Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1291/QĐ-BNN-TCCB năm 2014 phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và tổ chức sự nghiệp công lập thuộc bộ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1291/QĐ-BNN-TCCB
Ngày ban hành 12/06/2014
Ngày có hiệu lực 12/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1291/QĐ-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC BỘ PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và tổ chức sự nghiệp công lập thuộc Bộ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, gồm các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm có hiệu lực, hiệu quả, quản lý thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; tổ chức sự nghiệp công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành và cung cấp dịch vụ công thuộc chức năng của Bộ.

II. NỘI DUNG

1. Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

a) Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, Tổng cục, Cục để có điều chỉnh, phân công phù hợp với quy định mới của pháp luật, đồng thời khắc phục chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ của các tổ chức hành chính trực thuộc Bộ.

b) Tập trung hoàn thiện việc rà soát, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước của 3 Tổng cục ở Bộ và các địa phương, đảm bảo sự chỉ đạo nhanh nhạy, thông suốt, chủ động và hiệu quả về quản lý ngành, lĩnh vực từ Trung ương tới cơ sở.

c) Tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống tổ chức ngành theo hướng đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, đảm bảo sự chỉ đạo nhanh nhạy, thông suốt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể:

- Phân định, làm rõ nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm; ngành nghề, làng nghề nông thôn; khoa học công nghệ; chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và muối; phòng chống thiên tai, điều tiết nước với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Rà soát, sắp xếp các chi cục quản lý chuyên ngành để thống nhất với cơ cấu tổ chức của Bộ và các Tổng cục, Cục của Bộ, đảm bảo bao quát nhiệm vụ của chuyên ngành lớn, chuyên ngành ghép, đảm bảo tính hệ thống, thống nhất trong quản lý, chỉ đạo từ Bộ, các Tổng cục, Cục, Thanh tra Bộ, các cơ quan tham mưu thuộc Bộ tới cấp Sở và Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phân định nhiệm vụ của các Trạm, Hạt thuộc Chi cục đặt tại địa bàn cấp huyện với nhiệm vụ quản lý của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế cấp huyện.

d) Tiếp tục rà soát phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo nguyên tắc những việc liên quan đến nhiều tổ chức thì có một tổ chức được giao chủ trì và chịu trách nhiệm chính, các tổ chức khác có trách nhiệm phối hợp.

đ) Rà soát, điều chỉnh các quy định về phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Bộ và UBND cấp tỉnh về giải quyết thủ tục hành chính; quản lý đầu tư; thanh tra; kiểm tra; xử lý hành vi vi phạm pháp luật; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Kiện toàn tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ

a) Thực hiện Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục rà soát, sắp xếp, phân loại, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập trực thuộc Bộ để đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ, đồng thời gắn với tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước của Bộ.

b) Rà soát quy hoạch mạng lưới, sắp xếp, phân loại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực thuộc Bộ nhằm từng bước tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.

c) Tiếp tục rà soát, sắp xếp, phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Bộ cho phù hợp với quy định mới của pháp luật và yêu cầu quản lý của Bộ nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ công phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ và cung ứng tốt hơn các dịch vụ cơ bản thiết yếu cho người dân và cho xã hội.

3. Điều chỉnh phương thức vận hành của hệ thống quản lý nhà nước của Bộ, ngành

a) Rà soát, đánh giá, xây dựng phương thức vận hành, cơ chế, quy chế chỉ đạo, quản lý, phối hợp công tác, chế độ thông tin báo cáo giữa các Vụ, Cục, Tổng cục đảm bảo công tác quản lý, điều hành của Bộ thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

b) Rà soát, đánh giá, xây dựng cơ chế, quy chế chỉ đạo, quản lý, phối hợp công tác, chế độ thông tin báo cáo giữa hệ thống Tổng cục, Cục của Bộ với Sở và Chi cục thuộc Sở; giữa hệ thống Chi cục, Trạm, Hạt của Chi cục với Phòng Nông nghiệp cấp huyện để tạo thành hệ thống quản lý thống nhất, thông suốt, có sức mạnh, chủ động, hiệu lực, hiệu quả và kết hợp giữa chức năng quản lý nhà nước theo ngành và quản lý nhà nước theo lãnh thổ, địa bàn.

c) Tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung việc phân cấp, ủy quyền của Bộ; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân cấp, ủy quyền của Bộ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; phân cấp của Bộ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo nguyên tắc đẩy mạnh ủy quyền, phân cấp gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc ủy quyền, phân cấp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

[...]