Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 192/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt "Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 192/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/02/2017
Ngày có hiệu lực 13/02/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm

a) Phát triển ngành công nghiệp môi trường là một nội dung quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Phát triển đồng bộ các lĩnh vực cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới;

c) Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2025, ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.

- Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60 % nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

- Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật về ngành công nghiệp môi trường; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp môi trường, hình thành khu, cụm công nghiệp tái chế chất thải tập trung tại các địa phương; chính sách khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường chưa có khả năng sản xuất trong nước;

- Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, các bộ đơn giá dịch vụ môi trường, suất đầu tư theo công nghệ trong xử lý môi trường;

- Lồng ghép nội dung phát triển ngành công nghiệp môi trường vào các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng và địa phương;

- Xây dựng và đưa danh mục hàng hóa và dịch vụ môi trường của ngành công nghiệp môi trường vào trong phân loại thống kê hệ thống ngành, sản phẩm của Việt Nam.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn về ngành công nghiệp môi trường; phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và địa phương trong việc quản lý, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường;

- Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc khu vực nhà nước; phát triển một số doanh nghiệp dịch vụ môi trường đủ năng lực để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, bức xúc của đất nước;

[...]