân và doanh nghiệp làm việc với các cơ quan nhà nước nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

2. Mục tiêu và định hướng phát triển

a) Phát triển viễn thông

- Mục tiêu đến năm 2010

Xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn, độ tin cậy cao. Phát triển viễn thông phục vụ tốt và kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, công tác an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả cho công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển và các vùng thường xuyên xảy ra bão lũ. Phát triển các dịch vụ viễn thông phục vụ phát triển kinh tế biển, đánh bắt hải sản xa bờ, phục vụ hàng hải, quản lý an toàn cứu nạn theo phân vùng trách nhiệm quốc tế; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ viễn thông chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả của miền Trung và của cả nước.

Duy trì tốc độ tăng trưởng toàn vùng cao hơn so với bình quân cả nước, đạt từ 20 - 30%. Đẩy mạnh việc mở rộng vùng phủ sóng thông tin di động tại các vùng nông thôn, thu hẹp khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Đẩy mạnh phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã vùng biên giới. Đến năm 2010 đạt 100% số xã có điểm truy nhập dịch vụ điện thoại công cộng; 50% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng; 100% số huyện và hầu hết các xã trong vùng được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng; mật độ điện thoại toàn vùng đạt 40 - 45 máy/100 dân (điện thoại cố định: 16 - 18 máy và điện thoại di động: 24 - 27 máy); tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 28% - 32% (Chỉ tiêu phát triển viễn thông đến năm 2010 của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vùng KTTĐ miền Trung tại Phụ lục 1).

- Định hướng đến năm 2020

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, có độ bao phủ rộng khắp. Phát triển mạnh mạng thế hệ sau (NGN) nhằm cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng thống nhất. Đẩy mạnh phát triển mạng truy nhập băng rộng để bảo đảm phát triển các ứng dụng trên mạng như: chính phủ điện tử, thương mại điện tử, đào tạo, khám chữa bệnh từ xa và các ứng dụng khác. Các mạng viễn thông di động phát triển tiến tới hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) và các thế hệ tiếp sau. Phát triển các dịch vụ phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông, đáp ứng kịp thời nhu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội. Đến năm 2020, mức độ sử dụng các dịch vụ viễn thông đạt mức của các nước công nghiệp phát triển. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ viễn thông tại nông thôn ngang bằng với thành thị.

b) Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

- Mục tiêu đến năm 2010

Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng KTTĐ miền Trung theo hướng chú trọng xuất khẩu, hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, gia công sản phẩm với các công ty nước ngoài. Công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 32% - 33%/năm. Đến năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin đạt khoảng 400 - 500 triệu USD chiếm khoảng 0,5%-1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng.

- Định hướng đến năm 2020

Phấn đấu trước năm 2015 công nghiệp công nghệ thông tin trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của vùng với tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững, ổn định, định hướng vào xuất khẩu đồng thời là hạt nhân thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của vùng và các vùng lân cận. Đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn vùng. Phát triển vùng KTTĐ miền Trung trở thành một trung tâm về sản xuất phần mềm và thiết bị điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, điện tử gia dụng.

c) Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin

- Mục tiêu đến năm 2010

Hệ thống chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời trong các cơ quan nhà nước làm công cụ hữu ích cho cải cách hành chính. Tin học hóa các hoạt động nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước. Xây dựng và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng thông tin, trang thông tin điện tử phục vụ việc trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan và tổ chức, cá nhân. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử và khai thác thông tin trong công việc.

 Hình thành và thúc đẩy phát triển giao dịch điện tử và thương mại điện tử cùng với việc đi vào hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Trang thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố phải cung cấp và cập nhật đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính, quy trình làm việc, các dự án đầu tư, đấu thầu và mua sắm công, các hoạt động trên môi trường mạng của các cơ quan, các thông tin thu hút đầu tư qua mạng. Người dân và các doanh nghiệp có thể truy nhập và sử dụng thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng. Một số dịch vụ khai báo, đăng ký, cấp phép được thực hiện trực tuyến.

[...]